Có một cuộc tranh luận xem xem việc đọc sách có mài dũa đạo đức của con người hay không. Nhưng điều gì sẽ xảy nếu những giá trị thực của nó còn bao gồm những gì nguyên thủy hơn như thế?
Một cuộc chiến về sách đã diễn ra trên tờ The New York Time và Time. Bài viết mở đầu là bài luận của Gregory Currie – “Văn học có làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn hay không?” – khẳng định rằng niềm tin việc đọc giúp chúng ta trở nên đạo đức hơn là một niềm tin có rất ít cơ sở. Annie Murphy Paul với bài viết “Đọc sách giúp chúng ta thông minh hơn và tử tế hơn.” Lập luận của bà là “đọc sâu”, kiểu đọc mà những tác phẩm văn học lớn đòi hỏi, là một hoạt động đòi hỏi nhận thức cao độ giúp làm tăng khả năng đồng cảm với người khác. Do đó, nó có thể khiến chúng ta “thông minh hơn và tử tế hơn”, và thêm nhiều lợi ích khác nữa. Tuy nhiên, dù đang trả lời những câu hỏi khác nhau, những bài luận này lại có những kết luận tương tự.
Để chứng minh cho luận điểm của mình, Paul trích dẫn nghiên cứu của Raymond Mar, một nhà tâm lý học đến từ Đại học York ở Canada, và Keith Oatley, một giáo sư danh dự về tâm lý học nhận thức tại Đại học Toronto. Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy những người “những người đọc tác phẩm hư cấu dường như có khả năng thấu hiểu người khác hơn, đồng cảm với người họ cũng như nhìn thế giới từ góc độ của họ.” Đó chính là điều mà nhà văn Joyce Carol Oates muốn biểu đạt khi cô ấy nói, “Đọc là phương tiện duy nhất giúp ta hiểu được tình cảnh của người khác, từ tiếng nói cho đến tâm hồn họ, và chuyện ấy diễn ra một cách vô thức.”
Paul lập luận rằng kết luận của Oatley và Mar được ủng hộ bởi những nghiên cứu mới về khoa học thần kinh, tâm lý học và khoa học nhận thức. Nghiên cứu này cho thấy việc “việc đọc sâu – đọc chậm rãi, nhập vai vào câu chuyện, chú ý đến những chi tiết giàu cảm xúc và phức tạp về mặt đạo đức – là một trải nghiệm đặc biệt.” Đó là cách đọc khác hẳn về phong cách và chất lượng so với “chỉ đơn thuần giải mã từ ngữ” – một cách đọc phổ biến ngày nay. Đáng tiếc là quá nhiều học sinh đang bị dạy như vậy.
Paul kết thúc bài viết của mình bằng câu tham khảo nhà phê bình văn học Frank Kermode, người nổi tiếng vì phân biệt việc “đọc bằng thể xác” – có đặc trưng là xử lý thông tin vội vã – với việc “đọc bằng tinh thần” – đọc với sự tập trung cao độ để đạt được niềm vui, sự chiêm nghiệm và sự phát triển. Chính sự khác biệt này dẫn đến một tình huống tương tự như con gà và quả trứng: Liệu những tác phẩm văn học vĩ đại khiến con người ta trở nên tốt đẹp hơn, hay người tốt sẽ chủ động tiếp cận những áng văn học đó?
Đọc là một trong số ít hành động khiến con người chúng ta khác biệt với những loài động vật khác.
Currie đặt câu hỏi liệu đọc những tác phẩm văn học vĩ đại có khiến người đọc trở nên đạo đức hơn – một chủ đề được Aristote đưa ra trong cuốn Poetics và phản bác bằng Đức Quốc xã, chế độ cai trị có dân chúng đọc nhiều và trình độ văn hóa cao. Đức Quốc xã tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc đạo đức của riêng họ dù đây là một quy tắc sai trái. Tuy nhiên, Paul không chỉ xem xét mối quan hệ giữa các tác phẩm với đạo đức của chúng ta mà còn với các giá trị tâm linh.
Điều văn học có thể làm và vẫn đang làm chính là chạm đến tâm hồn của con người – một chuyện vĩ đại hơn nhiều so với tiếp nhận các giá trị đạo đức.
