Đây là một tiêu đề khiến tôi lặng người khi đọc được ở một nhóm tâm sự dành cho các bạn trẻ và tôi giật mình nhận ra rằng: Khi phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời, cái người ta không nghĩ tới là buông bỏ đi những nỗi đau cho nhẹ lòng mà lại muốn buông bỏ chính mình.
Nhắm mắt lại, tôi nhìn thấy hình ảnh một đứa trẻ khoảng 12 tuổi đang ngồi cuộn mình trong phòng tắm nhỏ bé tối tăm, đó là tôi sau khi vừa trải qua một trận đòn rất nặng từ bố mẹ, tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác.
Trong căn phòng ấy, sau khi được đánh bằng cây lau nhà bằng sắt, cây sắt ấy đã gãy làm đôi, tôi nhớ mình đã tự hỏi rằng:
“Mình sinh ra vì gì?”
“Có phải không có ai thương mình không?”
“Mình có nên biến mất để bố mẹ vui hơn không?”
“Hay là mình cắt tay nhỉ? Nhưng mà sợ đau lắm!”
“Hay là mình đi mua thuốc ngủ? Nhưng mà không có tiền với không biết chỗ mua.”
Cũng từng ngô nghê thử gục đầu vào xô nước
…
Sau một hồi khóc lóc suy nghĩ như thế, khóc xong rồi mình cũng bước ra khỏi phòng tắm ấy và lại tiếp tục đi học buổi chiều.
Và vẫn sống đến hiện tại.
Về sau, vẫn có đôi khi gặp khó khăn trắc trở, bóng đêm bao trùm trong tâm trí nhưng tôi vẫn cố gắng bước tiếp về phía trước.
Có lúc là vì thấy tiếc nuối.
Có lúc là vì thấy mình cần có trách nhiệm.
Còn bây giờ, đương nhiên là không còn những suy nghĩ đó nữa, vì cảm thấy cuộc đời hoá ra vẫn có những điều tốt đẹp tồn tại nếu ta chịu nhìn vào đó.
Tôi biết, ngưỡng chịu đựng của mỗi người mỗi khác nhau, có người bị thương đến phế bỏ cả tay chân vẫn có thể mỉm cười, cũng có những người chỉ đứt đầu ngón tay đã đau thấu tận tâm can, hận không thể cho cả thế giới này biết mình đang đau như thế nào.
Nhưng dù ngưỡng đau của bạn có nhiều đến thế nào – Hãy cứ sống tiếp, được không?
Tiếng khóc đầu tiên của bạn là minh chứng tuyệt vời cho một phép màu của tạo hoá.
Tiếng gọi “Ba, Mẹ” đầu tiên của bạn là âm thanh du dương hơn cả những bản hoà tấu của Beethoven.
Có những bông hoa nở rộ theo mỗi bước chân chập chững những năm ấy…
Một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông. Xuân tươi sáng, hạ ấm áp, thu rực rỡ và đông giá lạnh.
Cầu vồng có bảy màu đan xen, âm nhạc cũng có nốt trầm nốt bổng.
Giống như đời người sẽ có lúc tưởng chừng như chỉ có bóng tối hiu hắt, rồi khi bước đi ta lại dần thấy ánh sáng le lói nơi cuối đường.
MUỐN TỪ BỎ CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH, MÀ NÓ LÀ MỖI CHUỖI ĐAU ĐỚN TRẢI QUA.
Tôi từng xem bộ phim “13 Reasons Why” với 13 câu chuyện mà Hannah Baker từng bước từng bước trải qua những lần bị trêu đùa, bị phản bội, bị chê cười, bị vũ nhục… Lúc đó tôi nghĩ rằng, chỉ cần một trong mười ba câu chuyện ấy không xảy ra, hoặc có chuyển biến tốt đẹp, sẽ không bao giờ có cảnh cuối phim Hannah nằm ở vũng máu trong bồn tắm nữa.
Đau khổ đến mức muốn từ bỏ cuộc sống không phải là một sự kiện, mà nó có thể là những lần nhỏ bé chồng chất và chồng chất từ ngày này qua ngày khác, đến lúc bụi phủ quá dày lên trái tim và tâm trí khiến chính mình không còn nhìn thấy được ánh sáng nữa.
