CHÂU NHUẬN PHÁT – Từ tượng đài điện ảnh đến biểu tượng bản sắc Hồng Kông

by admin

 “Châu Đại Phát – Đại hiệp Hồng Kông” là tác phẩm mới đáng chú ý trong năm 2021 với nội dung chủ yếu đề cập đến hai vấn đề: Điện ảnh + Chính trị. Trong đó, ba chủ đề chính lần lượt được khai thác bao gồm: Bản sắc Hồng Kông, Hồng Kông vs. Trung Quốc và kiến thức cơ bản trong văn hóa điện ảnh. 

Châu Nhuận Phát - Đại Hiệp Hồng Kông

Đầu tiên phải khẳng định, đây là một tác phẩm dễ đọc. Ngay cả những người chưa từng biết về diễn viên Châu Nhuận Phát hay loạt vấn đề giữa Hồng Kông – Trung Quốc, đây vẫn là một cuốn sách cực kỳ dễ tiếp thu.

Nội dung cuốn sách xoay quanh diễn viên Châu Nhuận Phát và những cống hiến, ảnh hưởng của ông trong làng điện ảnh Hồng Kông. Bên cạnh đó, tác giả Lin Feng cũng khéo léo lồng ghép thêm những sự kiện giữa Hồng Kông và Trung Quốc giúp người đọc phần nào hiểu rõ hơn thông điệp: “Trong lĩnh vực điện ảnh, Châu Nhuận Phát chính là người đại diện cho bản sắc Hồng Kông.”

Châu Nhuận Phát là người hùng trong lòng công chúng cả trên màn ảnh và đời thật nhưng đồng thời cho công chúng cảm giác người hùng này là bạn của họ.

Châu Nhuận Phát và những cột mốc lịch sử

Năm 2017, cuốn sách được xuất bản tại thị trường bản địa và phát hành tại Việt Nam vào năm 2021. Vậy, hai cột mốc thời gian này có ý nghĩa gì trong bối cảnh tác phẩm?

Đại hiệp Hồng Kông – Châu Nhuận Phát do First News phát hành

Dĩ nhiên, nếu tác phẩm chỉ đơn thuần viết về Đại hiệp Châu Nhuận Phát, nó sẽ chẳng bao giờ có thể tạo nên tiếng vang lớn lan sang tận Đông Nam Á như Việt Nam. Như đã nói ở trên, ngoài nội dung chính về diễn viên Châu Nhuận Phát, tác giả còn khéo léo lồng ghép thêm yếu tố chính trị nhằm tăng giá trị cho tác phẩm. Điều này đóng vai trò là tác nhân liên quan trực tiếp đến bối cảnh ra đời của tác phẩm.

Diễn viên Châu Nhuận Phát là người Hồng Kông. Sự nghiệp diễn xuất của ông trải dài từ thập niên 1980 cho đến tận ngày nay với những vở diễn đầu tiên đại diện cho “bản sắc Hồng Kông” như Hứa Văn Cường trong phim Bến Thượng Hải (1980), hay Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (1984). Kể cả khi chuyển sang thị trường phim Hollywood, ông vẫn cực kỳ thành công với siêu phẩm: Cướp biển vùng Caribê – Nơi tận cùng thế giới, hay The Children of Huang Shi đã được công chiếu vào cuối năm 2007.

Các vai diễn của Châu Nhuận Phát thường gắn liền với loạt cột mốc lịch sử giữa Trung Quốc vs. Hồng Kông. Điển hình như vào năm 1997, Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc với thỏa thuận “một nhà nước – hai chế độ”.  Cũng từ giai đoạn đó đến nay, chúng ta đã được chứng kiến ít nhất hai cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông. Đó là năm 2014 với “cách mạng ô dù” và năm 2019 – 2020 với “phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ.” 

Như vậy, có thể hiểu bối cảnh ra đời của cuốn sách vào năm 2017 như liều thuốc xoa dịu dành cho người dân Hồng Kông, khi họ đã và đang phải trải qua những dồn nén về loạt “yêu sách” của Trung Quốc. Lúc này, sự tự hào được mô tả trong sách như một cách giúp người dân Hồng Kông “tự trấn an” bản thân. Và năm 2021, khi được xuất bản tại Việt Nam, những nội dung trong tác phẩm đã được bổ sung thêm. Điển hình là sự kiện biểu tình năm 2019 – 2020 tại Hồng Kông.

Hệ thống nhân vật trong tác phẩm

Khi mới đọc tác phẩm, nhiều người sẽ lầm tưởng nó thuộc thể loại Self-help. Vì sao? Vì trong “công thức” xây dựng hình tượng nhân vật Self-help, có một quy tắc bất biến, đó là: “Xây dựng nhân vật có hoàn cảnh khốn cùng, thuộc tầng lớp đáy trong xã hội.”

