…câu trả lời là có và không!
Mỗi ngày, mở mạng, xem thông tin, ta đều thấy vô số những mặt khác nhau của thế giới. Rất nhiều tin tức xấu, án mạng, khủng bố, ô nhiễm rác thải, ô nhiễm môi trường, những dự đoán mù mịt về tương lai của nhân loại như con người sẽ biến thành nô lệ của máy móc, sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo, con người sẽ trở nên tuyệt vọng…
Nhưng cũng không ít những điều tuyệt vời vẫn đang âm thầm diễn ra. Khắp nơi, vẫn có những cộng đồng ngày càng mở rộng, tiếp tục những nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Con người làm từ thiện nhiều hơn, các tổ chức tình nguyện, thiện nguyện lan rộng khắp nơi trên thế giới.
Hãy thử hỏi ít nhất 5 người mà bạn biết, tôi tin chắc rằng ít nhất bạn sẽ thấy có 1-2 người trong số họ đã từng làm thiện nguyện. Từ việc nhỏ như đóng góp cho người nghèo, đến việc lớn như tham gia các hoạt động giúp đỡ người khác, hoạt động vì cộng đồng …
Sách báo, truyền thông cũng vậy. Bên cạnh số lượng rất lớn các kênh truyền thông đang mải miết câu views với những bài viết đánh vào sự lo sợ, yếu đuối, tham lam… bên trong mỗi con người – đánh vào cái bản năng sinh tồn của loài động vật bên trong chúng ta – thì vẫn có các kênh truyền thông, có những cuốn sách tuyệt vời, mở ra cho chúng ta cái nhìn lạc quan, tự tin, sống động … vào một thực tại tốt đẹp và một tương lai mà ta hoàn toàn có thể quyết định được.
Vậy câu hỏi là : Chúng ta có thể quyết định được thế giới tương lai của chúng ta sẽ như thế nào không ?
Câu trả lời là : Không và Có.
Chúng ta có thể KHÔNG thể tác động được vào sự biến đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của thế giới ngày nay và sau này.
Thế nhưng, chúng ta CÓ thể thay đổi được thế giới của chính chúng ta – và chính sự thay đổi của mỗi người sẽ tạo nên sự thay đổi trên toàn thế giới.
Các nghiên cứu khoa học và tâm lý cho thấy cách ta nhìn nhận/hình dung/suy nghĩ – sẽ tác động tới việc hình thành những cảm xúc bên trong ta. Từ đó, các cảm xúc đó sẽ dẫn tới những động cơ/quyết định/mục tiêu cuộc sống – và dẫn tới những quyết định hành động cụ thể.
Chính những quyết định hành động này sẽ kiến tạo toàn bộ cuộc sống thực tại của chúng ta – hay cái mà ta hay gọi là Số phận.
Ví dụ đơn giản : Nếu ngày nào bạn cũng chỉ đọc những thông tin tồi tệ về thế giới xung quanh, hoặc những cuốn sách bi đát … thì dần dần bạn sẽ tin rằng thế giới thật nguy hiểm, thật đáng sợ, con người thật tồi tệ. Bạn sẽ hình thành những cảm xúc bất an, lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi…
Chính những cảm xúc này sẽ dẫn bạn tới những quyết định như sống khép kín, sống cô đơn, hoặc sống vì bản thân mình, sẵn sàng đạp lên người khác để giành lợi ích cho cá nhân, không tin vào những điều tốt đẹp … Hãy hình dung một cuộc sống như vậy sẽ biến bạn thành con người như thế nào!
Con người trưởng thành – là con người của sự Tự do lựa chọn
Trong một thế giới tràn ngập thông tin đa dạng như hiện nay, con người thực sự trưởng thành là con người có khả năng Tự do lựa chọn.
Sự lựa chọn của bạn sẽ quyết định giá trị, ý nghĩa, niềm vui tồn tại của bạn trong kiếp sống này – và từ đó, sẽ có ảnh hưởng tới, trước hết là những người xung quanh bạn, và rồi tới toàn thể thế giới của bạn.
Nếu bạn lựa chọn tin vào con người, tin vào sự tốt đẹp của những giá trị vĩnh cửu như tình yêu, lòng tốt, sự nhân ái – bạn sẽ lựa chọn cách sống phù hợp với niềm tin của bạn. Có thể bạn thành công về tiền bạc địa vị hay không, nhưng chắc chắn bạn sẽ trở thành con người được yêu quý từ trong gia đình tới cộng đồng, và là con người góp phần giúp thế giới tốt đẹp hơn.
Những tấm lòng cao cả
Cuốn sách mà Trạm giới thiệu tới độc giả lần này là cuốn sách vô cùng giản dị: “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis.
Tôi đã đọc qua hàng ngàn cuốn sách, nhưng đây là cuốn sách để lại ấn tượng lâu bền nhất, sâu sắc. Tôi vẫn nghĩ là mỗi chúng ta nên có một cuốn trong nhà, nhất là các ông bố bà mẹ trẻ.
Giáo dục trẻ em không phải chỉ là điểm số, hạnh kiểm và kiến thức để thành đạt trong đời. Giáo dục trẻ em đầu tiên, chính là giúp các em nhận thức được những giá trị cao quý, tốt đẹp, cốt lõi nhất mà một CON NGƯỜI thực sự cần phải có. Những giá trị ấy giúp con người gắn bó với nhau dài lâu qua nhiều thiên niên kỷ, điều mà bất cứ một cỗ máy tinh vi nào cũng không thể thay thế được.
“Những tấm lòng cao cả” là tập hợp những câu chuyện nhỏ, những bức thư … trong cuốn nhật ký một năm học của cậu bé Enriko, học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Italia vào thế kỷ 18.
Mỗi câu chuyện nhỏ ở đây đều thấm đẫm tình người, thấm đẫm những giá trị sống cao đẹp như : sự trung thực, lòng dũng cảm, sẻ chia, yêu thương, tôn trọng, nghị lực, quý trọng lao động, bình đẳng … Những câu chuyện như vậy sẽ có tác động sâu sắc tới trẻ em và hình thành nên nhận thức đúng đắn của các em trong đời sống sau này.
Tôi không muốn nói nhiều về cuốn sách này, nếu bạn quan tâm, hãy đọc nó.
Với tôi, cho tới giờ, dù biết rằng có rất nhiều kẻ giả danh ăn mày ngoài phố, nhưng khi có ai đó ngửa tay xin tiền, tôi vẫn không thể ngoảnh đi, chỉ bởi vì một đoạn tôi đọc trong cuốn sách ấy từ khi còn thơ bé :
Con ơi,
Sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền.
Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.
Con hãy nghe mẹ : thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người.
Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra
Kết
Thế giới do ta tạo dựng. Tôi biết sẽ có người nói về câu chuyện trên rằng : lòng tốt có thể góp phần tạo nên nhiều kẻ ăn bám, lừa lọc. Thế nhưng, tôi vẫn chọn lòng tốt, vì chỉ có lòng tốt, sự thiện lương mới giúp cho thế giới này trở thành nơi đáng sống.
Mei Ann
Trạm Đọc