Điều có thể giúp ta đưa ra lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn là một thứ tưởng chừng không liên quan gì đến công việc: tình yêu, một trải nghiệm sâu sắc về tình yêu cả trong thời thơ ấu và giai đoạn trưởng thành.
Hoàn thành mọi việc không hề khó
Trong một thế giới lý tưởng, khi lựa chọn nghề nghiệp chúng ta chỉ có 2 ưu tiên hàng đầu: một là chúng ta thích công việc đó; hai là mức lương đủ để chi trả các nhu cầu vật chất hợp lý.
Nhưng để có được trạng thái “lý tưởng” đó đồng nghĩa với việc yếu tố cảm xúc của chúng ta phải luôn ổn định, một điều mà chẳng mấy ai làm được. Trên thực tế, khi nhắc đến việc lựa chọn nghề nghiệp, chúng ta thường có xu hướng bị ám ảnh bởi ba yếu tố bổ sung nữa. Đó là khi chúng ta nghĩ:
– Mình cần một công việc với mức lương không những đủ để chi trả các nhu cầu vật chất hợp lý mà còn hơn thế, đủ để gây ấn tượng với người khác – kể cả những người ta không ưa.
– Chúng ta khao khát một công việc không phụ thuộc quá nhiều vào người khác, có thể vì ta sợ hoặc không tin tưởng họ.
– Và chúng ta muốn một công việc có thể khiến mình được nhiều người biết đến, được coi trọng và có thể trở nên nổi tiếng để không bao giờ cảm thấy mình nhỏ bé hoặc bị bỏ rơi.
Quá rõ ràng là ba yếu tố bổ sung này đã khiến việc đi làm trở nên phức tạp và kém hạnh phúc hơn nhiều so với mức cần thiết. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta gặp khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng thay vì tập trung vào làm việc mà chúng ta đam mê và thích thú, chúng ta lại thay đổi bản chất của mình để nghe theo những mệnh lệnh bên ngoài. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm một giáo viên mẫu giáo, một nhà trị liệu tâm lý, một thợ mộc hoặc một đầu bếp. Tuy nhiên về mặt tâm lý chúng ta lại muốn gây ấn tượng với người khác, muốn có quyền lực đối với người khác và muốn người lạ biết rằng ta chưa từng nghĩ đến những lựa chọn nghe có vẻ tầm thường.
Trạng thái tâm lý này thôi thúc ta hướng đến những mục tiêu cao hơn trong sự nghiệp, ngay cả trong lĩnh vực chúng ta không yêu thích và rất có thể sẽ phải làm việc cật lực hơn nhiều so với điều kiện sức khỏe cho phép. Chúng ta dễ hoảng loạn bởi vì khả năng thất bại đột nhiên cao hơn. Một chút không đồng tình từ người xem có thể dễ dàng đẩy chúng ta vào cơn khủng hoảng. Số tiền chúng ta kiếm được năm nay không thể ít hơn số tiền ta kiếm được năm ngoái. Khi sống trong áp lực rằng chúng ta có thể làm ra chuyện gì đó vội vàng và thiếu khôn ngoan, chúng ta tìm cách đi đường tắt, có những kế hoạch đầy rủi ro và thậm chí không cho công việc của chúng ta khoảng nghỉ và sự điềm tĩnh mà nó cần. Chúng ta ít sáng tạo và tạo ra ý tưởng riêng hơn vì nguy cơ thất bại rất lớn.
Ảnh: Unplash
Tại sao chúng ta lại có xu hướng đẩy bản thân vào tình cảnh tồi tệ như thế, và liệu ta có thể làm gì để biến công việc trở nên nhẹ nhõm hơn?
Điều có thể giúp ta đưa ra lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn là một thứ tưởng chừng không liên quan gì đến công việc: tình yêu, một trải nghiệm sâu sắc về tình yêu cả trong thời thơ ấu và giai đoạn trưởng thành.