Vậy nên, ngay khi vừa được phủ một lớp bụi mỏng, hãy tìm cách thổi nó đi.
1. Hãy vẽ ra cho mình một tương lai tươi đẹp.
Tôi có một thói quen nho nhỏ nhưng rất thú vị là in những bức ảnh giống tương lai mà tôi muốn có được. Đó có thể là tấm ảnh của một ngôi nhà xinh xắn mà tôi muốn có, nó cũng có thể là về một vùng đất mà tôi muốn đi.
Hi vọng giúp chúng ta có động lực để hướng về.
2. Hãy kết bạn và chia sẻ với bạn bè của chúng ta mỗi khi buồn.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể hiểu chính mình. Cá ở trong nước, chỉ có cá mới biết nước nóng hay lạnh, người ở trong cuộc, chỉ có người mới hiểu được mình đau đớn đến mức nào.
Nhưng dù là như thế, vẫn hãy cứ nói ra những tâm sự chất chứa trong lòng, nó sẽ giúp chúng ta giải toả được tâm trạng mặc dù người nghe có thể chẳng giúp được gì. Thậm chí rằng, nếu họ không hiểu cũng không sao, đó là điều đương nhiên, hãy cho họ thêm cơ hội để hiểu.
3. Thiên nhiên là món quà tuyệt vời cho sự chữa lành.
Những lúc buồn, hãy thử đi đến một nơi thật thoáng đãng và có nhiều cây cối, một quán café yên tĩnh xinh xắn và lắng nghe những giai điệu dễ thương, ngắm nhìn dòng người qua lại biết đâu chúng ta có thể thấy một điều vui vẻ nào đó.
4. Đừng bỏ quên những sở thích cá nhân để cân bằng cuộc sống.
Tôi thích hát và đàn, nên tôi sẽ ngồi luyện ngón và ca hát khi buồn. Những lúc buồn bã ta thường dành thời gian để tập trung suy nghĩ về những điều tồi tệ, và càng lúc càng đắm chìm vào sự tồi tệ hơn. Hãy ngồi dậy và làm bất cứ điều gì bạn thích để thay đổi sự tập trung. Bắt đầu trở về về những thứ thú vị đã lâu mà ta bỏ quên, nếu chưa có hãy bắt đầu đi tìm.
5. Tìm kiếm một sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý nếu sau tất cả những cách trên vẫn chưa khiến mình cân bằng cuộc sống.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều những khoá học chữa lành cảm xúc miễn phí đến ít phí, những chia sẻ trên TikTok, Facebook & Youtube… nơi có thể cho chúng ta những góc nhìn tích cực giúp ta thay đổi suy nghĩ của mình.
Bạn tôi ơi, hãy bước về phía trước, giống như lúc chúng ta chập chững tập đi, mỗi bước đi là mỗi khó khăn nhưng ta vẫn không từ bỏ.
Cũng chỉ khi bước về phía trước chúng ta mới có cơ hội gặp gỡ những người tốt hơn, có được những trải nghiệm thú vị hơn và chạm đến ánh sáng của cuộc đời mình.
Thật may mắn khi ngày bé tôi đã mở cửa nhà tắm đi ra ngoài.
Sau này tôi có thêm một đứa em trai dễ thương, sau này mẹ không đánh nữa mà hiện tại đã trở thành một người bạn thân của tôi, thân đến mức mà thỉnh thoảng gọi nhau là chị em, sau này bố cũng bớt nóng nảy và hiện nay đã dần lắng nghe để thấu hiểu con cái nhiều hơn.
Sau này, cũng gặp được người dạy tôi biết bản thân mình là một cô gái đáng yêu.
Sau này, cũng có ngày càng nhiều hơn những người bạn thân, kéo dài tình bạn đẹp suốt gần 10 năm.
Sau này, cũng gặp được những người chị em khác, luôn sẵn sàng dành thời gian giúp đỡ mình.
Sau này, lại cũng trở thành một người, có thể giúp người khác vượt qua nỗi buồn.
Tiếp tục sống tiếp nhé, vì bạn sẽ không biết “Sau này của bạn” đẹp thế nào đâu!
Theo: Min