Chữ Hiệp còn lại được bao nhiêu?

by admin

    Ở bài này ta sẽ nói ở 2 đối tượng chủ yếu là Kiếm Hiệp và Tiên Hiệp (Sắc Hiệp thì miễn đi, đã sắc rồi thì còn Hiệp nỗi gì).

Chữ Hiệp còn lại được bao nhiêu?

 

   Bắt đầu từ quật khởi của dòng tiểu thuyết Kiếm Hiệp với Thái Sơn Bắc Đẩu Kim Dung, chúng ta nói nhiều tới chữ Hiệp, và đúng như nghĩa của chữ Hiệp là hành động, con người giúp người, giúp đời, bảo vệ chính nghĩa, chống cái tà ác.

    Các nhân vật chính trong các tác phẩm của Kim Dung, Cổ Long, Ôn Thụy An,…vv… tuy mỗi người mỗi tính nhưng đều có điểm chung là chính trực, tấm lòng rộng rãi, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Tiêu biểu nhất là nhân vật Tiêu Phong trong Thiên Long Bát Bộ, nhân vật được xưng tụng là Thiên Hạ Đệ Nhất Nam Tử.

    Tuy nhiên, ngay từ thời truyện Kiếm Hiệp còn thịnh hành, cây đại thụ Kim Dung cũng bắt đầu có những thay đổi nhất định trong việc xây dựng nhân vật chính, từ Tiêu Phong anh hùng khí khái, biểu tượng cho nam nhân thiên hạ, vâng là biểu tượng nhưng người thường khó mà chạm tới tầm, dần dần chuyển qua Trương Vô Kỵ ba phải đời thường với những ước mơ nhỏ nhoi so với tài năng, hay Vi Tiểu Bảo chân tiểu nhân mồm mép ép công phu, chẳng có chút bộ dạng đại hiệp nào.

    Ở thời điểm đó, có ý kiến nói Vi Tiểu Bảo như thế thì Lộc Đỉnh Ký có xứng với chữ Hiệp, khoan nói tới xứng hay không, việc giữa một rừng đại hiệp, sự xuất hiện của Vi Tước Gia như một làn gió mới khiến độc giả vô cùng thích thú. Lộc Đỉnh Ký thành công, và rồi những nhân vật chính gần gũi hơn với đa số công chúng xuất hiện, nhìn vào những nhân vật đó chúng ta thấy một phần của chính mình trong đó, chúng ta có thể hòa mình vào nhân vật để cùng suy tính dự đoán hướng phát triển của truyện.

    Mô tip nhân vật như thế cộng với sự bùng nổ của internet đã đưa Tiên Hiệp hình thành và phát triển phi mã. Chúng ta có những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú hấp dẫn ở một thế giới mà sức tưởng tượng được phát triển không giới hạn. Các nhân vật với sức mạnh không tưởng mọc lên như nấm kèm theo chủ nghĩa Duy Ác lên ngôi.

    Chúng ta say mê Tiên Hiệp, nhưng sẽ tới một lúc nào đó, bạn chợt nghĩ, chữ Hiệp kia phải chăng đã phai nhòa đến khó mà nhận ra nổi. Văn học phần nào đó đã bị biến thành nơi cho tác giả bộc phát dục vọng cá nhân…

    Có điều, như một vòng lặp thời trang, hết anh hùng đại nghĩa tới nhân sinh thường tình, rồi lại từ nhân sinh thường tình lại sẽ sang anh hùng đại nghĩa. Chỉ là với những kẻ mang chấp niệm với hình ảnh đại hiệp, thực cảm khái a.

——————–

Diệp Tu – BNS

    Viết xuống “Chữ Hiệp còn lại được bao nhiêu?” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…

You may also like