Một đứa trẻ được yêu thương đúng mực sẽ không cần cố gắng để chứng tỏ bản thân. Nó không nhất thiết phải xuất sắc ở trường, làm người quen trầm trồ hay làm tăng sự tự tin của bố mẹ nó (nó vẫn có thể học tốt vì nó thích chuyện đó chứ không phải do áp lực của cha mẹ). Nó có thể tự tạo niềm vui cho mình, nó không cần khiến ai bất ngờ vì chỉ riêng sự tồn tại của nó đã là một điều đặc biệt. Nó sẽ làm việc chăm chỉ nhưng nó làm thế bởi vì đó là điều mà nó đam mê chứ không vì nó khao khát những lời khen. Nó có thể tập trung vào công việc và không cần bận tâm rằng 100 năm nữa còn ai nhắc đến nó hay không hoặc những người sống ở thành phố bên cạnh có từng nghe qua về nó. Nó có thể rời đi mà không ai hay biết, hài lòng với những gì nó làm được.
Trải nghiệm về tình yêu khi trưởng thành càng làm tăng thêm cảm giác an toàn. Khi ai đó yêu thương ta đúng cách, sự kiên nhẫn, sự quan tâm và sự dịu dàng của họ khiến chúng ta cảm thấy được yêu mến và được chào đón trên Trái Đất này. Có ai khác biết đến tình yêu ấy không cũng không hề quan trọng, và nếu chẳng may đến cuối tháng cặp đôi không còn dư dả nhiều, thì “Hai người đang yêu sẽ rất hạnh phúc khi ngủ trên ghế đá công viên” – D. H. Lawrence viết. Ý tưởng này có thể không hoàn toàn đúng theo nghĩa đen nhưng nó thể hiện được rằng tình yêu có thể giúp ta vượt qua các nhu cầu về vật chất.
Khi chúng ta được yêu, chúng ta không cảm thấy rằng mình cần phải làm lụng chăm chỉ hơn so với hiện tại. Chúng ta không cần phải tích lũy nhiều hơn mức cần thiết, chúng ta là tất cả trong mắt người khác.
Khi mọi người khát khao quyền lực, tiền tài và danh vọng, thứ thúc đẩy họ không phải là lòng tham mà là cảm giác đau khổ khi không được yêu thương. Trông họ như người chiến thắng nhưng trên thực tế họ là những nạn nhân buồn bã. Những thứ điên cuồng mà những kẻ nắm quyền đang thực hiện bắt nguồn từ việc họ cảm thấy bản thân tàng hình và không quan trọng. Việc không nhận được tình yêu đã tạo ra những vết thương lòng thúc đẩy họ tiến lên. Khao khát thành tựu là dấu vết của một ý thức bị tổn thương về mặt cảm xúc mà với nó, chỉ tồn tại thôi là không đủ. Cần bao nhiêu tiền để thay thế tình yêu – làm sao có thể sống chỉ có mỗi tiền kia chứ?
Vì lẽ đó bản năng thôi thúc ta sửa chữa những vết thương tình cảm bằng lựa chọn nghề nghiệp và những lợi ích có thể đạt được từ nó. Có thể chúng ta còn không nhận ra điều mà ta đang làm. Chúng ta có dám hỏi: Tôi sẽ làm gì với đời mình nếu như tôi được yêu đúng cách ngay từ đầu? Chúng ta phải thừa nhận cay đắng rằng con đường mà ta chọn có thể đã khác đi, chúng ta đã hy sinh rất nhiều hoài bão chân thật để đổi lấy sự chấp nhận vô điều kiện mà ta đáng lý phải có từ khi mới chào đời. Chúng ta đã làm rất nhiều chuyện vì sự khuyết thiếu cảm xúc và đến đến tận bây giờ mới đang nỗ lực để học cách lấp đầy.
Thành tựu sự nghiệp kinh ngạc đến đâu cũng không thể khắc phục những thiếu thốn về tình yêu: công việc không thể lấp đầy những lỗ hổng cảm xúc. Ta nên tận hưởng công việc như theo hai ưu tiên ở đầu bài và ở một nơi khác, ta thương tiếc và tìm kiếm những thứ xứng đáng hơn cho tình yêu mà ta đã thiếu lúc ban đầu.
Thanh Trần | The School of Life