Kshama Bindu (24 tuổi, sống tại bang Gujarat) sẽ kết hôn với chính mình trong một đám cưới phong cách truyền thống vào 11/6. Đây cũng có thể là đám cưới một mình (sologamy) đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ.
“Tại một thời điểm trong đời, tôi nhận ra mình không cần một hoàng tử quyến rũ bởi tôi đã là nữ hoàng của chính mình. Tôi sẽ mặc như một cô dâu, tham gia các nghi lễ, bạn bè sẽ đến dự đám cưới của tôi và tôi sẽ trở về nhà thay vì đi cùng chú rể”, Kshama chia sẻ.
“Tôi thấy rằng không giống như phương Tây, đám cưới một mình không phổ biến ở Ấn Độ. Do đó, tôi quyết định sẽ khởi xướng xu hướng này và truyền cảm hứng cho những người khác. Mọi người có thể không thích ý tưởng của tôi. Tôi tự tin mình đang làm điều đúng đắn”.
Kshama mô tả sologamy là “hành động chấp nhận bản thân một cách sâu sắc” và là cách cô thể hiện rằng cô chấp nhận tất cả phần khác nhau của bản thân, đặc biệt là những phần cô từng cố gắng từ chối hoặc phủ nhận, ví dụ như những điểm yếu, có thể là về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc.
Thông tin về đám cưới của Kshama đã gây xôn xao trên mạng xã hội Ấn Độ, thu hút nhiều ý kiến ủng hộ và cả chỉ trích.
Một số người đặt câu hỏi liệu cuộc hôn nhân của Kshama có chịu sự giám sát của pháp luật hay không. Theo công tố viên Krishnakant Vakharia, phải có hai người trong một cuộc hôn nhân ở Ấn Độ, sologamy là không hợp pháp.
Dù sologamy xuất hiện cách đây nhiều năm và đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với phụ nữ, khái niệm này vẫn còn mới ở Ấn Độ, nơi những quan niệm truyền thống về hôn nhân còn tồn tại mạnh mẽ.
Sologamy được cho đã xuất hiện từ đầu những năm 90 khi Linda Barker (người Mỹ) tự kết hôn trước sự chứng kiến của 7 phù dâu và 75 khách mời.
Tại Kyoto (Nhật Bản) hay Canada, có nhiều công ty cung cấp dịch vụ tổ chức lễ cưới cho những phụ nữ độc thân. Ở Mỹ, mọi người có thể mua set tự kết hôn bao gồm một chiếc nhẫn, lời tuyên thệ và thiệp chứng nhận.
(Theo Zing)