CHUYỆN NHỮNG CHIẾC QUẠT ĐIỆN Ở HÀ NỘI THẾ KỶ TRƯỚC 

by admin

Cuối thế kỷ 19, người Pháp chiếm Hà Nội. Có hai thứ họ sợ nhất là muỗi và cái nắng gắt oi bức mùa hè. Với người Việt, dù đã quen với nắng nóng nhưng vẫn phải luôn tay phe phẩy quạt nan mà còn không chịu nổi huống chi người da trắng xứ lạnh…

Và để chống cái nắng nóng miền Bắc, người Pháp đã cho trồng khá nhiều cây xanh trên các vỉa hè. Năm 1896, Hà Nội xây dựng nhà máy điện đầu tiên cạnh Bờ Hồ nên dân chúng gọi là Nhà máy đèn Bờ Hồ (nay là Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng). Tuy nhiên nhà máy điện này công suất rất nhỏ, chỉ đủ thắp vài chục bóng đèn trong phòng làm việc của Tòa Đốc lý, nhà viên Phó Công sứ (nay là trụ sở Báo Nhân dân) và một số ngọn đèn quanh hồ. Để giảm bớt cái nóng, khi thiết kế nhà, các kiến trúc sư Pháp đã sử dụng vật liệu sẵn có là rơm. Họ chặt rơm trộn với vôi cho ngấu, sau đó đóng những thanh gỗ nhỏ lên trần (gọi là lito) rồi trát vôi rơm lên (gọi là trần toocxi), nhưng cái nóng cũng chỉ giảm phần nào.

Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương nên chính quyền bảo hộ đã đầu tư thêm máy phát điện nâng công suất lên 850 mã lực. Từ năm này, một số cơ quan công quyền như: Tòa Đốc lý, dinh Thống sứ, dinh Toàn quyền, Bưu điện… đã được trang bị quạt trần, nhưng cũng chỉ ở một số phòng làm việc của quan chức hay phòng họp. Đơn vị trúng thầu nhập quạt là Công ty điện máy Descours-Cabaud có văn phòng ở phố Paul Bert (nay là số 3 Tràng Tiền). Vậy là sau 20 năm thế giới phát minh ra quạt trần dùng điện thì nó đã có mặt tại Hà Nội. Tiếp sau đó là khách sạn Métropole, Nhà hát Lớn cũng bắt đầu được lắp quạt trần. Những năm đầu thế kỷ 20, quạt trần ở Hà Nội chỉ có 3 nhãn hiệu là Marelli, Eole và Calor, mà phổ biến nhất là loại 2 cánh hoặc 3 cánh bằng gỗ. Dù làm bằng gỗ rất tốt nhưng khí hậu nóng ẩm miền Bắc đã làm cho cánh quạt cong vênh nên dần dần nhiều công sở đã thay bằng quạt cánh sắt. Năm 1996, Nhà hát Lớn được trùng tu để phục vụ “Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp”, người ta đã gỡ bỏ những chiếc quạt trần để thay bằng máy điều hòa nhiệt độ.

Tiếng là có điện nhưng điện chỉ để phục vụ cho người Pháp. Trong thập niên 20, khi các gánh chèo diễn ở các rạp vào mùa hè, ông Sán Nhiên Đài – chủ rạp Quảng Lạc đã phải treo quạt phên đan bằng nứa lên cao rồi thuê mấy thằng nhỏ kéo (hay còn gọi là quạt Panka, mình sẽ nói rõ ở ba ảnh cuối). Trước sự cấp thiết về điện để phát triển kinh tế ở Đông Dương, năm 1925, nhà máy điện sử dụng than đầu tiên được xây dựng ở Yên Phụ. Năm 1927, hai tổ máy hoàn thành đã phát điện với hiệu điện thế 110V. Đến năm 1932 thì hoàn thành nốt hai tổ máy còn lại. Từ đó điện ở Hà Nội đã dư giả hơn và giá thành cũng giảm tương đối so với điện dung máy phát. Dù có điện lưới nhưng quạt trần vẫn là đồ sinh hoạt xa xỉ, chỉ giới trung lưu mới dám lắp, một số khác chỉ dám sắm quạt bàn.

