Charlie Brown và Franz Stigler: Câu chuyện về lòng trắc ẩn của “kẻ thù” bên kia chiến tuyến.

by admin

Nửa cuối năm 1943, không quân Đồng Minh quyết định tổ chức các cuộc không kích vào lãnh thổ Đức nhằm huỷ diệt nền công nghiệp của Đức và làm cho nước này kiệt quệ. Thiếu uý Charlie Brown là phi công tham gia vào chiến dịch không kích này.

Vào ngày 20/12/1943, trong không khí lạnh của những ngày cận kề Giáng Sinh, Phi đội ném bom hạng nặng số 379 thực hiện phi vụ ném bom vào nhà máy Focke-Wulf ở Bremen, Đức, nơi được bảo vệ bởi 250 khẩu pháo cao xạ. Charlie lái chiếc B-17 “Ye Olde Pub” và bay ở rìa đội hình. Tuy nhiên, có 3 chiếc khác gặp sự cố nên Charlie được ra lệnh bay dẫn đầu. Trước khi bắt đầu ném bom, máy bay của anh trúng 2 viên đạn phòng không làm vỡ kính mũi, chết động cơ số 2 và động cơ số 4 gặp lỗi. Vì bị hư hại nặng nên máy bay của Charlie tụt lại phía sau đội hình.

Không lâu sau đó, khoảng 12-15 tiêm kích Đức bắt đầu tiếp cận và tấn công. Động cơ số 3 trúng đạn và mất nửa công suất. Xạ thủ súng máy đuôi Hugh Eckenrode trúng đạn và thiệt mạng, những thành viên tổ bay còn lại bị thương nặng và không còn đủ sức chiến đấu. Hệ thống cung cấp điện, oxy và sưởi trên máy bay đều đã hỏng. Vì thiếu oxy cộng thêm vết thương do trúng đạn ở vai, Charlie Brown ngất đi trong một lúc và máy bay bắt đầu rơi. Anh tỉnh lại khi còn cách mặt đất vài trăm mét và đã cố gắng lấy lại độ cao.

Franz Stigler khi ấy đang tiếp nhiên liệu ở căn cứ, nhìn thấy chiếc B-17 bay qua, anh quyết định không bỏ lỡ cơ hội kết liễu nó để được trao huân chương “Chữ Thập Hiệp Sĩ” cao quý (trước đó anh đã bắn hạ 2 chiếc B-17 khác). Nhưng khi tiếp cận chiếc B-17, anh nhận ra nó không hề bắn trả. Nhìn thấy xác của xạ thủ đuôi và các thành viên còn lại bị thương nặng, Franz chợt nhớ lại lời của cấp trên: “Nếu tôi biết được các anh bắn hạ những phi công đang nhảy dù, chính tay tôi sẽ bắn ch.ết các anh.”

“Đối với tôi, bọn họ cũng giống như đang nhảy dù vậy.” Vì thế Franz quyết định không bắn hạ chiếc B-17, thay vào đó anh bay sát chiếc B-17 để hoả lực phòng không từ mặt đất không bắn lên. Franz cố thuyết phục Charlie hạ cánh ở Đức và đầu hàng, nhưng Charlie không hiểu ý và tiếp tục bay về Anh. Franz tiếp tục hộ tống Charlie bay đến Biển Bắc sau đó chào kiểu nhà binh và quay về căn cứ.

Charlie hạ cánh thành công ở Anh, mọi thành viên đều sống sót trừ xạ thủ đuôi, sau đó anh kể câu chuyện này cho cấp trên và cấp trên ra lệnh anh phải giữ bí mật vì câu chuyện không phù hợp với thông điệp thời chiến. Franz thì không kể với ai vì đây có thể khép vào tội phản quốc và có thể bị toà án binh xét xử.

Sau chiến tranh, Charlie tiếp tục học đại học và trở lại không quân năm 1949, xuất ngũ với quân hàm Đại tá năm 1965. Franz thì dời đến Canada năm 1953 và trở thành doanh nhân thành đạt.

Trong buổi gặp mặt các cựu phi công năm 1986, Charlie đã kể về sự cố ngày 20/12/1943. Sau đó ông quyết định đi tìm danh tính người phi công Đức ấy. Năm 1990, Charlie nhận được lá thư của một người tên là Franz Stigler, xác nhận câu chuyện và kể lại mọi tình tiết trong ngày hôm ấy. Càng bất ngờ hơn khi Charlie nhận ra cả 2 chỉ cách nhau 300km. Charlie và những thành viên sống sót trong ngày hôm đó đã có cuộc hội ngộ với Franz. Charlie và Franz sau đó trở thành bạn thân thiết và thường xuyên ghé thăm nhau. Cả 2 phi công này đều kết thúc “chuyến bay” vào năm 2008.

Câu chuyện này đã được ghi lại trong cuốn tiểu thuyết “A Higher Call” của Adam Makos. Band nhạc metal Thuỵ Điển, Sabaton cũng viết một bài hát về câu chuyện này, bài hát thuộc album ‘Heroes’, và đó là track thứ 2 mang tên “No Bullets Fly”. Con gái và cháu trai của Franz sau này đã đến dự concert của Sabaton.

No Bullet Fly: https://youtu.be/dslO-3GgenY

You may also like

Leave a Comment