Ô là thứ mà một người dùng thì thích hợp, hai người chia sẻ là việc tử tế, nhưng ba người che thì được trước mất sau. Tình bạn cũng na ná vậy: Làm bạn với bản thân là nền tảng, hai người kết bạn giúp phát triển cùng nhau, nhưng mọi thứ trở nên phức tạp khi người thứ ba bước vào.
—–
I. Khởi nguồn của sự xa cách.
Nhóm ba người đang vui vẻ, đột nhiên xuất hiện những dấu hiệu nhỏ làm gieo mầm suy nghĩ: “Họ không chơi với mình nữa à?”. Chẳng hạn như sự im lặng bất thường trong nhóm chat chung, những câu chuyện mà chỉ hai người hiểu, hay tấm ảnh story hai đứa đi chơi mà bạn thứ ba tình cờ xem được. Bao trùm lên tất cả là linh cảm mình đang bị bỏ rơi, nó tích tụ hàng ngày như quả cầu tuyết lăn xuống dốc.
II. Trục trặc của bộ máy.
Thực ra thì tình bạn mấy người cũng đáng yêu. Nhưng 3 người thì phải đặc biệt để tâm, vì nó không phải quan hệ 1-1 nhưng cũng chưa hẳn là tình bạn trong nhóm đông. Cái sự “dở ông dở thằng” ấy sinh ra rất nhiều trục trặc.
Vấn đề đầu tiên là cảm giác bất bình đẳng. Với tình bạn hai người, mỗi người mang một dấu ấn rõ ràng, bổ trợ cho nhau và yêu quý nhau vì điều đó. Thế nên những câu chuyện “Hai đứa bạn mù đường, một đứa dám chỉ và một đứa dám đi” mới rất hài hước, vì ta cảm nhận được vị thế hai bên ngang hàng. Tình bạn ba người khó tái hiện không khí đó, mà còn khiến mỗi người bị áp lực phải duy trì dấu ấn đặc biệt của mình kẻo sẽ bị bỏ lại phía sau.
Một khó khăn nữa là giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn rất dễ bị biến tướng trong tình bạn ba người. Nếu hai bên cãi nhau, người đứng giữa phải đối mặt với hai con đường; một là chọn phe và có nguy cơ chia rẽ bộ ba, hai là trung lập và cố gắng hòa giải (rất khó để hoà giải khéo léo và thoả đáng). Rồi còn thêm một câu hỏi mang tính quyết định đến sự tồn tại của nhóm: liệu cả ba sẽ ngồi lại cùng nhau để tìm hướng dàn hoà, hay sẽ chọn cách đỡ lằng nhằng hơn là cắt bỏ một đứa đi?
III. Khi chiếc kiềng chỉ còn hai chân.
Con giun xéo lắm cũng quằn, ức chế rồi cũng đến lúc bùng nổ. Trường hợp xấu nhất là một người rời đi để bảo vệ tinh thần của chính mình, hai người còn lại ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Hãy nhớ Harry và Hermione đã buồn khổ như thế nào sau khi Ron Weasley bỏ đi trong tập Bảo bối Tử thần.
Rốt cuộc vẫn là các bên suy nghĩ quá khác biệt để hiểu cho nhau. Đối với người bị lẻ ra, đó là nỗi đau xé lòng vì cảm xúc của mình không được nhìn nhận, sự ức chế khi phải làm nền cho hai đứa kia. Đối phương cũng tổn thương khi bị chất vấn, biết đâu họ chỉ nghĩ rằng có những chuyện nói với người A hợp hơn người B thôi. Nhưng cả hai bên đều không dám giải thích kĩ hơn vì sợ bị hiểu lầm rằng đang cầu xin thương hại.
Để chia cắt một nhóm ba người, cần có một người nghĩ nhiều, hai người không đủ nhạy để quan tâm, và thứ cắt đứt họ là con dao của lòng kiêu hãnh.
—–
Có bạn để chia sẻ là điều tuyệt vời, đôi khi tuyệt hơn cả có người yêu. Nhưng không phải ai cũng theo được đến cuối con đường. Mình chỉ có thể cho đi những gì phù hợp nhất và đừng hối tiếc. Nếu họ phù hợp, họ sẽ ở lại thôi, bất kể là ba người hay bao nhiêu.
Những điều tôi viết hôm nay rất ý nghĩa hoặc chẳng có ý nghĩa gì sất. Nó có thể là phân tích chuẩn xác về tình bạn ba người, hoặc một sự suy diễn đầy tức cười. Nhưng đó là những gì tôi đích thân trải qua, khiến tôi kết luận rằng “kiềng ba chân” có thể cực kỳ mong manh. Tôi thực sự mong muốn được chứng minh mình sai, bạn đọc hãy làm điều đó bằng chính sự quan tâm dành cho những người bằng hữu ở bên.
Sẽ đến lúc ba người không cần chung một ô nữa. Nhưng đó là vì cả ba đã đứng chung mái nhà, hay vì một người dầm mưa bước đi? Lựa chọn nằm ở chính bạn.