Cả Ngô Tam Quế và Trịnh Thành Công đều sinh ra trong thời kỳ Minh mạt, thời điểm nhà Minh suy sụp bởi thù trong giặc ngoài, trong nước cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành, Trương Hiến Trung quấy phá. Ngoài quan ải người Nữ Chân ở quan ngoại liên tục tấn công.
Giữa thời cuộc đó, hai người họ lại đi theo hai lựa chọn khác nhau, họ đã có 2 quyết định và hành động khác nhau, và vô tình hai lựa chọn đó đã của họ đã chi phối lịch sử Trung Quốc đi theo một chiều hướng khác, họ đã thay đổi vĩnh viễn hơn 500 năm lịch sử sau này của người Trung Quốc.
Ngô Tam Quế sinh năm 1612, Trịnh Thành Công sinh năm 1624, cả hai người họ đều là những viên tướng tài ba. Nếu như Ngô Tam Quế lập công trong việc phòng thủ nghiêm ngặt Sơn Hải Quan, cửa ngõ duy nhất mà nhà Thanh có thể thâm nhập vào Trung Nguyên, thì Trịnh Thành Công lại là người đầu tiên đánh đuổi thực dân Hà Lan, thu phục đảo Đài Loan đối với Trung Quốc, xây dựng một chính quyền tự trị riêng, mặc dù vẫn giương cao khẩu hiệu phù Minh diệt Thanh
Sau cái chết của Viên Sùng Hoán, Hồng Thừa Trù và Tổ Đại Thọ đều đã đầu hàng, tình hình của nhà Minh lúc này thực ra ko quá tệ như người ta vẫn nghĩ, Ngô Tam Quế vẫn làm rất tốt công việc phòng thủ quan ải, Đa Nhĩ Cổn gần như bất lực trong việc công phá Sơn Hải Quan. Thế nhưng trước tình cảnh vợ bị cướp, cha bị giết bởi tay Lý Tự Thành, ông ta đã có một quyết định gần như xoay chuyển càn khôn lúc đó, ông mở cửa cho Đa Nhĩ Cổn dẫn quân Thanh tràn qua Sơn Hải Quan, phối hợp với quân Thanh truy quét Lý Tự Thành, và cũng từ đó giang sơn gần 300 năm của người Hán mới giành lại kể từ khi Chu Nguyên Chương đánh đuổi người Bắc Nguyên, thì một lần nữa lại rơi vào tay ngoại tộc. Ngô Tam Quế cũng tận lực trung thành với “ chủ mới”, bằng cách truy kích nhà Nam Minh sang tận Miến Điện, bắt vua Quế Vương Chu Do Lang về thắt cổ chết
Sự kiện Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải Quan cho người Mãn Châu tràn vào kiến lập nhà Thanh gây ra rất nhiều tranh cãi thời điểm đó. Các học giả tri thức tiến bộ thì đều hiểu sự mục ruỗng thối nát của nhà Minh khi đó, việc thay đổi triều đại là cần thiết và tất yếu. Còn với tầng lớp sĩ phu trung liệt lúc này thì kịch liệt lên án hành động này, cho rằng đây là hành động bán nước hại dân, cầu vinh lợi cho bản thân. Họ phản ứng bằng nhiều cách khác nhau, như nổi loạn ( phong trào Thiên Địa Hội ), ở ẩn bất hợp tác, di cư ra nước ngoài như đám Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu
Ngô Tam Quế làm vương gia tự trị ở Vân Nam, nhưng cũng từ đó gắn với cái tiếng dơ khôn rửa, là kẻ bán nước hại dân. Nếu ai đã xem Lộc Đỉnh Ký thì hẳn cũng thấy Ngô Tam Quế là mục tiêu hàng đầu bị các tổ chức phù Minh như Thiên Địa Hội lên kế hoạch truy sát
Tuy nhiên, từ thời điểm hiện tại mà nhìn lại, thì hành động của Ngô Tam Quế có thể là một sự sắp đặt của lịch sử. Nhà Thanh tuy là triều đình ngoại tộc nhưng họ trị quốc tốt hơn nhà Minh rất nhiều, tiêu biểu là Khang Hy, Ung Chính. Thêm vào đó nhà Thanh đã có quan điểm thoáng hơn về vấn đề dân tộc, không kỳ thị Hán tộc như nhà Nguyên trước đó. Nhà Thanh có công rất lớn trong việc kiến tạo và mở rộng lãnh thổ, lãnh thổ Trung Quốc hiện đại to lớn như hiện nay là nhờ có nhà Thanh. Tình cờ hay không không biết, nhưng vùng đất Mãn Châu, đất phát tích của nhà Thanh sau này, lại trở thành căn cứ tiền đồn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch
Còn Trịnh Thành Công tuy sinh sau đẻ muộn hơn một chút, nhưng ông lại có những lập trường rõ ràng, ông nhất quyết không chịu phục tùng nhà Thanh, thậm chí khi đó cha ông ta là Trịnh Chi Long đã cạo đầu róc tóc thờ Mãn Tộc , đầu hàng và làm tay sai cho nhà Thanh. Ông có viết thư từ mặt luôn cha mình. Ông và chú ông là Trịnh Hồng Quỳ tiếp tục hoạt động chống nhà Thanh. Nhà Thanh dùng đủ các chiêu bài như chiêu hàng, tiêu diệt đều không thành
Ông đã có một quyết định dũng cảm táo bạo hơn đám tướng lĩnh, sĩ phu phò Minh đương thời như Sử Khả Pháp hay Mộc Thiên Ba, ông đem thủy chiến ra đảo Đài Loan đánh bại công ty Đông Ấn Hà Lan, thu hồi Đài Loan về tay người Hán, đồng thời ra sức xây dựng Đài Loan trở nên trù phú, phồn thịnh. Nếu như không có Trịnh Thành Công thì không biết đến ngày nay Đài Loan còn về tay người Trung Quốc hay không hay lại bị một thế lực ngoại bang khác xâm chiếm. Trịnh Thành Công hiện nay được cả phía Đài Loan và Đại Lục tôn thờ là anh hùng dân tộc
Mặc dù giai đoạn cuối, vẫn giương cao khẩu hiệu phù Minh diệt Thanh, nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi, trên thực tế Trịnh Thành Công đã xây dựng một chính quyền tự trị cho riêng gia tộc mình trên đảo Đài Loan. Chỉ tiếc là Trịnh Thành Công mất quá sớm, những người kế vị ông như Trịnh Kinh, Trịnh Khắc Sảng thì quá yếu kém, nên chính quyền Đông Ninh do ông xây dựng đã diệt vong sau 21 năm, nghiệp lớn tiêu tan.
Quyết định táo bạo chinh phạt Đài Loan của Trịnh Thành Công có ảnh hưởng rất lớn lên lịch sử TQ sau này. Đài Loan từ một hòn đảo hoang vu ít được các triều đại phong kiến TQ chú ý đến thì nay là một hòn đảo có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Năm xưa Trịnh Thành Công sử dụng Đài Loan làm bàn đạp căn cứ địa tấn công vào Đại Lục cho công cuộc phản Thanh phục Minh, thì một lần nữa ở thời hiện đại, Tưởng Giới Thạch và những người kế nhiệm ông ta cũng đang một lần nữa biến Đài Loan thành căn cứ chiến tranh trường kỳ với Đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông