Trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng đọc bức thư đầy nghẹn ngào được tác giả Holly Riordan chia sẻ trên trang Thought Catalog vào ngày 1 tháng 10 vừa qua. Cảm xúc bao trùm bức thư là nỗi tuyệt vọng và sự mệt mỏi đến mức bỏ cuộc của cô gái khi cô đem lòng thương mến một người đàn ông sợ hãi bước chân vào một mối quan hệ tình cảm mới.
Em thường là người nhắn tin trước, thậm chí rất nhiều lần như vậy. Chẳng hiểu vì sao em lại thích gần như tất cả những bức ảnh của anh.
Em từng chẳng tiếc lời khen ngợi anh và luôn diện những trang phục đẹp nhất chỉ vì em biết anh sẽ tới căn phòng, nơi em cũng đang chuẩn bị đến đó. Em từng mời anh ra ngoài vào cuối tuần và tự nhủ không thể để mọi người phát hiện ra rằng, nỗi nhớ anh đã hành hạ em thế nào khi anh không ở trước mắt em. Anh luôn luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới của em bởi vì với em, anh xứng đáng được như vậy.
Ngay cả khi anh phớt lờ những tin nhắn của em hay chỉ gửi đi những biểu tượng cảm xúc lẫn lộn, em vẫn không ngừng nỗ lực để đến gần anh hơn. Em từng cảm thấy khó chịu khi lâu lâu anh mới trả lời tin nhắn của em nhưng rồi em luôn tha thứ cho sự hờ hững nơi anh. Em đã thất vọng biết mấy khi những dự định của đôi ta bị hoãn lại nhưng em sẽ vẫn mời anh ra ngoài vào cuối tuần tới.
Em từng nuôi hy vọng chờ đợi anh bởi vì em nghĩ chắc lúc đó, anh quá lo lắng khi bước vào một mối quan hệ tình cảm mới. Em từng nghĩ anh sẽ cân nhắc đến việc ngỏ lời yêu em và nếu em cố gắng thêm chút nữa thì biết đâu anh sẽ cảm thấy tự tin rằng, em chính là một nửa mà anh thực sự cần.
Em từng nghĩ rằng, mình đã đúng khi theo đuổi anh và thành thật mà nói, em không chắc liệu em có thể kiềm chế bản thân được không nữa. Tất cả những gì em muốn làm chỉ là được trò chuyện cùng anh. Giá như, em có thể ngừng gửi anh những tin nhắn dễ thương. Giá như em có thể giữ bản thân tránh xa anh, ngợi khen anh, mơ tưởng rằng anh sẽ trao tới em cái hôn nồng nhiệt.
Nhưng rồi, em đã kiệt sức. Cuộc rượt đuổi khiến em mệt mỏi. Dù em có nỗ lực như thế nào đi chăng nữa, anh vẫn chưa bao giờ ngỏ lời muốn em trở thành bạn gái của anh. Vì vậy, em buộc phải từ bỏ niềm hy vọng này. Em quyết định thôi không chủ động gửi tin nhắn đến anh và sẽ bước ra khỏi những suy nghĩ về đôi ta. Em chấp nhận sự thật rằng, anh chưa bao giờ nhớ thương em.
Đó có vẻ như em sẽ không còn theo đuổi anh nhưng điều đó không có nghĩa là em không còn mong muốn có anh trong cuộc đời này. Điều này cũng không có nghĩa là em sẽ không bao giờ vào trang cá nhân của anh và ngừng mơ mộng về những điều có thể xảy ra nếu chúng ta chạy đến bên nhau thêm một lần nữa.
Em vẫn mong có anh. Em không thể gạt bỏ mọi mong nhớ về anh. Nhưng em sẽ không chạy theo anh vì anh đã nói rõ ràng rằng, chuyện giữa đôi ta chẳng thể có kết quả nào đâu.
