Nếu được sống thêm một lần nữa và vô số lần khác nữa, cuộc đời mà ta đang sống và đã sống, chúng ta sẽ làm gì để xứng đáng với cơ hội ấy?
Tuyết! Ngày Ursula chào đời, tuyết rơi nhiều đến mức trở thành một huyền thoại trong gia đình. Cô đã nghe câu chuyện này nhiều đến nỗi cô nghĩ là mình có thể nhớ được cảnh tượng đó.
“Chết tức là hết, sẽ chẳng còn gì ở lại”, Dylan Thomas từng viết như vậy. Nhưng với Ursula Todd, cái chết đối với cô chỉ là một khởi đầu mới.
Ngày 11 tháng 2 năm 1910, vào một đêm tuyết rơi lạnh giá, Ursula được sinh ra. Nhưng không may, cô bị dây rốn quấn quanh cổ và chết.
Ngày 11 tháng 2 năm 1910, vào một đêm tuyết rơi lạnh giá, Ursula được sinh ra. Bác sĩ cắt dây rốn, cô bé được cứu sống. Nhưng năm bốn tuổi, cô bé lại bị rơi xuống biển và chết đuối.
Ngày 11 tháng 2 năm 1910, vào một đêm tuyết rơi lạnh giá, Ursula được sinh ra. Cô sống. Nhưng năm năm tuổi, cô bé lại bị trượt ngã trên mái nhà và bỏ mạng.
Ursula cứ sinh ra rồi chết đi, và lại sinh ra để được sống, cứ như vậy qua cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, rồi Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhưng không cuộc đời nào của cô giống lần trước. Mỗi lần bóng tối phủ xuống, Ursula lại tái sinh trong vòng tuần hoàn mới và những con đường mà cô đã chọn trong kiếp trước. Chuỗi đời của Ursula dường như bất tận, cho đến một ngày, cô quyết định tự mình thay đổi thế giới…
Chuỗi đời bất tận là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn người Anh Kate Atkinson, đồng thời là cuốn sách đã đem về giải thưởng Costa Novel lần thứ hai trên tổng số ba lần đoạt giải của bà. Xoay quanh một chuỗi đời lặp đi lặp lại của Ursula Todd, Atkinson đã miêu tả lại nhiều khía cạnh của cuộc sống và biến nhân vật trung tâm của mình thành một chứng nhân lịch sử.
Ursula mang trong mình ký ức đồng quê xanh mát của nước Anh trong những tháng ngày rong chơi tại căn nhà Góc Cáo. Và rồi cô lại là nhân viên văn phòng chính phủ chán ghét thời kỳ chiến tranh giả tạo khi Anh, Pháp, Đức tuyên chiến với nhau nhưng chẳng có lấy một cuộc tấn công thực sự. Lúc cô lại là một công dân Đức, ngày ngày làm bạn với người tình của Hitle. Hoặc là thành viên đội cứu hộ giữa lòng thủ đô London hứng chịu bom đạn hàng giờ đồng hồ.
Nhưng xuyên suốt cuốn sách là câu hỏi ám ảnh tâm trí người đọc: Nếu được sống thêm một lần nữa và vô số lần khác nữa cuộc đời mà ta đang sống và đã sống, chúng ta sẽ làm gì để xứng đáng với cơ hội ấy?
Trong tiếng Latin có một thành ngữ rất nổi tiếng – Amor fati – Hãy yêu lấy vận mệnh của mình, cho dù có chuyện gì xảy ra. Urusla đã yêu thứ được gọi là vận mệnh ấy hàng trăm lần, dẫu vậy lần nào nó cũng phản bội cô ở phút chót.
Nhưng cô vẫn sống, vẫn tồn tại để làm lại cuộc đời mình. Giống như hình ảnh con rắn ngậm đuôi trong miệng, biểu tượng cho sự tuần hoàn của vũ trụ. Không có quá khứ hay hiện tại, chỉ có khoảnh khắc bây giờ mà thôi.
Khai thác một chủ đề không mới, nhưng cuốn sách Chuỗi đời bất tận của Kate Atkinson lại chứng tỏ cho người đọc thấy khả năng sáng tạo vô hạn của trí tưởng tượng: một tiểu thuyết gia có thể đưa chúng ta đi xa được đến đâu.
Giết chết một nhân vật, rồi mang cô ấy trở lại. Bắt đầu một cuộc chiến tranh và ngăn chặn nó. Thả bom London, phá hủy Berlin. Viết một sự kiện ở góc nhìn của một nhân vật, rồi lại viết lại nó từ các nhân vật khác, lặp đi lặp lại hàng chục lần. Thử cách này, theo cách nọ.
Kate Atkinson, sinh ngày 20/12/1951, là nhà văn nổi tiếng người Anh có các tác phẩm đoạt khá nhiều giải thưởng, và là người duy nhất đến nay ba lần đoạt giải Costa Novel Award, lần lượt cho các cuốn Behind the Scene at Museum (1995), Chuỗi đời bất tận (2013) và A God in Ruins (2015).
Bà đã được phong tước MBE năm 2011 vì những đóng góp trong nền văn học đương đại Anh. Hiện Atkinson sống tại Edinburgh gần các nhà văn nổi tiếng khác như JK Rowling, Ian Rankin và Alexander McCall Smith.
Thu Hoài
Theo News.zing.vn