Việc học cách đối diện với sự ngờ vực bản thân (self-doubt) sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn nếu bạn muốn biến những nỗi sợ thành sức mạnh nội tâm thay vì những rào cản.
Trong vở kịch Measure for Measure, William Shakespeare đã viết:
“Our doubts are traitors,
and make us lose the good we oft might win
by fearing to attempt.”
(Tạm dịch: “Hoài nghi vốn là kẻ phản bội,
đánh cắp từ ta mọi cơ hội
những điều tốt đẹp nay còn đâu
khi ta qua sợ hãi để bắt đầu.”)
Có lẽ đôi khi bạn cũng nhận thấy bản thân đang trò chuyện với một giọng nói trong đầu, nhưng thay vì những lời lẽ truyền động lực và khích lệ, chính giọng nói đó lại làm thui chột sự tự tin và đánh thức sự ngờ vực trong bạn.
Mình đã làm tốt công việc của mình chưa? Liệu lời cầu hôn của mình có được chấp thuận? Những người khác sẽ nghĩ gì về mình? Những câu hỏi như thế này có thể khiến ta cảm thấy nản lòng và không dám tiến về phía trước. Tuy nhiên, chúng chỉ là một phần của cuộc sống, và không nhất thiết phải trở thành một rào cản trên con đường khai phá tiềm năng của mỗi con người.
Nhiều người có năng lực vẫn thường gặp phải một giai đoạn trì trệ trong quá trình phát triển bản thân và sự nghiệp vì nỗi sợ rằng họ không có đủ tài năng hay sự giúp đỡ để đạt được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự hoài nghi bản thân cũng thắng thế.
Chuyển Hóa Sự Ngờ Vực Thành Năng Lượng Cho Sức Mạnh Nội Tâm
Ngay cả những người tài năng, nổi bật và chăm chỉ nhất cũng phải vật lộn với những hoài nghi về khả năng của chính mình. Dẫu vậy, thường thì những người luôn nghi ngờ về bản thân thực chất lại giỏi hơn họ nghĩ, và sự hoài nghi ấy chính là dấu hiệu cho thấy họ đang bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Đây dường như là một kết quả tất yếu khi ta làm những công việc có ý nghĩa và đòi hỏi sự sáng tạo.
Dựa trên góc nhìn từ những cuốn sách được chọn lọc bởi thư viện của Blinkist, bạn có thể áp dụng bốn chiến thuật sau để học cách vượt qua sự ngờ vực bản thân và lấy động lực cầm bút, hay bắt đầu cuộc điện thoại nào đó, và nhìn nhận sự ngờ vực với một thái độ tích cực hơn.
Hãy Nhớ Về Mục Tiêu Của Bạn
Khi con đường bạn đi trở nên gồ ghề và quanh co, bạn sẽ dễ quên mất cái đích mà bạn đang hướng đến. Vì vậy, việc liên tục nhắc nhở bản thân vì sao bạn đang làm những điều này, và vì sao bạn là người phù hợp cho việc này là điều rất quan trọng.
Trong cuốn sách Chớ Hoang Mang, Chuyện Gì Cũng Có Cách Lo Toan (Tựa gốc: Everything is Figureoutable), Marie Forleo đã đề ra một phương pháp hữu dụng để chạm tới chạm tới sức mạnh nội lực (self-empowerment). Với cụm từ “chuyện gì cũng có cách lo toan”, Forleo khích lệ chúng ta hãy tin vào sự thật rằng luôn có cách để giải quyết một vấn đề, miễn là ta sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để tìm ra giải pháp.
