Chúng ta nên hoang mang hay sợ hãi trước sự thay đổi của thế giới?

by admin

Từ ngày FB đưa ra thông báo về việc sẽ thay đổi tên tập đoàn đồng thời chia sẻ về định hướng phát triển mới (dù thực tế FB và GG đã nghiên cứu về metaverse từ hàng chục năm nay), những làn sóng tranh luận về tương lai của thế giới, về bước tiến tiếp theo của loài người bùng nổ ở khắp nơi. Mấy ngày nay khi lướt fb, tôi đọc được nhiều bài viết với nhiều góc nhìn khác nhau và những lời tiên tri mà họ đưa ra cho tương lai của thế giới. Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng cảm nhận cá nhân của tôi là đa phần mọi người tỏ ra hoảng sợ trước những vấn đề có thể xảy ra. Những bộ phim viễn tưởng được nhắc đến như những lời tiên tri đáng tin cậy, một viễn cảnh tận thế đang đến gần được mọi người cảnh báo nhau ráo riết (dù chẳng phải tận thế lúc nào cũng đang trên đường đến gần hơn với chúng ta?). Buổi chiều nay khi đọc được một bài viết khá thú vị và tổng quan trên về những vấn đề xung quanh việc anh Mark đưa Meta ra trước công chúng, trong đầu tôi chợt chạy lại những nội dung trong một cuốn sách của chú Harari:

*“Bước đầu tiên là phải làm dịu đi những tiên đoán tận thế và chuyển từ trạng thái hoảng sợ sang trạng thái hoang mang. Hoảng sợ là một dạng ngạo mạn. Nó đến từ cảm giác cao ngạo rằng ta biết chính xác thế giới đang tiến đến đâu: xuống hố. Hoang mang khiến người ta khiêm nhường hơn, do đó sáng tỏ hơn. Bạn có muốn chạy xuống phố và gào lên “Tận thế đến rồi” không? Hãy cố tự nhủ rằng “Không, không phải thế. Sự thật là, tôi chỉ không hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới”. *

Việc nhận ra sự thiếu hiểu biết của bản thân từ lâu đã được đánh giá là một trong những thành tựu giúp con người có thể khám phá ra những chân trời mới và liên tục phát triển. Tôi cảm thấy rằng mình cũng nên như vậy nhưng tôi lại không thấy hoang mang cũng chẳng thấy hoảng sợ. Bởi tin tức này không làm tôi ngạc nhiên, tôi hiểu nó là những chuyện sớm muộn sẽ đến, sự tiến hoá và phát triển của loài người sẽ luôn tiếp tục diễn ra. Người ta vẫn luôn tìm cách để thoả mãn những mong muốn của bản thân, có người muốn nhiều tiền hơn, có người muốn nhiều sức khoẻ hơn, có người muốn nhiều kết nối hơn hay cũng có người muốn nhiều hạnh phúc hơn. Một trong những viễn cảnh mà siêu vũ trụ ảo này có thể mở ra là khả năng cảm nhận gần như ngay tức khắc mọi trải nghiệm sống từ đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, thậm chí cho tới làm tình mà không cần bất kì sự nỗ lực nào. Câu hỏi đặt ra là vậy khi ấy chúng ta sẽ lựa chọn trải nghiệm sống nào? Trong một buổi cafe cách đây vài tháng, có một người anh nói với tôi rằng nếu giờ có một con chip gắn vào não mình và mình có thể điều khiển mọi cảm nhận và cảm xúc với một bộ điều khiển cầm tay thì thú vị phết nhỉ. Tôi đã kể anh ấy nghe về một thí nghiệm khi người ta gắn vào não con chuột một dòng diện ở khu vực tạo ra cảm giác hưng phấn và một nút bấm để kích hoạt dòng điện, mỗi khi con chuột dí mũi vào nút bấm, nó sẽ cảm thấy hạnh phúc tột cùng, và nó đã dí mũi vào cái nút đấy đến chết. Nghe thì có vẻ kinh dị và ngu ngốc, nhưng tôi không chắc rằng chúng ta thông thái hơn chú chuột bạch kia nhiều đâu. Chẳng phải đa số chúng ta hàng ngày vẫn chạy theo những thứ mà chúng ta cho rằng sẽ khiến mình cảm thấy “hạnh phúc” hơn hay sao? Nếu luôn có ở đó một chiếc nút bấm mà chỉ cần chạm vào sẽ khiến tôi trải qua cảm giác hạnh phúc tột đỉnh, điều gì sẽ ngăn tôi không nghiền nát chiếc nút bấm đó? Tôi cũng không biết chắc nữa. Khi mà viễn cảnh trong tương lai nơi ta có khả năng trải nghiệm mọi thứ mà mình muốn thì hãy thử tự hỏi giờ thì ***chúng ta sẽ muốn mình muốn gì? ***

