Có phải xì-căng-đan là một cách làm PR?
Trên báo Tuổi trẻ Online đăng ngày 20/09/2015, trong một bài báo với tiêu đề: “PR và những chiêu trò ma thuật: Những câu chuyện dựng đứng”, nhà báo có viết “Khi khán giả ngủ, người làm… PR không ngủ, họ đang ủ mưu và sẽ xuất chiêu trước buổi sáng!”. Nếu bạn là một chuyên viên PR , bạn nghĩ sao khi một nhà báo nói về mình và những đồng nghiệp của mình như vậy? Còn nếu bạn không phải là một chuyên viên PR, bạn có cảm thấy sợ hãi khi mình có thể là nạn nhân của những vụ hãm hại do PR ủ mưu?
Thuật ngữ PR (Public Relationship – Quan hệ công chúng) đã không còn trở nên xa lạ đối với tất cả những ai làm trong nghề và cả những ai không liên quan khi ‘nhan nhản’ trên các trang mạng xã hội và thậm chí trong đời sống hàng ngày, người ta vẫn hay nhắc đến PR kèm theo cụm từ ‘chiêu trò’ một cách đầy mỉa mai và ngán ngẩm.
Từ đâu mà PR đã mặc định trở thành một ‘chiêu trò’? Từ đâu mà PR đã vô hình chung trở thành một cụm từ mang hàm ý tiêu cực và khiến công chúng mất niềm tin đến như vậy?
Tôi biết cảm giác của bạn khi bạn là người mẫu chuyên nghiệp mà cứ bị công chúng nói cạnh “chân dài óc ngắn”, bạn là bác sĩ miệt mài trên ghế giảng đường tới 6 năm trong khi các ngành học khác chỉ mất 4 năm mà người ta dùng từ “lang băm” với bạn, bạn kinh doanh và đầu tư bằng chất xám và tiền bạc chính nghĩa lại bị gọi “con buôn”, bởi vì cảm giác của tôi cũng như vậy khi người ta luôn dùng từ “Chiêu trò PR”, “Công nghệ PR” một cách thản nhiên và thích thú.
Đó là chia sẻ của tác giả Di Li trong cuốn sách Tôi PR cho PR, một cuốn sách chị đã dành rất nhiều tâm huyết và cả sự “bực dọc” của mình để lấy lại sự ngay thẳng cho PR, giải thích giá trị cốt lõi của PR, thay đổi nhận thức của công chúng về PR. Đặc biệt, qua giọng văn thân thiện, lối kể chuyện am hiểu và lôi cuốn, chị đã nâng tầm PR trở thành một nghệ thuật để được người khác mến mộ từ phạm vi cá nhân cho đến thương hiệu và thậm chí là cả quốc gia chỉ bằng những biện pháp PR rất cơ bản và thuyết phục.
Tại sao Di Li lại khẩn thiết kêu cứu cho PR đến như vậy? Vì PR không xấu. PR thực chất là những thứ rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng người ta đã quên đi giá trị cốt lõi của nó và bị nhồi nhét bởi những quan niệm hết sức sai lầm và tiêu cực. Bản chất của PR không phải là những chiêu trò để được nổi tiếng, để được “thổi bùng” lên trong cơn sốt mạng xã hội sau đó “chết chìm” trong tiếng xấu muôn đời trên Google và khắp mọi ngóc ngách trên internet.
Trong Quan hệ công chúng, xì căng đan không phải là PR, mà ngược lại, hãy ngăn ngừa xì căng đan và những phát ngôn bộp chộp trước nhà báo. Báo chí là đơn vị trung gian, sẽ truyền tin tức của bạn đi khắp nơi trong một thời gian nhanh nhất.
