Cậu thường làm gì vào cuối tuần?
Gần đây, tớ và bạn thân thường rủ nhau hò hẹn mỗi chủ nhật. Tham gia hội chợ, triển lãm, lên Hồ Gươm dạo bộ, la cà ở mấy quán kem, lượn một vòng quanh Hồ Tây kể mấy chuyện nhảm nhí, rong ruổi khắp đường phố, vừa đi vừa hát. Cuối tuần cứ thế trôi qua thật yên bình và chúng tớ có thời gian nhìn lại cả một tuần qua.
Đến giờ, tớ mới phát hiện ra một điều, bạn thân tớ cũng có rất nhiều tâm sự và chuyện buồn, hoàn toàn trái ngược với một vẻ ngoài nhanh nhẹn, yêu đời và luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Trước giờ, nó cũng chưa từng kể những nỗi buồn với tớ, giống như tớ chưa từng kể với nó. Kể cả khi cùng nhau ngồi lân la hóng gió, nói đủ thứ trên trời dưới đất, chúng tớ cũng không hề nhắc tới những chuyện buồn bã, thất vọng của cả hai.
Tại sao vậy? Vì không quá thân thiết? Vì không đủ tin tưởng? Không. Ngược lại. Vì quá thân thiết, vì quá yêu quý nên mới không muốn nói. Vì không muốn chuyện buồn của mình làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người xung quanh, đặc biệt là những người mình quan tâm.
Đúng vậy, ai mà chẳng có chuyện buồn, có nỗi lòng riêng, nhưng thay vì giãi bày với những người mình yêu thương, tin tưởng thì lại lựa chọn che giấu đi. Bởi cái lý do “muốn tốt cho người kia, không muốn họ cũng lo lắng hay đau lòng.”
Chính bản thân tớ cũng vậy. Nếu có chuyện buồn người tớ muốn che giấu nhất lại chính là những người tớ yêu thương nhất. Bởi vì một mình tớ buồn là đủ rồi, tớ không muốn người xung quanh mình cũng bị ảnh hưởng, tớ hi vọng những người mình yêu quý lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc, không muốn họ phải lo lắng hay bất an vì mình.
Vậy nhưng tớ lại mong, mọi người có chuyện buồn sẽ không ngần ngại mà tâm sự với mình. Không phán xét, không chê bai, tớ có thể không giỏi nói chuyện nhưng bất cứ lúc nào đều sẵn sàng lắng nghe. Nhỏ nhặt cũng được, điên rồ cũng được, tớ đều sẽ lắng nghe.
Nhưng mà tớ quên mất rằng, tớ nghĩ như thế, người bên cạnh tớ có thể cũng đang nghĩ như thế. Không muốn nói ra chuyện trong lòng, không muốn làm người kia buồn nhưng lại rất muốn lắng nghe họ vì sợ người đó cũng đang mang tâm trạng giống mình. Có thể họ cũng đang che giấu và kìm nén rất nhiều tâm sự.
Phải chăng vì sợ câu chuyện của mình chẳng có gì, sợ người ta phán xét, chỉ trích, nói mình thật yếu đuối hèn nhát, sợ người mình yêu thương biết được sẽ không còn thương mình nữa, sợ họ bỏ rơi mình, rời xa mình, nên không nói ra. Hoặc cũng có thể, chỉ vì không muốn họ buồn theo mình, mà theo một cách nào đó chúng ta gọi đó là sự bảo vệ. Người càng quan trọng, chúng ta càng muốn bảo vệ, muốn giành cho họ những gì tốt đẹp nhất.
Nhưng đấy có phải là yêu thương, có phải giành cho nhau điều tốt nhất. Nếu yêu thương quan tâm, nhưng lại không thể cùng nhau san sẻ, nó chỉ đang đẩy chúng ta ra xa nhau, tự xây nên một bức tường ngăn cách trong các mối quan hệ. Một người không nói, người kia cũng không thể mở lòng, chúng ta vì thế mà chỉ có thể giấu kín trong lòng.
Chúng ta mong muốn người khác mở lòng với mình nhưng mình lại không thể mở lòng với họ, mong được lắng nghe họ nhưng lại không cho họ cơ hội lắng nghe mình. Chúng ta dè dặt không dám nói ra, họ cũng vậy, những gì mà chúng ta nghĩ, người khác có thể cũng đang lo lắng như thế.
Thử nghĩ xem, nếu người bạn yêu thương một ngày nào đó tâm sự với bạn những điều sâu trong lòng họ, bạn có cảm giác gì? Rất buồn, vì câu chuyện kia, nhưng buồn hơn cả vì họ đã phải chịu đựng nhiều như thế, vì không thể san sẻ và là chỗ dựa cho họ sớm hơn. Nhưng cũng rất vui vì ít ra họ cũng đã mở lòng với mình.
Cho nên, đừng ngần ngại nói ra. Người thật lòng yêu thương mình, cho dù ở hình hài nào vẫn sẽ thương mình. Bởi vì, có thể được lắng nghe những người mình yêu quý, được cùng vui, cùng buồn với họ, cũng chính là một niềm hạnh phúc.