Khi chúng ta cần thêm động lực để bước ra ngoài thế giới và theo đuổi điều mình muốn, hãy nhắc nhở bản thân rằng ta luôn có thể vượt qua mọi chuyện với một trái tim nhiệt huyết. Ngay lúc này đây, bạn chính là người duy nhất trên Trái Đất sở hữu một tập hợp độc nhất vô nhị của những giá trị, khát vọng, khả năng, kiến thức, nền tảng, góc nhìn và tính cách riêng. Sự kết hợp độc đáo của những phẩm chất và tiềm năng làm nên con người bạn chính là một món quà mà bạn nên gửi đến thế giới này. Nếu bạn không thể tận dụng chúng, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đang giấu đi tài năng của chính mình. Và rằng không chỉ giấc mơ của bạn đang có nguy cơ bị dập tắt; đừng quên bạn vẫn còn một mục tiêu cao cả hơn: sự công nhận của bạn dành cho tài năng của chính mình, rằng nó có thể và nên được dùng để cống hiến.
Tin Vào Trực Giác
Khi sự ngờ vực bủa vây tâm trí, bạn sẽ dễ quên mất rằng chính sự hoài nghi ấy là nền tảng làm nên những phát hiện đột phá nhất của nhân loại.
Xuyên suốt lịch sử, sự nghi ngờ đã nắm giữ một vị trí rất quan trọng trong quá trình tư duy của con người, chính điều đó đã giúp bộ óc vĩ đại nhất nảy ra những ý tưởng định hình nên thế giới hiện đại ngày nay. Sự hoài nghi là động lực của phát minh khoa học, là một thách thức của quyền lực, và là nền tảng của những tôn giáo mới. Nó vừa là nguồn gốc của khổ đau, và cũng là một niềm an ủi trong suy tư của con người.
Việc giữ một cái đầu biết hoài nghi là một điều hết sức tự nhiên, và thậm chí là rất hữu ích. Dù người lan truyền thông tin có là ai, đừng chỉ tiếp nhận chúng ở bề nổi. Để xây dựng quan điểm của riêng mình, bạn cần cho phép bản thân luôn sẵn sàng hoài nghi và đặt câu hỏi. Và cũng nên nhớ rằng đừng thất vọng nếu mọi chuyện không như ý muốn, vì bạn không cô đơn đâu.
Trong cuốn Sinh Ra Để Xuất Chúng (Tựa gốc: More Than Enough), Elaine Welteroth đã gửi gắm một thông điệp rất rõ ràng: việc nhận thức được rằng bản thân cô vốn đã thật trọn vẹn, theo cách của riêng cô, chính là yếu tố giúp cô chạm đến những đỉnh cao trong cuộc sống và sự nghiệp. Cô đã luôn yêu thích thiết kế và cái đẹp, và những sở thích đó đã làm đòn bẩy cho sự nghiệp của cô với công việc của một biên tập viên tạp chí. Là con gái của người bố da trắng và người mẹ da đen, cô đặc biệt quan tâm đến việc ủng hộ và đấu tranh cho sự tham gia của người da màu trong lĩnh truyền thông đại chúng – điều đó đã được minh chứng rõ ràng trong thời gian cô làm việc ở Teen Vogue.
Từ trải nghiệm của Elaine, chúng ta rút ra bài học rằng việc biết tin vào trực giác là một phẩm chất cốt lõi của những người vươn lên từ hoàn cảnh bấp bênh. Điều này không có nghĩa rằng bạn nên đưa ra quyết định chỉ bằng cách dựa vào linh cảm. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu xem vì sao bạn lại trải nghiệm cảm giác này. Hãy đặt niềm tin vào trực giác của mình và xem chúng sẽ đưa bạn đến đâu nhé.
Ghi Nhận Sự Tiến Bộ
Sự nghi ngờ bản thân là một tên sát thủ đích thực đối với sự tự tin của mỗi cá nhân. Và một khi bạn không tin tưởng vào bản thân, bạn cũng khó có thể thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ của mình. Nếu ngay cả trực giác của bản thân bạn cũng không thể tin tưởng, chứ đừng nói đến trực giác của người khác, thì bạn cần xây dựng cho mình lòng quyết tâm, sự tự tin và đặc biệt là lòng trắc ẩn từ sâu bên trong nội tâm. Để trở nên kiên cường, bạn cần phải đi qua những giai đoạn khó khăn.