Cánh báo giới đã không ít những trường hợp khát tin và sẵn sàng dùng ngôn từ để thổi phồng sự thật, điều khiển thông tin và dư luận theo định hướng truyền thông của những nhãn hàng, của những nhân vật nổi tiếng trong showbiz,… Vẫn có những người làm PR chạy theo đồng tiền mà sử dụng PR đen, trở thành những Spin Doctor, Hack và Flack, dùng các công cụ khác nhau, mà nguy hiểm nhất là báo chí, để thực hiện những chiến dịch PR đi ngược lại những giá trị cốt lõi và bôi nhọ danh dự của những PR chân chính. Chính những ‘con sâu làm rầu nồi canh’ này đã định vị PR thành thứ ma thuật gì đó rất kinh khủng, đến nỗi mỗi ngày đọc tin, công chúng không còn biết đâu là sự thật, điều gì nên tin, điều gì không.
Trong Tôi PR cho PR, Di Li đã ‘vạch trần’ rất rõ những ‘mảng tối’ tạo nên cụm từ ‘chiêu trò PR’ ngày nay. Và bằng những phân tích sắc sảo cùng kinh nghiệm trong nghề, chị không ngại ngần lên án những gì giới báo chí và truyền thông đang “dắt mũi” công chúng và gây ra những quan niệm sai lầm và xấu xa về PR.
Vậy bản chất của PR là gì? Di Li đã tóm gọn lại chỉ trong 3 từ rất đỗi giản đơn và dễ hiểu:
PR là chiếm thiện cảm
“PR đích thực là khi chất lượng sản phẩm của bạn tốt thật sự và sau đó bạn hãy sử dụng chính chất lượng ưu việt này và tấm thịnh tình của bạn để tạo thiện cảm với công chúng.”
Tôi muốn kể bạn nghe về ‘ông chú Viettel’ biết hát tất cả những bài hit của giới trẻ. Ông chú giản dị và chân thành, mang đến một cái nhìn rất đẹp và trẻ trung về văn hóa Viettel, khiến cho tất cả những ai nhìn thấy nghe thấy cũng đều muốn ‘đầu quân’ cho Viettel để được sống và làm việc trong một môi trường như vậy.
Tôi cũng muốn kể bạn nghe về chủ tịch Tân Hiệp Phát với lời xin lỗi chân thành trong TVC Tết 2017 vừa qua. Chuyện con ruồi “nửa tỉ” của Tân Hiệp Phát là một trong những khủng hoảng truyền thông gây chấn động dư luận nhất trong thời gian vừa qua và mang đến những thiệt hại nghiêm trọng không chỉ ở vấn đề doanh thu của Tân Hiệp Phát mà đặc biệt, người tiêu dùng đã không còn niềm tin và mất cảm tình với nhãn hàng đã từng là thương hiệu top đầu về nước giải khát tại Việt Nam. Nhân dịp Tết 2017, Tân Hiệp Phát đã có một bước đi đúng đắn khi đích thân vị chủ tịch tập đoàn gửi đến người tiêu dùng lời xin lỗi qua một video rất cảm xúc. Năm mới là dịp để yêu thương, để nói lời cảm ơn và xin lỗi, để tha thứ và bắt đầu những điều tốt đẹp. Bạn, với tư cách là người tiêu dùng, có đủ bao dung để tha thứ cho Tân Hiệp Phát?
Tôi PR cho PR sẽ kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện hơn nữa – những case study về PR được Di Li chắt lọc, chọn lựa và phân tích rất kĩ để bạn hiểu hơn về bản chất của PR, về công việc đáng nể của những PR Man chân chính, về cách làm PR đúng cách và bền vững.
Và đặc biệt Tôi PR cho PR thực sự hữu ích nếu như bạn không muốn bị làn sóng truyền thông điều khiển hành vi của mình trên các trang mạng xã hội, báo chí, truyền hình,… vì cuốn sách sẽ mang đến cho bạn một “góc nhìn PR thuần túy” để nhìn nhận mọi thứ khách quan và tỉnh táo hơn.
Hay chỉ đơn giản, nếu bạn muốn biết nghệ thuật để được mọi người mến mộ hơn trong những mối quan hệ hàng ngày, hãy nghiền ngẫm Tôi PR cho PR. Di Li đã rất thành công khi “PR cho PR”, chị ấy sẽ nói bạn nghe làm sao để “PR chân chính” cho chính bản thân mình, để được “công chúng” yêu mến bạn thực sự!
Hiền Lương Xal/Trạm Đọc