CHẤT LƯỢNG > THIẾT KẾ. TÍNH THẨM MỸ CỦA THỜI TRANG

by admin

Trong vai trò của một người sử dụng thời trang hiện tại sẽ luôn có sự phân vân giữa hai yếu tố “Chất lượng” và “Thiết kế”. Nó cũng tương tự khi các bạn sử dụng thời trang để khai thác hình ảnh trên mạng xã hội – chọn vì một bộ quần áo có chất liệu tốt hay cố chọn một look thiết kế thật “đa cực”, “thật ngầu”, thật “oằn tà là vằn”. Nhưng trải qua bao nhiêu năm tháng ngụp lặn, thử cũng không ít không nhiều các loại đồ nên theo quan điểm cá nhân của mình, “Chất lượng” ăn đứt “Thiết kế”.

Điều đó không có nghĩa là những đồ “Thiết kế” là sai hay chúng ta chỉ nên chăm chăm vào “Chất lượng”. Như thế nào cho các bạn dễ hiểu nhỉ? À, hay coi “Chất lượng” như là một cái cột xương sống của tất cả các trang phục, “Thiết kế” chính là bộ da, đường cong cơ thể, sáu múi blah bloh. Nói chung “Thiết kế” là những gì hấp dẫn người khác khi nhìn vào bạn (Ở đây là trang phục).

Thế nhưng sao mình lại nói – “Chất lượng” ăn đứt “Thiết kế”. Chẳng phải là các cụ mình hay có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đó sao? Áp dụng vào trong thời trang đi – và đặc thù hơn là streetwear Việt Nam. Các bạn khen một mẫu áo, mẫu quần có thiết kế đẹp. Vậy các bạn có dễ chịu khi mặc cái áo đó 3 ngày đã bung chỉ, giặt 3 lần nước đã nát nhừ mất form. Hay cái quần ngày nào mặc dài qua mắt cá chân thì vào nước cuốn đã thành crop pants. Tất nhiên là sẽ rất nhiều bạn đã trải nghiệm cảm nhận xương máu này. À là nếu các bạn bảo quản và giặt sản phẩm đó đúng theo hướng dẫn của thương hiệu, còn nếu bạn không tuân theo các nguyên tắc giặt ủi đã in sẵn trên áo mà hư thì đó là do bạn nhé.

Đó là một minh chứng cụ thể cho việc “Chất lượng” ăn đứt “Thiết kế”. Đối với mình, thiết kế dù có đẹp đến đâu mà nó không bền bỉ cùng người mặc thì cũng chỉ là “Hàng mã” “Hàng đốt” – mặc một lần rồi thôi. Và tất nhiên, chẳng có nhà thiết kế hay founder brands nào cảm thấy “Vui” nếu đồ của họ được xem là “Hàng Mã” bởi vì ngoài cái mã “Tình 1 đêm” thì nó chẳng còn giá trị gì cả.

Bên cạnh đó, hãy quay trở lại các kì “Fashion Week” – tuần lễ thời trang hay các cuộc đại chiến thời trang trên Tiktok platform. “Thượng vàng hạ cám – vàng thì ít mà cám thóc thì nhiều” và tất nhiên mình nhìn thấy “Hàng mã” chiếm trọng số đông. Một trong những nguyên nhân chính khiến hình ảnh “Fashion Week” ngoài đường phố hay hình ảnh nổi trên mạng xã hội của chúng ta không bao giờ “trông sang, xịn và mịn” như Seoul Fashion Week, Tokyo Fashion Week – đó chính là khâu “Chất lượng của sản phẩm”. Những bộ quần áo lồng lộn, đan thêu đủ kiểu, deconstruction/Patchwork blah bloh các thứ nhưng lại sử dụng chất vải kém, bề mặt xù lông, chỉ bung hết cả ra – khuy/cúc thì sờn cả màu, chất nhựa của cúc có thể nói hơi quá nhưng không khác gì mấy cái cúc đính trên hàng Taobao/Quảng Châu (Mà có khi cúc bên Tàu còn đẹp hơn). Cứ cho rằng “Thiết kế” đẹp đấy nhưng với “Chất lượng” như thế kia thì lên hình trông “Lúa mì” lắm các bạn ạ.

Thế đấy, “Chất lượng” > “Thiết kế”. Một “Thiết kế” sẽ đẹp và bền bỉ hơn rất nhiều nếu nó được thể hiện trên một “Chất lượng” tốt – được kiểm tra và thử kĩ càng từ khâu sản xuất, QC và ấn định sản phẩm. Như một cái cửa, chỉ cần nó được làm từ một loại gỗ tốt thì không cần sơn quá điệu đà hay chỉ đánh vẹc-ni thôi cũng thấy sang. Còn nếu cái cửa đó bị mọt, bị ruỗng từ bên trong thì dù có sơn chống nước, sơn chống mối, sơn tĩnh điện sơn blah blah thì cũng chẳng mấy chốc, cái lớp sơn ấy cũng bong ra để lộ phần mục nát của cái cửa mà thôi.
Vậy – thay vì ngay từ đầu chăm chăm làm “Thiết Kế” thì các bạn nên ưu tiên vấn đề “Chất Lượng” hơn. Cũng đó là lí do vì sao mà các founders/ fashion designer trẻ ở Việt Nam tài năng hoặc có thực tài tốn có thể là 1 tháng, 3 tháng hoặc cả năm trời chỉ phục vụ cho việc kiếm chất liệu kĩ càng mặc dù bản thiết kế họ đã nắm trong tay từ trước đó rất lâu. Đơn giản là họ hiểu rằng, chất lượng có tốt thì Cái tôi của “Thiết Kế”, cái hay của “Thiết Kế” mà họ bỏ bao nhiêu chất xám mới bung ra hết mình được. Chắc trong list những bạn trẻ học thiết kế hay thời trang ở đây, hiểu rõ mình đang nói gì mà đúng hông.

Những thương hiệu thời trang quốc tế mà chúng ta yêu thích – chúng ta đam mê và bỏ một số tiền lớn ngoài thiết kế nó còn nằm ở chất liệu. Có những thứ tinh giản hay theo phong cách “Minimalism” như nhiều bạn nói thì làm sao những sự tinh tế ấy được thể hiện qua các chất liệu không đủ sức để “gánh” ra được. Từng đường cắt, layer gọn gẽ – từng chi tiết hay chỉ đơn giản là những đường chỉ được cố ý sắp đặt. Lemaire, Jil Sander, Prada.. đã nằm ở khu vực “thượng” để am hiểu điều này trong vấn đề tìm hiểu chất liệu – hay cả các thương hiệu niche hơn như trong loạt series của CarpeDiem, Song for the Mute thì các founder cũng cực kì chú trọng trong việc chọn chất liệu.

You may also like

Leave a Comment