Đọc không phải là một cuộc đua – hãy dành thời gian để học, nhớ lại và suy ngẫm
“Thinking, Fast and Slow. Thinking in Bets. Skin in the Game. Great Thinkers. The Laws of Human Nature. The Intelligent Investor. Zero to One”. Đây là những cuốn sách đòi hỏi bạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể hiểu và lĩnh hội sâu sắc những ý tưởng tuyệt vời mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc.
Đọc nhiều sách, đặc biệt là những cuốn sách hay sẽ giúp chúng ta nâng cao kiến thức, khả năng phán đoán và năng lực tư duy. Tuy nhiên, có rất nhiều người chỉ cố gắng đọc càng nhiều càng tốt mà không quan tâm đến việc đọc hiểu nội dung của cuốn sách.
Mỗi năm bạn đặt mục tiêu cho bản thân là phải đọc xong hàng trăm cuốn sách nhưng lại không quan tâm đến cách để nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức thì có thể bạn sẽ không dung nạp được tất cả kiến thức bạn cần từ những cuốn sách đó. Chính vì vậy, đôi khi bạn cần phải giảm tốc độ và suy nghĩ sâu sắc về những ý tưởng mới trong từng cuốn sách.
Để đạt được mục tiêu tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới thì bạn cần đọc có chủ đích. Bạn không nên cố đọc những cuốn sách hay trong một hoặc vài ngày. Bạn có thể đọc được hết cuốn sách đó nhưng lượng kiến thức bạn có thể nhớ từ việc cố đọc nhanh sẽ không nhiều.
Học kiến thức mới đòi hỏi bạn cần phải tập trung và dành thời gian phân tích. Nếu bạn quá vội vàng, bạn sẽ bỏ lỡ những kiến thức thú vị. Nếu bạn tạo thói quen đọc nhanh hơn, bạn có thể bỏ lỡ những trải nghiệm sâu sắc về một cuốn sách.
Susan Hill, tác giả của cuốn sách “Howards End is on the Landing: A Year of Reading from Home”cho rằng: Đọc nhanh hơn, “… sẽ không cho phép cuốn sách đi sâu vào tâm trí và trở thành một phần của chính chúng ta. Việc tích lũy kiến thức, trí tuệ và kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình hơn.”
Naval Ravikant cho rằng “Càng đọc chậm, chúng ta càng thông minh”
Cùng đọc một cuốn sách nhưng khả năng tiếp thu kiến thức hữu ích của mỗi người là khác nhau. Và có thể thấy số người tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích chiếm tỷ lệ ít hơn. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại như vậy?
Vận dụng “Siêu nhận thức” để đọc hiểu thành công:
“Siêu nhận thức” (metacognition) là thuật ngữ sử dụng để nói đến khái niệm nhận thức về cách mình suy nghĩ và suy nghĩ về cách bản thân tư duy. Nói một cách dễ hiểu hơn, siêu nhận thức đó là tư duy của từng cá nhân về suy nghĩ của họ.
Đây là một kỹ năng quan trọng để học hỏi và tiếp thu những kiến thức mới.
Khi bạn áp dụng siêu nhận thức trong việc đọc hiểu:
1. Bạn dành thời gian để phân tích nội dung và suy ngẫm về những gì bạn đọc.
2. Bạn sẽ có những câu hỏi mang tính phản biện, thử thách và phân tích trong khi đọc.
3. Bạn dành thời gian để tìm hiểu những điều bạn đã biết trước khi đọc và những điều bạn muốn cải thiện.
4. Bạn sẽ luôn suy nghĩ về việc phải làm gì để tiếp thu được nhiều kiến thức hơn khi đọc
5. Bạn dự định áp dụng một số ý tưởng trong cuốn sách vào cuộc sống của mình.
Việc vận dụng siêu nhận thức giúp người đọc nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, đồng thời nâng cao trải nghiệm đọc của họ.
Học cách đọc và suy nghĩ cùng một lúc
“Chúng ta nên học cách chú ý, tập trung hết mình khi đọc sách. Chúng ta có thể đọc chậm lại để có thể cảm nhận lời văn, cảm nhận sự chuyển động của câu từ” Thomas Newkirk đã viết trong cuốn sách “The Art of Slow Reading: Six Time-Honored Practices for Engagement”
Những người cố gắng đọc nhanh có thể không đạt được những kỳ vọng mà mình đặt ra vì não bộ không có đủ thời gian để học, lưu trữ và suy ngẫm về kiến thức mới.
Tỷ lệ tiếp thu kiến thức có thể giảm đáng kể khi bạn đọc lướt. Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn khi bạn đang đọc một chủ đề mới hoặc đọc những cuốn sách dày.