Một trong những bộ phim tôi thấy được nhắc đến nhiều nhất trong đợt này là The Matrix, còn tôi thì nghĩ đến The Truman Show. “Sau rất nhiều thử thách và gian khổ, cả hai nhân vật chính, Neo và Truman đã vượt qua và thoát khỏi mạng lưới của các thao túng, phát hiện bản thể độc đáo của mình và tìm đến được vùng đất hứa thực thụ”. Thế nhưng liệu thật sự thì chúng ta chỉ có một bản thể độc nhất hay không? Tôi thì cho là không, ông chú Harari cũng vậy, một ông chú khác là chú Daniel người viết cuốn “Tư duy nhanh và chậm” cũng vậy, mà theo tôi biết thì cũng có khá nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng không hề có một bản thể độc nhất nào cả, mà có ít nhất là hai hoặc còn nhiều hơn thế những bản thể riêng biệt cùng lúc tồn tại trong chính con người tôi.* “Con người sợ rằng khi bị mắc kẹt trong một cái hộp, họ sẽ bỏ lỡ tất cả những điều kỳ diệu của thế giới”*, nhưng “họ không nhận ra họ vốn đã bị mắc kẹt trong một cái hộp, bộ não của họ, thứ bị mắc kẹt trong một cái hộp lớn hơn là xã hội loài người với vô số hư cấu của nó”. Có quá nhiều ảo tưởng do chính chúng ta dựng lên, khi lo sợ về một thuật toán công nghệ có thể thao túng chính mình, khiến bản thể đích thực của mình bị tước đi mất sự tự do và tìm cách chống lại sự thao túng ấy thì nó chỉ như là khi “chúng ta chạy khỏi một nhà tù để tới tự do, nhưng thực tế ta chỉ chạy tới một sân tập thể dục của một nhà tù rộng lớn hơn mà thôi”. Khi tôi biết rằng tôi không có một bản thể duy nhất, và tự do là không có thật, điều này với tôi chẳng khác gì khi tôi đọc một bài viết về việc màu sắc là không có thật, tôi tin đấy, nhưng tôi vẫn đang nhìn thấy màu xanh mướt của tán cây trước cửa sổ và tôi cảm thấy sự tồn tại của mọi sắc màu. Tương tự, dù tin rằng mình có nhiều bản thể và thường xuyên tự mâu thuẫn với chính mình thì tôi vẫn cảm nhận rằng có một bản thể độc nhất – tôi. Dù biết rằng không có tự do thật sự, nhưng tôi vẫn khao khát cái cảm giác được cảm thấy tự do. Nhưng nếu đứng trước hai lựa chọn hoặc từ bỏ sự tự do ảo tưởng và sẵn sàng chấp nhận mọi sự thao túng để đổi lại một cuộc sống hoàn toàn tươi đẹp hay bám lấy cái lý tưởng của sự tự do và cái tôi của chính mình và tiếp tục đấu tranh rồi sẽ trải qua cảm giác bất hạnh, khổ đau phải có ở đời thì tôi sẽ phát điên khi không biết nên chọn gì mất. Bởi giả như chọn gì đi chăng nữa thì tôi cũng không chắc là mình có hạnh phúc với quyết định đó mãi mãi hay không.

