CÓ MỘT GIA ĐỊNH ĐỂ NHỚ, MỘT SÀI GÒN ĐỂ THƯƠNG QUA NHỮNG TRANG SÁCH

by admin

Vì sao hồ Con Rùa lại không có con rùa nào? Vì sao chợ Bến Thành là không có cái bến nào và cũng không ở gần sông? Nét văn hoá một thời của người Sài Gòn qua các món đặc sản cà phê dĩa, cơm thố chợ Cũ trông như thế nào?…

Gia Định Là Nhớ Sài Gòn Là Thương

Có vô số câu hỏi mà các sinh viên mới đến TP.HCM rất hay hỏi, mà những người trẻ lớn lên ở đây cũng chẳng mấy ai biết câu trả lời. Những câu hỏi vu vơ thường bị bỏ lửng bởi các thế hệ sau, nhưng đối với những người đã gắn một phần cuộc đời với vùng đất Sài Gòn, đó là những ký ức, một miền thương nhớ khó quên. Tuy đã quen với sự thay đổi nhanh chóng của một thành phố hiện đại, đôi khi họ vẫn cảm thấy lòng xao xuyến khi nhắc về những tên đường xưa, những ngôi chợ cũ, quán ăn lâu đời… 

Trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” của nhà báo Cù Mai Công, những câu chuyện tựa như những thước phim ký ức quay chậm về một Sài Gòn nhiều thương nhớ và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.

Đường Catinat (nay là Đồng Khởi) vốn là con đường từ một cổng thành Phiên An ra sông Sài Gòn. Nguồn: Collection Poujade de Ladevèze.

 

Vì sao Gia định là nhớ, Sài Gòn là thương?

 

Cả hai cái tên “Gia Định” và “Sài Gòn” ngày nay đều không được dùng một cách chính thức nữa, tuy vậy, người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn. “Sài Gòn đối với thế hệ trước 1975 là bánh mì chợ Cũ, là hình ảnh tà áo dài thướt tha trên con đường Duy Tân “cây dài bóng mát”… Còn đối với thế hệ 8x, Sài Gòn lại là một đô thị đông đúc đang rũ bỏ lớp áo cũ để khoác lên lớp áo mới tân thời, nhưng đâu đó vẫn còn chút hương xưa với những tà áo dài trắng trên con đường đầy lá me bay vào buổi tan trường…”

Với tác giả Cù Mai Công và những người cùng thế hệ với ông, hai chữ “Sài Gòn” có thể gợi lên nhiều kỷ niệm chung của cả một thế hệ và cả những nỗi niềm riêng của mỗi người. “Chứng kiến một phần đời của mình mất đi, ai mà không cảm thấy tiếc nuối, huống chi đó là kỷ niệm của nhiều thế hệ” – Cù Mai Công viết. Vì vậy mà khi nhắc đến Sài Gòn, ông dùng từ “thương”.

Tác phẩm “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” của nhà báo Cù Mai Công

Nhưng nếu như Sài Gòn vẫn còn được người dân thành phố gọi tên, thì “Gia Định” phần nào khiến người ta có cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ. Dù địa danh Gia Định chỉ mới biến mất khoảng 50 gần đây và những cư dân tỉnh Gia Định cũ vẫn còn đó, có lẽ những biến động liên miên của thời kỳ Gia Định đã khiến nó gắn với từng miền ký ức riêng. Hai chữ Gia Định thường gợi lên một cảm giác chung về mồi thời đã qua của vùng Đề Ngạn, của những trận đánh khốc liệt giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn, hay ký ức về “trai Petrus Ký, gái Gia Long”, nữ sinh trường Trưng Vương, nam sinh Chu Văn An… Vì vậy, dù hai chữ Gia Định ít gắn liền với đời sống của người dân thành phố ngày nay, nhưng chỉ cần nhắc đến một cái tên, một huyền thoại là người ta nhớ ngay. 

“Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người nơi chốn chốn

Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi”.

  • Cổ Gia Định phong cảnh vịnh

Tựa sách đi từ Gia Định đến Sài Gòn. Song, khi lật giở nội dung của cuốn sách, người đọc lại thấy câu chuyện của Sài Gòn trước rồi mới đến những ký ức về Gia Định. Các câu chuyện tiếp nối nhau một thước phim được tua ngược trở về một vùng đất đô thành Sài Gòn phồn hoa trước năm 1975 và Gia Định thời “rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”. 

Nếu như ở phần Sài Gòn, tác giả đưa người đọc về không khí Sài Gòn xưa lãng mạn, sôi nổi với các chợ, các trường học, với hồ Con Rùa, Chiêu Nam lầu, đại lộ Charner nhộn nhịp… thì ở phần Gia Định, đó là câu chuyện lịch sử chứa đựng nhiều tiếc nuối về ngôi thành Phiên An cũ kiên cố và to gấp bốn lần Gia Định xưa, về một người Gia Định dựng lũy Bán Bích hay về những biến cố đau lòng của vùng đất như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng đau đớn thốt lên khi thành Gia Định thất thủ: “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, một bàn cờ thế phút sa tay”.

