Cố Gắng Hộ Cho Ước Mơ Của Người Khác

by admin

*Nhiều người vẫn nghĩ mình đang cố gắng từng ngày

15 tuổi, đối diện với kỳ thi vượt cấp khắc nghiệt nhất cuộc đời mà kết quả thi quyết định tới sự dài ngắn của con đường học vấn về sau. Bạn đã từng cố gắng như thế nào và kết quả ra sao?

18 tuổi, đối diện với kỳ thi đại học mà chỉ cần đạt kết quả cao và đỗ đạt, gia đình sẽ được nở mày nở mặt còn bản thân sẽ tiến gần hơn tới đam mê ở một chuyên ngành nào đấy. Bạn đã từng cố gắng như thế nào và kết quả ra sao?

22 tuổi, đối diện với chuyện tốt nghiệp và những kỳ thi cao học, công chức hoặc các cuộc tuyển chọn công việc khó nhằn. Bạn đã từng cố gắng như thế nào và kết quả ra sao?

Và tôi, 24 tuổi, đang đối diện với việc bị sa thải bởi chính sách cắt giảm nhân sự của công ty ở thời kỳ dịch bệnh, quay về làm cộng tác viết viết content dạo mà mức lương không bằng một sinh viên đi làm thêm. Tôi có đang cố gắng vì điều gì hay không?

Thực tế, lúc nào con người ta cũng phải cố gắng để đạt được điều này điều kia. Có khi là theo thực tế buộc ta phải không ngừng cố gắng, có khi là vì một điều gắn với mong muốn của ba mẹ/gia đình, có khi là vì… ta chẳng biết phải làm gì nữa cả. Chuyện cố gắng hay hai từ “cố gắng” được những người trẻ như tôi nhắc tới hằng ngày, trong mọi câu chuyện và với mọi vấn đề. Nhưng, liệu bạn có đang cố gắng thực sự hay không? Ý tôi là sự cố gắng mà bạn đang nhắc tới có phải là điều bạn mong muốn được làm? Bởi chỉ khi người ta thực sự muốn một điều, người ta mới thực sự đang cố gắng.

*CỐ GẮNG là một động từ hay chỉ là một trợ từ?

Có cô bé sau khi biết điểm thi vào cấp ba không như ý, dù vẫn đảm bảo em đỗ vào một trường nào đấy tầm thấp nhưng lại trót phá đi “truyền thống” mấy đời học trưởng điểm. Em buồn. Em bảo: “Em đã cố gắng rồi mà không hiểu sao điểm vẫn thấp”. Tôi hỏi em: “Em chắc là đã cố gắng thật sự chưa?” Em ngẫm nghĩ, không dám trả lời một câu khẳng định chắc nịch hay gật đầu thật tự tin. Hóa ra em phân vân, em cũng chẳng biết mình đã thực sự cố gắng chưa nữa.

Có cô bé sau khi biết điểm thi đại học không đủ cao để đỗ vào trường y như nguyện vọng của gia đình với 3 đời làm nghề y sĩ. Em buồn. Em bảo: “Dù học y không phải ước muốn của em nhưng em đã cố gắng hết sức để thi đạt điểm cao nhất.” Tôi hỏi em: “Nếu đã cố gắng hết sức, sao em còn buồn?” Em cúi đầu: “Em không rõ.”

Cô bạn tôi mới tốt nghiệp chuyên ngành du lịch 2 năm trước, háo hức chuẩn bị tưởng có bạn thân làm hướng dẫn viên hay bán tour thì được mua với giá rẻ. Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời, tôi thấy bạn tôi đi mua tài liệu học để thi công chức nhà nước ở cơ quan huyện, chỉ vì người bố ốm đau, mẹ làm tự do nên muốn có công việc yên ổn ở gần nhà chăm bố và phụ mẹ chăm em. Năm ngoái thi, cô trượt thẳng tắp một đường dài như đường băng cho tàu bay. Cô buồn. Cô bảo: “Tao đã cố gắng cả năm giời, thế mà vẫn trượt.” Tôi hỏi cô: “Mày cố gắng trong đúng một năm liền thật không?” Cô ngơ ngác nhìn tôi như chẳng thể tin là sẽ có ai hỏi cô câu tương tự.

Và mới trong buổi nói chuyện với mẹ vào ngày hôm kia, sau khi mẹ hỏi về tình hình công việc của tôi dạo này thế nào, tôi bảo: “Con bị cho nghỉ việc vì chính sách cắt giảm nhân sự. Đã cố gắng làm lâu đến thế mà cuối cùng vẫn bị cho nghỉ.” Lần này chẳng ai hỏi ngược lại tôi như tôi vẫn hỏi mọi người nữa cả. Nhưng nói xong tôi tự thấy chột dạ, lòng tôi rền rĩ tiếng hỏi khẽ: “Mày đã cố gắng như thế nào cơ?” Chính xác thì tôi làm tự do từ năm hai đại học, tôi vẫn ao ước có thể vẫn mãi được viết tự do như những ngày ấy mà vẫn có thu nhập tốt. Nhưng thực tế đã vả tôi mấy lượt khi nghề viết tự do, ai nhờ gì viết nấy chỉ khiến tôi đủ ăn ngày ba bữa, còn nhà thì ở ké anh trai mà thôi. Và tôi quyết định cố gắng để đi làm ở một nơi nào đó, với mức lương không tệ. Mà nhìn xem, tôi lại vừa gắn động từ “cố gắng” vào trong câu nói trên rồi.