Tôi thấy đó là vấn đề của mình, việc phải đưa ra quyết định tốt nhất ấy. Decision making – Đưa ra quyết định cũng là một cái tên nằm ở vị trí số 9 trong danh sách 14 vấn đề lớn nhất toàn cầu bên cạnh sự nóng lên của trái đất, giáo dục, năng lượng… trong một bài phát biểu trên Tedtalk. Nhưng tôi đã tự sửa lại sơ đồ của mình. Tôi cho rằng vấn đề toàn cầu lớn nhất chính là việc đưa ra quyết định. Nếu có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn chắc chắn chúng ta không gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong 13 cái tên còn lại cả. Nhưng quyết định đúng đắn nhất là gì? Không ai có câu trả lời cả và chính tôi thì lại càng không. Một bộ phim như Mr.Nobody có vẻ sẽ miêu tả rõ nhất sự phân vân khủng khiếp của tôi mỗi khi phải đưa ra một lựa chọn quan trọng. Nhưng dù như vậy, tôi có muốn nhường quyền đưa ra các lựa chọn này cho bất kì ai khác ngoài tôi không? Lại là một câu hỏi đau đầu tôi chưa tìm được lời giải khác, dù tới giờ thì tôi vẫn nói “Không!”. Bên cạnh sự xuất hiện trong tương lai của một siêu vũ trụ ảo mở rộng, thì có một xu hướng đã và đang len lỏi vào trong nhận thức của con người: Data-driven decision making – Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Trong cuốn sách của mình, chú Harari còn đề cập đến việc xu hướng này sẽ trở thành một tôn giáo mới – Dữ liệu giáo. Nhưng cũng như mọi tôn giáo khác, dữ liệu giáo chứa rất nhiều bí ẩn, và cả những niềm tin sai lệch. Vậy rốt cục thì chúng ta nên quyết định cuộc sống của mình theo cách nào? Tôi thì không biết rồi đấy. Có ai có câu trả lời cho mình chưa? Tất cả những gì hiện tại tôi biết chỉ là tôi nên tìm cách để hiểu thêm về chính mình hơn nữa, tốt nhất là vậy trước khi họ (các tập đoàn công nghệ, các công ty lớn, chính phủ các nước,…) có cách để hiểu rõ tôi hơn cả chính tôi.

Trong bài viết này tôi nhắc nhiều đến cái tên Harari, một ông chú (không làm ở Viettel) mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Chú là tác giả bộ 3 cuốn sách Sapiens – Lược sử loài người, Homo Deus – Lược sử tương lai và 21 bài học cho thế kỷ 21, tôi đoán có thể bạn đã biết nhưng vẫn muốn giới thiệu mấy cuốn này cho mọi người bởi vì nó hay thực sự và nếu đọc nó trong giai đoạn này thì càng thấy nó thú vị. Dù một người bạn của tôi đã chỉ ra trong các nội dung chú truyền tải, có những phần thông tin không đầy đủ và chưa chính xác nhưng tôi vẫn yêu thích những cuốn sách này vì tư tưởng chủ đạo của chúng: Gợi chúng ta nghĩ về nhưng câu hỏi quan trọng, chứ không phải đưa ra một câu trả lời tuyệt đối đúng. Ít ra thì “Hỏi nhưng câu hỏi không thể trả lời thì vẫn hơn là có câu trả lời cho những câu hỏi không thể hỏi”.

Nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn có thể tạm bỏ qua cuốn Homo Deus và đọc trước 2 cuốn Sapiens và 21…, nếu bạn ngại đọc sách thì có thể xem thử video cuộc trò chuyện của chú Harari và anh Mark trên youtube. Còn nếu bạn lười hơn nữa, tôi có tổng hợp lại 3 đoạn tôi ấn tượng nhất sau khi đọc 3 cuốn sách của ông chú:

“The Sapiens secret of success is large-scale flexible cooperation” – Bí quyết thành công của loài người là khả năng hợp tác linh hoạt trên quy mô lớn.

  • Sapiens –

“We should focus our insight and innnovation on human wellness and wellbeing” – Sự cải tiến và sự hiểu biết của chúng ta nên được tập trung vào để cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

  • Homo Deus –

“Get to know yourself before [they] do” – Hiểu bản thân mình tốt hơn trước khi [họ] làm được điều đó.

  • 21 lessons for 21st Century –

Kết lại là, tôi cũng thấy hơi hoang mang vào tương lai vô định. Nhưng mà lúc nào tôi chả thấy thế! Biết thế đếch nào được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai? Tuy vậy thì “người ta chỉ hưởng được cái gì mà người ta đang hưởng”, cụ Nam Cao bảo vậy đấy, nên chắc là tôi sẽ cố học cách tập trung vào hiện tại thay vì cứ hoang mang hay lo sợ tương lai mãi bạn ạ.

***Đấy là suy nghĩ của tôi, còn bạn thì nghĩ gì về vụ này vậy?

 ***Ếch – Victoria Pham  

You may also like

Leave a Comment