Đọc có chủ đích nghĩa là bạn đọc hiểu cuốn sách của mình một cách nghiêm túc. Đó là một trong những cách tốt nhất để tiếp thu và lưu giữ kiến thức mới.
Hầu hết với những cuốn sách hay yêu cầu bạn cần đầu tư tối thiểu từ 5–10 giờ thì mới có thể hiểu nội dung một cách sâu sắc. Với những cuốn sách hay nếu bạn có thể dành nhiều thời gian hơn thì một điều cần thiết bạn cần lưu ý là bạn phải đảm bảo rằng bạn có thể tiếp thu được nhiều kiến thức nhất từ cuốn sách đó nhưng không được lãng phí quá nhiều thời gian.
Nếu bạn có kế hoạch mua hầu hết mọi cuốn sách mà bạn muốn thì trước hết bạn cần lên kế hoạch đọc. Và dĩ nhiên kế hoạch đó không liên quan đến việc đọc lướt trừ khi bạn muốn nhanh chóng chuyển sang một cuốn sách hay hơn so với cuốn sách bạn đang đọc.
Để nâng cao kỹ năng đọc hiểu, nhiều độc giả đã áp dụng một số cách sau:
1. Ghi chú cá nhân trong khi đọc.
2. Làm nổi bật những ý tưởng đặc sắc, đặc biệt là những ý tưởng thay đổi suy nghĩ của họ.
3. Gạch chân những ý tưởng quan trọng mà họ có thể tham khảo trong tương lai.
4. Tóm tắt nội dung mỗi chương mà họ hoàn thành.
5. Thảo luận chủ đề trong cuốn sách với người khác để tìm hiểu và tiếp thu thêm kiến thức dưới những góc nhìn khác.
6. Suy ngẫm những ý tưởng mới bằng cách viết về chúng.
Một trong những điều quan trọng để có thể cải thiện kỹ năng đọc hiểu và nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức là việc bạn dành một thời gian phù hợp để đọc đặc biệt là đối với những cuốn sách hay. Bạn có thể thực hiện thêm thói quen này bằng cách phân tích và xây dựng trí tò mò cá nhân về những ý tưởng trong từng cuốn sách bạn đọc.
Phân tích về những ý tưởng được trình bày trong cuốn sách. Kiến thức của bạn có đúng với những ý tưởng mà tác giả đề cập hay không? Nếu không, tác giả đã trình bày góc nhìn mới như thế nào? Liệu bạn có thể liên kết kiến thức mới với những kiến thức từ các lĩnh vực khác hay không?
Andy Matuschak cho rằng: “Người đọc phải luôn đặt ra những câu hỏi phản biện: Tôi đã hiểu điều đó chưa? Tôi có nên đọc lại nó không? Tôi có cần tham khảo văn bản khác không? “. Người đọc phải hiểu nhận thức của chính mình. “Khi hiểu biết thêm một điều gì đó cảm giác của tôi sẽ như thế nào? Điểm mù của tôi ở đâu? “
Đọc kết hợp với phân tích sẽ khiến não bộ của bạn luôn hoạt động, bạn phải luôn suy nghĩ về suy nghĩ của chính mình. Từ đó bạn càng tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới và càng có thể ghi nhớ nó tốt hơn.
Đọc để hiểu có nghĩa là bạn sẵn sàng sống chậm lại. Tuy nhiên, tôi không sử dụng cùng một cách tiếp cận cho mọi cuốn sách.
Francis Bacon đã đúng: “Một số cuốn sách chỉ cần nếm thử, những cuốn khác cần phải được nuốt, và một số cuốn sách cần phải được ‘tiêu hóa’ kỹ lưỡng và từ tốn; tức là một số sách chỉ để đọc từng phần; những cuốn khác để đọc nhưng không tò mò; và một số cuốn cần phải tập trung đọc và phân tích toàn bộ”.
Mỗi cuốn sách cần có một chiến lược đọc khác nhau. Đối với những cuốn sách hay, tôi sẽ không đọc lướt qua mà sẽ phân tích và suy ngẫm sâu sắc nhất là những ý tưởng mới.
Nếu mục tiêu của bạn không phải hiểu, duy trì và áp dụng kiến thức từ những cuốn sách mà bạn đọc thì bạn có thể thử một cách tiếp cận nhanh hơn miễn là nó phù hợp.
Nhưng nếu mục tiêu của bạn là ghi nhớ 90% những gì bạn đọc thì hãy dành thời gian cho nó. Đọc chậm lại, Suy nghĩ và Phân tích về các ý tưởng đó. Một điều quan trọng là nhớ tóm tắt lại nội dung cuốn sách bằng chính ngôn từ của riêng bạn. Và hãy bắt đầu mọi cuốn sách với một mục tiêu và chọn cho mình một phong cách đọc khôn ngoan.
Theo Cafebiz