Đấy, giới trẻ nói “cố gắng” như một thói quen và có khi chẳng rõ đó là một động từ hay chỉ là một trợ từ có tác dụng nhấn nhá chứ chẳng mang một nghĩa thuần nhất nào cả. Đương nhiên, vẫn có người đang cố gắng thật, theo đúng nghĩa, và với đúng việc mà họ mong cầu.

*CỐ GẮNG HỘ cho ước mơ của người khác?

Hãy nhìn xem, cô bé nào đó thi vào cấp 3, cô nữ sinh nào đó thi vào đại học, cô bạn học du lịch và rồi thi công chức huyện hay tôi – một người trẻ thất nghiệp và không rõ tiếp theo nên đi làm tiếp như hồi chưa thất nghiệp hay lại lang thang làm content dạo với đồng lương bèo. Tất cả chúng tôi đều chưa từng thực sự cố gắng, bởi mấy điều kia đều không phải thứ chúng tôi thực sự cần. Nếu có một chút sự cố gắng nào đó, thì cũng chỉ là dành cho điều người khác muốn và kỳ vọng áp đặt lên chúng tôi mà thôi.

Tôi thì sợ mang tiếng thất nghiệp, bạn tôi thì sợ mang danh bất hiếu, mấy cô cậu học sinh thì có khi là sợ bố mẹ xấu hổ hoặc không tiếp nối được “truyền thống” gia đình làm dòng tộc thất vọng… Chúng tôi là đại diện của một bộ phận không nhỏ những con người đang cố gắng dùm, cố gắng hộ cho mong muốn và ước mơ của người khác. Chúng tôi là đại diện cho những con người đang mang nỗi sợ hãi về đủ điều để ép bản thân rẽ lối và CỐ GẮNG theo con đường vốn không phù hợp với mình.

Chúng tôi là đại diện của một nhóm người thậm chí không rõ bản thân phải làm gì để mọi chuyện vẫn tốt đẹp dù đang đi theo một hướng đi khác. Bởi có khi sợ lâu quá, con người dẫn mờ mịt trong cái suy nghĩ về cách để đi trên con đường mà mình thuộc về.

*Cổ vũ hay động viên?

Người ta vẫn cổ vũ chúng tôi: “Cố gắng lên”, nhưng ít khi hỏi chúng tôi:

“Em có đang muốn cố gắng vì điều này không?”.

“Hành trình em mong ước là gì?”

“Em có thể tự do cố gắng vì một điều khác mà em mong muốn”.

Tôi tự hỏi, ngoài sự cổ vũ là cần thiết cho những con người đang nhiệt huyết tràn đầy vì mục tiêu phía trước – đồng thời là những mục tiêu tự bản thân họ mong muốn và đề ra (trên tinh thần khuyến khích chứ không ép buộc từ mọi người), những người đang e sợ mà đi “cố gắng hộ” cho người khác như chúng tôi có nên nhận lời cổ vũ tương tự hay không?

Bởi chúng tôi nhận thì cũng chẳng giúp việc cố gắng thay ai đó trở nên dễ chịu hơn. Hay chăng, thay vì lời cổ vũ cho có lễ để vun đắp ý chí “cố gắng hộ”, hãy động viên chúng tôi theo đuổi những điều chúng tôi thực sự mong, thực sự có thể cố gắng hết mình vì nó. Điều đó sẽ giúp chúng tôi cố gắng cho chính mình, cố gắng thực sự. Hoặc ít nhất, trong trường hợp buộc phải thực hiện sự “cố gắng hộ” những ước mơ và mong muốn của ai đó, thì chúng tôi cũng sẽ thấy vui hơn khi nhận được một lời động viên chứ không phải cổ vụ lấy lệ.

“Con phải cố gắng mà vào trường điểm” -> Con chỉ cần làm hết sức thôi, kết quả ra sao cũng vẫn là tốt nhất.

“Con phải cố gắng lên để vào được trường y” -> Ba mẹ rất hy vọng con yêu quý ngành y, nhưng nếu quá sức với con, con có thể lựa chọn những ngành phù hợp khác.

“Cháu phải cố mà về làm ở huyện để còn chăm bố và em cháu chứ” -> Cháu có thể cân nhắc về việc làm ở gần nhà hoặc làm ở đâu cũng hãy thường xuyên về với gia đình.

“Mày phải cố gắng để không thất nghiệp” -> Mày có thể làm tự do và cộng tác cho những công ty lớn và tham gia nhiều lĩnh vực viết khác mà?

Có khi lời cổ vũ “Cố gắng lên” và lời động viên lại chỉ cách nhau ở cách mà người ta nói ra một điều gì đấy. Mà lời nói xuất phát từ suy nghĩ. Nên cũng chỉ mong con người ta có thể cởi mở suy nghĩ, đừng chèn ép tiềm năng cố gắng vô tận bên trong mỗi người khi để họ được thực sự làm những điều mình mong cầu, yêu thích nếu điều đó đơn thuần là phù hợp với họ. Và khi đã được làm những điều mình thích, tôi mong bạn hãy CỐ GẮNG THỰC SỰ – THẬT NHIỀU.

Tác Giả: Lyng

You may also like

Leave a Comment