Em không thể bảo bản thân thôi thắc mắc về những tin nhắn mâu thuẫn anh gửi. Em cũng không thể xoa dịu nỗi khổ vì nhớ thương anh, cảm giác như thể em đã tiến đến rất gần anh và rồi nhận ra rằng, anh đã tìm được một người khác.
Em đã cố gắng gây ấn tượng với anh. Nếu chúng ta đến được với nhau thì tới lượt anh làm việc này rồi đó. Đã đến lúc anh là người chủ động gửi tin nhắn, cố gắng giữ cuộc trò chuyện được dài hơn, tìm ra những kế hoạch thú vị và tự ôm gối khóc khi mọi thứ đều chẳng thành.
Em không thể tiếp tục làm như vậy được nữa. Em không thể tiếp tục đuổi theo anh dù cho tất cả những gì em muốn chỉ là anh mà thôi.
Không phải mọi người đàn ông đều e ngại khi tiến đến một mối quan hệ tình cảm mới nhưng nhiều người lại thực sự sợ hãi chuyện này. Trước khi đưa ra các lý do giải thích cho hiện tượng này, tôi sẽ trả lời câu hỏi liệu đàn ông có e dè chuyện hẹn hò hơn phụ nữ hay không.
Cuộc tranh luận về việc liệu đàn ông hay phụ nữ cực kỳ giống nhau hay khác nhau dường như chẳng bao giờ đi đến hồi kết và lý do chủ yếu là vì chúng ta có quá ít bằng chứng để làm sáng tỏ điều này. Biết đâu, vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ tìm hiểu được nhiều điều về bộ não và có được lời đáp thấu đáo cho câu hỏi này. Tuy vậy, điều kỳ cục là cái ngày đó có thể không bao giờ tới: có lẽ xã hội đã tác động đến đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ đến mức chỉ xét tới phần xã hội chứ chưa cần phần sinh học là đủ để xác định đàn ông và phụ nữ là người như thế nào rồi.
Liệu nỗi e sợ của đàn ông khi họ bước vào một mối quan hệ tình cảm mới có lớn hơn phụ nữ hay không? Người ta cảm thấy khó có thể tìm được lời đáp thoả đáng cho câu hỏi này.
Với 15 năm kinh nghiệm làm chuyên gia trị liệu, bác sĩ tâm lý Seth Meyers cho rằng, đàn ông dễ bị tổn thương hơn phụ nữ. Vì vậy, việc đàn ông e dè hơn phụ nữ khi tiến tới chuyện hẹn hò cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng đây mới là phần quan trọng: Không phải tất cả đàn ông đều sợ hãi các mối quan hệ! Khi nhắc đến một nhóm đàn ông, điều gì khiến họ trở nên khác biệt so với những người đàn ông khác? Nói cách khác, tại sao lại có những người sợ hãi trước chuyện yêu đương một cô gái nào đó?
Tổn thương từ mối quan hệ trước đó
Khi người đàn ông chưa sẵn sàng dấn thân vào cuộc phiêu lưu tình ái, điều này có thể bắt nguồn từ quá khứ chẳng mấy êm đềm. Đó có thể là do ngay từ khi còn là một đứa trẻ hoặc đã bước vào tuổi trưởng thành, anh ta đã trải qua những cú sốc tình cảm. Đó cũng có thể là do anh ta lớn lên trong cảnh thiếu vắng sự chăm sóc ân cần hoặc sự ra đi đột ngột của cha mẹ hoặc từng bị bạo hành. Tất cả những nỗi đau ấy khiến trái tim anh ta chai sạn, cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm và duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Sự trỗi dậy của những tổn thương tinh thần ấy có thể khiến chuyện yêu đương gần như là điều gì đó rất khó chạm tới nếu anh ta chưa vượt qua được nỗi đau, những hồi ức của một thời đã xa.