Nếu so sánh công thức này với cách tác giả miêu tả xuất thân, hoàn cảnh của nhân vật Châu Nhuận Phát, độc giả sẽ dễ dàng nhận ra những đặc điểm tương tự, nếu không muốn nói là giống đến 99,99%. Trong văn học, cũng có một quy tắc bất biến khác được áp dụng, đó là: “Thần thánh hóa nhân vật với những đặc điểm phi thường. Đó có thể là sức mạnh thể chất, tinh thần ý chí hay bất kỳ yếu tố nào khác.”

Caption

Với tác phẩm này, điều đó cũng không ngoại lệ, khi Châu Nhuận Phát được tiến sĩ Lin Feng miêu tả như “anh hùng quốc gia” cần được bảo tồn và tôn sùng. Một trong những bằng chứng lý giải cho quan điểm trên nằm ở cách tác giả so sánh Châu Nhuận Phát vs Thành Long. Những gì được ông viết khiến cho người không biết gì về Thành Long sẽ có ấn tượng xấu, kẻ vốn ghét nhân vật này cũng thấy bẽ bàng thay và fan hâm mộ cảm thấy như bị xúc phạm vì thần tượng của họ bị bôi nhọ quá đà.

Thành Long luôn xem trọng danh tiếng cá nhân, thích được tung hô, thích chứng tỏ quyền lực, lôi kéo lớp diễn viên đàn em về dưới trướng để làm nền cho bản thân sa đà vào việc ăn chơi, hưởng thụ. Ngược lại, Châu Nhuận Phát lại xem nhẹ danh lợi, thường xuyên giúp đỡ người khác một cách chân tình, không kết bè phái và sống giản dị.

Nhìn chung, Đại hiệp Hồng Kông – Châu Nhuận Phát đã làm tròn được vai trò khi tác giả Lin – Feng đã thuật tả lại toàn bộ cuộc đời – sự nghiệp của Châu Nhuận Phát cho tới nay dưới góc nhìn chân thực và chi tiết. Tác giả cũng đem đến những câu chuyện về một Phát ca giản dị nhưng sống hiệp nghĩa – điều mà báo chí Hồng Kông có thể đã ca ngợi quá nhiều nhưng điểm mới mẻ và khác biệt mà Lin – Feng đạt được là thành công thuật tả những tâm tư, suy nghĩ của Châu Nhuận Phát. Cùng với những bàn tán, dị nghị sai lệch về phong cách sống và con người của ông.

Về phong cách viết và tư duy diễn đạt 

Tác giả Lin Feng sở hữu phong cách viết riêng và trong tác phẩm này ông đã thể hiện nội dung với tư duy mạch lạc . Chúng ta cần biết rằng, đây là tác phẩm có chứa yếu tố dòng thời gian. Điều đó có nghĩa chỉ riêng việc sắp xếp các dữ liệu về mặt thời gian để hợp logic đã là cả quá trình gian nan. Chưa kể đến việc làm thế nào tất cả dữ liệu đó truyền tải đến độc giả một cách dễ hiểu nhất cũng là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, sau cùng mọi thứ thực sự đã được giải quyết “ổn thỏa”.

Tác giả khá thông minh trong việc nắm bắt tâm lý người đọc. Điều này được thể hiện qua bố cục triển khai tác phẩm. Trong 130 trang đầu, người đọc dễ dàng bị cuốn hút vào nội dung cuốn sách. Lý do nằm ở chỗ tác giả biết xoay chuyển linh hoạt các chủ đề và khôn ngoan trong cách chắp nối thông tin. Trong 60 trang cuối cùng, Lin – Feng dẫn dắt cảm xúc hưng phấn của người đọc trở lại như ban đầu khi đưa ngôi sao kungfu Thành Long làm đối trọng so sánh với Đại hiệp Châu Nhuận Phát. Cùng với đó, loạt câu chuyện thực tế, chuyện đời tư tình cảm nhân vật chính cũng được khai thác khá chi tiết.

“Đại hiệp Hồng Kông – Châu Nhuận Phát” là tác phẩm vô cùng đáng đọc được lồng ghép hai yếu tố: Điện ảnh + Chính trị. Ngoài yếu tố về bố cục được tác giả xây dựng chỉn chu, hợp lý. Chúng ta còn được tiếp nhận thêm nhiều kiến thức tổng hợp, từ điện ảnh cơ bản cho đến chính trị hàn lâm.

Với hình tượng điện ảnh Châu Nhuận Phát, Lin – Feng một lần nữa cho độc giả thấy được sự điêu luyện trong lối diễn đạt và tinh tế trong cách chọn nội dung khai thác. Đồng thời giúp người đọc thấu hiểu rõ ràng hơn về “bản sắc Hồng Kông” nói chung và thần tượng Đại hiệp Châu Nhuận Phát nói riêng. Từ đó giúp chúng ta có góc nhìn đúng đắn hơn về đất nước từng một thời là biểu tượng của châu Á – rồng thần Hồng Kông.

You may also like

Leave a Comment