 

Quá khứ đã qua và những vết tích còn lại

 

Trải qua hơn 300 năm, vùng đất Sài Gòn – Gia Định năm xưa giờ đã trở thành một “siêu đô thị” của hơn 10 triệu người sinh sống với nhiều thay đổi. Song, ký ức về những giai đoạn khác nhau của vùng đất này dường như vẫn nằm ngủ đâu đó giữa thành phố tấp nập. 

Những câu chuyện được nhà báo Cù Mai Công kể đến thường khá quen thuộc như chợ Bến Thành, kênh Nhiêu Lộc, cà phê và bánh mì buổi sáng.. mà đã là người ở đây dù sớm dù muộn thì chắc chắn đều biết. Tuy nhiên, độc giả sẽ sớm thấy những gì họ biết chỉ là bề nổi hiện tại của một vùng đất đã qua mấy trăm năm biến động.

Đó là câu chuyện về ngôi chợ Bến Thành nổi tiếng ở trung tâm thành phố, nhưng vị trí đầu tiên của chợ Bến Thành ở đâu thì các nhà nghiên cứu văn hóa đến nay vẫn chưa thể thống nhất, chỉ biết sau bao cuộc bể dâu nó đã hoàn toàn biết mất và những người thật sự biết về sự tồn tại của nó đều đã bị chôn vùi. Đó là câu chuyện về bánh mì, cà phê nổi tiếng của chợ Cũ – bánh mì và cà phê vẫn còn, nhưng dấu vết cuối cùng còn sót lại của chợ Cũ ở đường Tôn Thất Đạm cũng vừa bị xóa sổ khi cuốn sách này ra đời. Đó là hình ảnh hồ Con Rùa hiện là địa điểm tụ tập của giới trẻ nhưng “con rùa” đã biến mất như thế nào thì ít ai biết. Hay con kênh Nhiêu Lộc vẫn yên bình chảy qua thành phố, nhưng nhánh rạch đầu nguồn Nhiêu Lộc ngày xưa thì lại ở rất xa so với ngày nay… 

Dãy tiệm thịt quay bánh mì san sát trên đường Hàm Nghi năm 1966. Ảnh: Thomas W. Johnson.

Và còn rất nhiều câu chuyện nữa được nhà báo Cù Mai Công kể lại bằng một sự kết hợp nhuần nhị giữa tạp bút và biên khảo, đi từ những vết tích còn sót lại, những lời kể của người dân để truy ngược về nguồn gốc và lịch sử của nó. Những vết tích xưa của Gia Định, Sài Gòn vẫn còn đó, vẫn gắn với cuộc sống của người dân thành phố qua bao ngày, nhưng dường như cũng có rất nhiều thứ đã mất đi. Có những người ở lại kể cho chúng ta nghe chuyện xưa, cũng có những người đã ra đi cùng với ký ức một thời mà tác giả đã cố công đi tìm vẫn không được. 

Điểm đặc biệt ở tác phẩm này của Cù Mai Công chính là ông có viết về những thứ đã mất đi, nhưng bằng cách liên kết quá khứ và thực tại, mảnh đất xưa lại một lần như được sống dậy nơi người đọc.

Chiếc cầu Bình Lợi đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn hơn 100 năm trước giờ cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và nhường chỗ cho những chiếc cầu mới hiện đại hơn. Đại lộ cà phê Charner tuy hiện nay đã trở thành phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng vẫn luôn là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn với hàng trăm quán xá hai bên đường nhộn nhịp ngày đêm” – ông viết trong Lời kết

“Dẫu biết rằng ‘cái cũ không đi sao cái mới lại’, nhưng chứng kiến một phần đời của mình mất đi, ai mà không cảm thấy tiếc nuối, huống chi đó là kỷ niệm của nhiều thế hệ”.

Và sau những trang kỷ niệm tiếc nuối, hoài niệm, người đọc khi trở về thực tại càng thấy yêu mảnh đất này hơn, yêu những con người Sài Gòn vẫn còn nét chân chất xưa. Đọc về những điều đã mất, người ta thêm quý trọng và giữ gìn những vết tích còn lại. chẳng hạn một hồ Con Rùa không còn rùa nhưng vẫn mang một nét thiết kế táo bạo và lãng mạn giữa Sài Gòn như thế nào, hay một chợ Bến Thành “đã bao phen long đong, dời đổi, thậm chí có lúc tưởng đã không còn. Nhưng rồi ngôi chợ ấy lại hồi sinh mạnh mẽ… Hơn một thế kỷ… không nhà!”

Phải chăng khi các thế hệ sinh viên sau này biết Sài Gòn đã từng có một “khung trời đại học” và “con đường mộng hoa” lãng mạn và nồng nhiệt như thế, vẫn còn thấp thoáng khi đi dưới hàng cây cổ thụ gần trường ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế, trường Nhân văn ngày nay… họ bỗng cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng bởi một không khí đại học xưa kia.

Nhìn chung, khi gấp trang sách lại, người đọc không khỏi cảm thấy bồi hồi khi những kỉ niệm xưa hòa cùng thực tế mới, cho họ một cái nhìn khác về thành phố mà họ tưởng đã biết rất rõ. Những người dân thành phố vẫn sống tiếp với nhịp sống tấp nập hiện tại, nhưng đâu đó, họ biết vẫn còn một Gia Định để nhớ, một Sài Gòn để thương.

Thanh Trần

You may also like

Leave a Comment