Đọc là một trong số ít hành động khiến con người chúng ta khác biệt với những loài động vật khác. Giống như nhiều học giả khác, Paul cũng đề cập trong tác phẩm của bà rằng việc đọc khác với ngôn ngữ nói. Chúng ta sinh ra đã biết nói, nhưng cần được dạy để biết đọc. Việc đọc không chỉ là kết quả của sinh học còn là một điều gì đó sâu sắc về mặt tâm linh. Trên thực tế, cách mà chúng ta sử dụng từ ngữ phản ánh rất rõ điều này: từ “đọc” không chỉ có nghĩa là giải mã những ký tự được học theo một cách máy móc, nó còn biểu hiện sự tìm kiếm ý nghĩa – một hành động rất con người. Chúng ta “diễn giải” trong khi “đọc” tùy theo góc nhìn hoặc tình huống. Theo một cách nào đó, đọc là hoạt động giàu tính tinh thần nhất trong tất cả các hoạt động của con người.
Việc “đọc tinh thần” giải phóng sức mạnh trong những tác phẩm văn học vĩ đại, chạm đến linh hồn của chúng ta và kết nối chúng ta lại với nhau. Đây là lý do vì sao cách chúng ta đọc còn quan trọng hơn ta đang đọc gì. Trên thực tế, việc đọc không khiến người ta đạo đức hơn so với việc ngồi trong nhà thờ hay giáo đường, nhưng đọc một tác phẩm hay thì hoàn toàn có thể.
Việc đọc đã giúp tôi trở thành người tốt hơn. Những cuốn sách tôi từng đọc qua đã định hình thế giới quan, cuộc sống và niềm tin của tôi. Nhờ cuốn Great Expectations, Tôi học được rằng câu chuyện mà ta kể cho chính mình có thể gây hại và đem lại lợi ích cho chính ta và những người khác. Nhờ cuốn Death of a Salesman, tôi hiểu về sự nguy hiểm của mặt trái của Giấc mơ Mỹ. Nhờ Madame Bovary, tôi học được cách chấp nhận thế giới thật thay vì chạy trốn vào những giấc mộng phù hoa. Nhờ Gulliver Du ký, tôi nhận ra những hạn chế của thế giới quan của bản thân. Và nhờ Jane Eyre, tôi học được cách là chính mình. Chúng không đơn thuần là những bài học về trí tuệ hay đạo đức. Nói đúng hơn, câu chuyện trong những cuốn sách này đã trở thành một phần của câu chuyện đời tôi và một phần của tâm hồn tôi.
Eugene H. Peterson giải thích trong cuốn Eat this Book, “Khả năng đọc là một món quà to lớn, nhưng chỉ khi con chữ được đồng hóa, được đưa vào tâm hồn – được nhai và tiêu hóa trong niềm vui thú.” Peterson mô tả nghệ thuật đọc tinh thần này như sau: “Đọc đi vào tâm tâm hồn như thức ăn đi vào dạ dày, trở thành máu và thịt của chúng ta, trở thành… tình yêu và trí tuệ.” Hơn cả nội dung trong sách, kỹ năng đọc sách và niềm đam mê sách mới là thứ ta cần dạy học sinh và chính bản thân mình.
Maryanne Wolf, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ và Việc đọc, đã nghiên cứu việc “đọc sâu” trên phương diện khoa học và não bộ. Bà miêu tả khi đọc với sự tâm trung cao độ, não bộ trở nên yếu ớt hơn và vì thể văn học có khả năng định hình chúng ta:
Khả năng phân tích, suy luận và nghĩ ra ý tưởng mới là kết quả của nhiều năm tích lũy. Cần có thời gian, dù tính bằng giây hay bằng năm, và rất nhiều nỗ lực để học cách đọc hiểu sâu. Chúng ta có thể đọc theo nhiều cách khác nhau, đọc bằng thể xác và đọc bằng tinh thần – và những gì ta tiếp thu từ việc đọc sẽ bị ảnh hưởng bởi cả nội dung đọc và cách mà ta đọc.
Sức mạnh của việc “đọc tinh thần” là khả năng vượt lên trên giá trị vật chất và thậm chí những lựa chọn đạo đức. Đây không phải một tiến trình có thể diễn giải bằng số liệu. Tuy nhiên, việc đọc như vậy không những giúp ta trở nên tốt hơn và còn giúp ta con người hơn.
Thanh Trần dịch | The Atlantic