Cuối năm 1940, quân đội Nhật tiến vào Việt Nam, theo chân họ là các doanh nghiệp mang hàng hóa vào cung cấp. Ở phố Lê Thái Tổ, có một cửa hàng bách hóa (nay là Intimex) của chủ người Nhật, họ bán hàng do Nhật sản xuất trong đó có những chiếc quạt bàn hiệu Misubishi cánh bằng đồng sáng bóng, bên ngoài có lồng bao. Đến năm 1951 thì hàng hóa Mỹ theo chân quân Pháp tràn vào Hà Nội với vải kaki, bút bi (hồi đó gọi là bút nguyên tử), kính râm và quạt bàn Mỹ khiến quạt điện ở Hà Nội đa dạng hơn.

Năm 1958, Hà Nội thực hiện cải tạo công thương nghiệp, Xí nghiệp điện cơ Thống Nhất ra đời. Ngoài quạt trần, xí nghiệp này còn sản xuất quạt bàn loại nhỏ bán với giá 35 đồng (thời kỳ này lương của người mới đi làm là 36 đồng) dùng điện 220V. Do sản lượng thấp nhưng nhu cầu lại lớn, ngành thương nghiệp khi đó phải phân phối hàng về tận các cơ quan, đơn vị. Và để công bằng, người mua phải tổ chức gắp thăm. Thập niên 60, dân số Hà Nội tăng nhanh, lại thêm nhiều nhà máy lớn được xây dựng nên Thủ đô bắt đầu thiếu điện, tuy không thường xuyên nhưng nhiều khu vực đã bị cắt luân phiên. Năm 1967, Nhà máy điện Yên Phụ bị trúng bom Mỹ phải sửa chữa lớn nên điện càng thiếu hơn. Không chỉ thiếu mà điện còn rất yếu, chiếc quạt 35 đồng chạy một thời gian là lỗ cắm cánh nhựa bị chảy rộng ra do trục mô tơ quá nhiệt. Người sử dụng phải lót thêm miếng vải cho chặt để cánh khỏi văng.

Cũng trong thập niên này, quạt bàn nhãn hiệu Con gấu và Shanghai sản xuất ở Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhưng chỉ bán cho cán bộ trung, cao cấp. Rồi cán bộ, sinh viên đi công tác và học tập Liên Xô về ai cũng mang theo quạt tai voi (vì có 3 chiếc cánh cao su trông như tai con voi), quạt có tuốc năng, nhưng không có lồng bao cánh. Vì thế nhiều gia đình để quạt trong màn ngủ say, cánh quấn vào màn khiến quạt bị cháy gây hỏa hoạn.

Cũng trong thập niên 60, Hà Nội thay đổi điện lưới từ 110V lên 220V nên những gia đình có quạt trần, quạt bàn mua trước 1954 muốn dùng phải có biến thế. Đầu năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, dân Hà Nội từ nơi sơ tán trở về nhà nên nhu cầu sử dụng điện trong mùa hè tăng cao. Hà Nội thiếu điện trầm trọng, có quạt máy cũng không thể dùng được. Những tối nóng bức, điện yếu không quay nổi cánh quạt, dân các phố Hàng Đào, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Báo Khánh, đầu Bà Triệu… mang chiếu ra ngủ quanh Bờ Hồ rất đông. Cũng vì điện yếu, bóng đèn chỉ như đom đóm nên học sinh cuối cấp ôn thi phải mang sách và quạt nan ra ngồi dưới cột đèn đường. Năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, các loại quạt trần, quạt bàn của Nhật theo chân cán bộ, bộ đội xuất ngũ, phục viên tràn ra miền Bắc. Ngỡ tưởng có quạt Nhật là từ nay sẽ mát, nhưng điện sinh hoạt khi ấy vẫn thiếu trầm trọng nên mùa hè người dân vẫn đành dùng quạt nan.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

You may also like

Leave a Comment