Rick Hanson xem sự kiên cường (resilience) là nền móng của hạnh phúc và sự bình yên trong tâm hồn. Sự kiên cường là yếu tố cơ bản của đời sống tinh thần lành mạnh. Nuôi dưỡng sự kiên cường sẽ giúp bạn giải phóng sức mạnh nội tâm và hoàn thiện tâm trí của mình.
Trong cuốn Resilient (Tạm dịch: Kiên Cường), Hanson đã chia sẻ một số phương pháp và kĩ năng đơn giản và dễ dàng áp dụng vào cuộc sống, với mục đích giúp bạn đối mặt với sự ngờ vực bản thân và với bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lưu ý những dấu hiệu của sự tiến bộ trong quá trình theo đuổi mục tiêu.
Hãy luôn ghi chú lại những thành tựu mà bạn đã đạt được, kể cả những điều nhỏ bé nhất, bởi chúng sẽ giúp bộ não của bạn cảm thấy như đang nhận được phần thưởng, và từ đó hình thành nên những thói quen. Bạn càng chia nhỏ công việc, bạn càng thu được nhiều thành quả. Bằng cách đó, công việc sẽ bớt làm bạn thấy choáng ngợp hơn, và với sự nhiệt huyết tích cực, bạn vẫn cảm thấy trọn vẹn và bình an.
Tận Hưởng Cuộc Hành Trình Bằng Cách Kết Nối Với Những Người Xung Quanh
Kate Swoboda đã đưa ra một trường hợp tương tự của việc tận hưởng hành trình trong cuốn The Courage Habit (Tạm dịch: Thói Quen Của Lòng Can Đảm). Từ kinh nghiệm cá nhân của một người thầy về kỹ năng sống (life coach), Swoboda nhận thấy rằng nỗi sợ là vật cản lớn nhất mà ta cần phải loại bỏ nếu muốn đạt được ước mơ và khát vọng của mình.
Với Kate, chống lại nỗi sợ là một việc thiếu thực tế, và giả vờ rằng nỗi sợ không hề tồn tại sẽ còn phản tác dụng hơn. Cô ấy khuyến khích tất cả chúng ta hãy can đảm sống bằng cách dũng cảm đối mặt và vượt qua nỗi sợ, từ đó, ta sẽ làm nên những câu chuyện của đời mình. Ở những giai đoạn khó khăn như thế này, hãy ở cạnh bạn bè, gia đình và những người có thể ủng hộ bạn và cùng bạn ăn mừng cho những gì bạn đã đạt được trên hành trình của mình.
Nếu Hoài Nghi, Hãy Đối Diện Với Nó
Nhiều lúc, có lẽ hầu hết chúng ta đều cảm thấy nghi ngờ chính bản thân mình, nhưng điều quan trọng vẫn nằm ở cách chúng ta đối diện với nó. Nếu bạn muốn biến những nỗi sợ thành sức mạnh thay vì những rào cản, thì việc học cách đối diện với sự ngờ vực bản thân sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn.
Sự tự ngờ vực luôn gắn liền và ăn sâu trong nỗi sợ, và điều này sẽ khiến ta mãi đứng trong vùng an toàn của mình, ta sẽ không có đủ can đảm bước ra ngoài thế giới và làm những điều mình muốn để giúp đỡ chính mình và những người khác. Giải pháp đưa ra không phải là cố gắng loại bỏ sự hoài nghi ấy, bởi đó là điều không thể. Thay vào đó, hãy học cách chung sống với nó, và giành lại sức mạnh mà nó nắm giữ để kiểm soát chính bạn.
Trịnh Tố Uyên
Tác giả: Juan Salazar | Nguồn: Blinkist