Hè vừa rồi, tớ về bà ngoại chơi mấy hôm. Bà mong tớ về lắm, vì bà ở một mình, cả ngày bà chỉ đi từ nhà ra cổng rồi từ cổng vào nhà. Tớ ở với bà, bà kể tớ nghe bao nhiêu chuyện, bà kể từ ngày bà còn bé tí tẹo đến khi chỉ còn một mình trong căn nhà hiện tại.
Ngày bà trẻ ơi là trẻ, bà được một ông trong làng thích. Bà bảo ông có nụ cười đẹp lắm, khối đứa con gái mê. Ngày đầu tiên gặp, bà cũng thấy thinh thích ông vì nụ cười đó. Hai ông bà làm bạn với nhau được khoảng thời gian khá dài. Một hôm, ông ấy mang sính lễ hỏi cưới bà. Ba mẹ của bà đồng ý. Nhưng bà thì cứ lăn tăn. Suốt cả đêm ấy, bà trằn trọc không ngủ nổi, bà nghĩ về người đàn ông sẽ sống với bà cả đời, thậm chí còn dài hơn cả thời gian bà ở với ba mẹ. Bà nghĩ kiếp này bà chỉ được phép yêu và lấy một người lạ làm chồng thôi. Càng nghĩ, bà càng đắn đo về tấm chồng tương lai của mình.
Sáng hôm sau, bà một mình đến nhà ông kia. Bà mang theo sính lễ, thưa chuyện với các cụ rằng bà không có tình cảm với ông, sống với nhau như thế thì khổ cả hai. Từ đó, bà không qua lại nhà ông ấy lần nào nữa.
Một tháng sau, bà ngoại lấy chồng. Chồng của bà đen nhẻm, thấp hơn bà. Ngày cưới, ông đến đón bà, cả nhà bà, ai ai cũng xôn xao bàn tán, họ chê bà sao lại lấy một người đàn ông xấu như vậy. Trong khi đó, bà cao ráo, trắng trẻo, nét nào ra nét nấy. Bà mặc kệ.
Và bà ngoại tớ đã lấy ông ngoại tớ như thế đó.
Mấy chục năm sống với ông, bà chưa bao giờ hối hận về quyết định thời còn trẻ của mình. Ông ngoại lúc nào cũng chăm chỉ làm việc, không rượu chè, không bài bạc. Bà kể, ông chăm làm từ khi còn trẻ đến cả khi về già. Lúc trẻ ông làm cán bộ, về già ông lại nuôi lợn, dắt trâu ra đồng. Ông ngoại chưa bao giờ ngại việc gì cả.
Tớ hỏi bà đã bao giờ ông ngoại lớn tiếng với bà chưa. Bà cười. Bà trả lời có, đương nhiên là có rồi, sống với nhau từng ấy năm trời, chả lẽ vợ chồng chưa một lần cãi vã. Thế nhưng, nếu như những người đàn ông khác cứ mất bình tĩnh là chửi đổng, chửi bậy thì ông ngoại không như thế. Ông nói lớn có 1, 2 câu, rồi im lặng. Mọi chuyện lại đâu vào đấy hết.
Ông thương bà, bà cũng thương ông nhiều. Nghĩ về ông, bà chỉ thấy tiếc. Bà tiếc vì một người tốt ra đi trước bà, bà tiếc vì người đàn ông xa lạ đã dành cả đời để yêu thương bà nhưng cuối cùng lại để bà cô đơn những ngày tháng già cỗi. Bà tiếc lắm!
Từ ngày ông mất, vị trí mọi thứ trong nhà không thay đổi gì cả. Bà cũng không có ý định thay đổi bất cứ thứ gì hết, kể cả chiếc đồng hồ hỏng đã lâu của ông ngoại trong tủ kính hay bức ảnh của ông thời trẻ trên kệ. Đến cả gian bếp, cái bát ông ăn, cái thìa ông dùng, bà vẫn giữ lại vẹn nguyên suốt hơn 1 năm qua. Chỗ chiếc bàn ăn, vẫn luôn có ba cái ghế, ngày trước, một cái cho bà, một cái cho ông và một cái cho nồi cơm điện.
Hóa ra khi yêu một người là như vậy. Bà đã yêu ông từ những ngày còn trẻ và đến cả khi ông mất, bà vẫn yêu ông như phút ban đầu. Bà ngoại sống giữa hai mảnh đời. Một mảnh đời thực và một mảnh đời trong cơn chiêm bao, nơi bà được gặp ông những ngày nhung nhớ da diết. Hai mảnh đời ấy ghép lại thành cuộc đời trọn vẹn, thân thương, không một chút hối tiếc của bà ngoại.
Đêm cuối tớ ngủ với bà, bà trầm ngâm bảo: “Nếu có kiếp sau, bà cũng chỉ mong được gặp ông và nên duyên vợ chồng với ông. Một kiếp người, chỉ cần như thế, là mãn nguyện rồi!”