Không những vậy, người đàn ông ngập ngừng yêu ai đó cũng có thể là do anh ta đã phải chấp nhận một chuyện tình đứt gánh giữa đường. Nguyên do của mối tình không đi tới đâu đó có thể là vì anh ta bị bạn tình lừa dối, bỏ rơi hoặc người yêu mắc bệnh, gặp tai nạn mà vĩnh viễn rời xa thế giới này. Tất cả những lý do đó đều khiến người đàn ông trở nên lãnh cảm với sự thân mật và không còn hào hứng với các mối quan hệ sau đó. Mặc dù một vài trong số họ vẫn mong muốn được ở gần người thương nhưng nỗi đau tinh thần do quá khứ gây ra quá lớn khiến họ sợ hãi khi nghĩ đến chuyện hẹn hò với người mới.
Một số người đàn ông ngần ngại tiến sâu vào chuyện hẹn hò bởi vì họ luôn tâm niệm rằng việc này chỉ khiến các mối quan hệ trở nên đáng lo ngại hơn mà thôi. Những người đàn ông mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD, tức là rối loạn dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính ám ảnh, lặp đi lặp lại) e dè chuyện tình cảm vì họ luôn có cảm giác về sự không chắc chắn và thiếu kiểm soát trong các quan hệ. Những ai mắc chứng OCD rất cần thứ cảm giác khiến họ yên tâm rằng, mọi thứ đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể dự đoán được. Ý nghĩ phải xử lý các cảm xúc hỗn độn và cần chia sẻ đời sống cá nhân cũng như không gian thường vượt quá sức chịu đựng của họ.
Những người đàn ông hoang tưởng cũng sợ chuyện yêu đương. Họ thường dễ nhận ra sự phân cấp quyền lực và luôn mang theo nỗi sợ hãi rằng ai đó sẽ đặt bẫy họ và lợi dụng họ. Vì những lý do đó, sự phụ thuộc vào người khác là một khái niệm xa vời đối với họ.
Trầm cảm cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng này ở nam giới. Với người đàn ông độc thân, họ từng nếm trải cảm giác sống mà không có động lực và cảm thấy bản thân vô cùng tệ hại. Suy nghĩ nghiêm túc về một mối quan hệ nào đó có vẻ như vô cùng rắc rối đối với họ. Hãy nhớ rằng, nhiều đàn ông không cởi mở nói về cảm giác chán nản của họ, vì thế, bạn thậm chí có thể không biết nguyên nhân thực sự họ e ngại chuyện theo đuổi một cô gái nào đó là gì, bạn chỉ biết một lý do nhỏ nào đó mà thôi.
Những đam mê thầm kín
Nếu bạn không phải là một nhà trị liệu, bạn có thể quan sát kỹ hơn để hiểu thứ gì đã khiến người đàn ông một khi sa vào thì khó lòng mà dứt bỏ được. Một số đam mê rất dễ nhận ra trong khi những thứ khác lại luôn được che đậy. Kẻ nghiện ngập thường không muốn gần gũi ai vì họ sợ đối phương bắt họ phải chịu trách nhiệm cho việc họ làm. Chúng ta hãy nghĩ thế này: Yêu cũng là cách tạo ra một tên “nghiện ngập”. Nạn nhân cảm thấy cực kỳ lo lắng và thực sự muốn tìm một lối thoát cho bản thân mình.
Nếu bạn đang ngày càng trở nên gắn bó với một người đàn ông e ngại chuyện hẹn hò, bạn hãy nói với anh ta về những điều bạn tin tưởng và đang chứng kiến. Bạn hãy làm việc này một cách bình thường và không áp đặt định kiến. Nếu bạn thực sự yêu anh ta, bạn hãy cùng anh ta đến gặp nhà trị liệu để xác định vấn đề anh ta gặp phải là gì. Những người đàn ông dè chừng chuyện yêu đương vẫn có thể tìm thấy niềm hy vọng cho mình. Tuy nhiên, họ phải giữ tính kỷ luật, cố gắng thay đổi và chia sẻ thật lòng về những rắc rối họ đã gặp phải trong những mối tình đã qua và vì sao những chuyện đó lại khiến họ sợ hãi khi đến với người mới.
Tham khảo Thought Catalog và Psychology Today
Minh Phương