Không phải ai cũng có năng lực đọc suy nghĩ đâu bạn à!
Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn khi nói thẳng ra, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu rằng mình có nhu cầu sâu thẳm được tâm sự với những người mà ta ao ước sẽ hiểu nỗi lòng mình. Chúng ta khao khát những dự định của mình được hiểu, những cảm xúc của mình được trân trọng, những tâm trạng của mình được thấu cảm – nhưng chúng ta lại không chịu nói hay đặc biệt thấy đây là một nhu cầu cấp bách cần được đáp ứng.
Chúng ta muốn được người khác dò đoán mình, cảm nhận mình, thấu hiểu mình bằng một phép thần thông mà ta vô thức tin là có thật. Chúng ta muốn mọi người biết được những thứ mà ta chẳng buồn nói với họ. Nhiều lúc, chúng ta thậm chí còn ngờ rằng họ biết quá rõ ta nghĩ gì và muốn gì – nhưng cố tình làm ngơ để chứng tỏ họ cao tay hơn và làm bẽ mặt chúng ta. Những lời giải thích khả dĩ nhất cho việc họ không chịu phán đoán trước là sự bất lịch sự, thiếu tình thương yêu hoặc cực kì ngu si.
Chúng ta suy nghĩ theo kiểu này không phải bởi vì chúng ta xấu xa; chúng ta cứng đầu cứng cổ không chịu nói cho người khác cảm giác của mình, bắt họ phải chơi trò “ú tìm” mà bởi vì chúng ta, trong một giai đoạn ngắn nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời mình, đều từng là những đứa trẻ sơ sinh. Hay nói cách khác, trong một quãng thời gian quan trọng, chúng ta đã từng ở trong một hoàn cảnh lạ lùng, đó là khi ta chưa biết nói.
Những người xung quanh buộc phải đoán trong đầu đứa trẻ này đang nghĩ gì. Ba mẹ nghe lúc nào ta khóc, quan sát khuôn mặt ta lúc nổi đóa, chứng kiến ta vươn vai; ba mẹ đã cố đoán mò và họ đã đúng. Họ cho ta bú sữa, họ nhặt chú gấu bông từ sàn nhà, họ đặt ta lên vai và đưa ta đi quanh phòng khách – và lúc đó ta cảm thấy bình yêu và thỏa mãn. Ba mẹ không phải là những thiên tài trong việc thấu hiểu con người, họ đoán trúng bởi vì nó quá dễ. Những thứ ta cần khi còn nhỏ xíu vô cùng đơn giản và ít ỏi: đồ ăn và thức uống, quần áo sạch, ngủ, vệ sinh và sự vỗ về.
Chính cái ký ức xa xưa về khả năng đọc tâm trí siêu nhân của ba mẹ đã tạo ra hiệu ứng nghịch làm chúng ta cảm thấy cô lập và bực dọc hơn cần thiết khi lớn lên. Chúng ta vẫn tiếp tục kì vọng rằng trò chơi dò đoán đã từng diễn ra rất thành công trong quá khứ sẽ tiếp tục – kể cả khi chúng ta đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong các nhu cầu được hiểu của mình.
Chúng ta không chỉ cần sữa và những cái ôm, bây giờ chúng ta cần những người xung quanh hiểu lịch trình tuần tới của mình sẽ ra sao, việc chúng ta vòng tay ôm họ mỗi tối nghĩa là gì, căn bếp này nên được dọn dẹp ra sao, những chiếc khăn nên được treo vào chỗ nào, tài liệu này được chuyển đến văn phòng bằng cách nào, ai nên cầm chiếc điều khiển vô tuyến và chúng ta cảm thấy như thế nào về mẹ của họ.
Và chúng ta muốn họ biết tất cả những điều này không phải bằng cách chỉ đường rẽ lối cho họ một cách cẩn thận và từ tốn hay bằng cách kiên nhẫn nhắc nhở họ nửa đùa nửa thật, mà phải là ngay lập tức, thế đấy, dựa trên giả định rằng họ thông minh mà, họ quan tâm tới chúng ta mà. Và nếu họ có không hiểu, thì chúng ta hoàn toàn có cớ để la hét, để buộc tội họ lười không chịu hiểu hoặc thiếu tình cảm.
Chúng ta là những kẻ truyền đạt tệ hại bởi vì chúng ta từ chối chấp nhận tính quan trọng, sự cần thiết và phức tạp của việc giao tiếp. Chúng ta lang thang trên quả đất này với những vấn để của một kẻ trưởng thành phức tạp, khăng khăng tin rằng mình vẫn dễ hiểu và dễ đoán như đứa trẻ ngày nào.
Bài Gốc: The Book of Life
Trạm Đọc