Nào, để tôi kể cho mọi người nghe một câu chuyện.
Tôi có một người bạn. Tối nào cô ấy cũng khóa cửa phòng trước khi đi ngủ từ hồi cấp Hai. Chẳng biết bố mẹ cô nghĩ sao nhưng chỉ cần họ phát hiện cô khóa cửa, sáng hôm sau họ sẽ điên cuồng đập cửa đánh thức cô dậy, kể cả khi ngày hôm sau được nghỉ học thì họ cũng sẽ làm như vậy, tuyệt đối không để cho cô ấy ngủ lười thêm một giây nào.
Nhà cô có ban công, ngoài ban công trồng một số loại cây cảnh. Bố cô ấy sẽ thường ra ban công tưới hoa vào buổi sáng. Có lẽ vì điều này, cô ấy bắt đầu có ý thức khóa cửa bởi vì cô ấy thích ngủ khỏa thân vào mùa hè khi còn học cấp 2. Lúc đó ngực cô ấy đã bắt đầu phát triển. Khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, đột nhiên thấy một người đàn ông đi đi lại lại trong phòng làm cô ấy khá sợ hãi. Nhìn kỹ hơn thì đó là bố cô ấy đang đi lấy nước tưới hoa trong khi cửa phòng ngủ của cô ấy đang mở toang cả ra. Cô ấy lập tức lại cảm thấy rất xấu hổ, và tự hỏi liệu lúc ngủ cô ấy có đắp chăn che người lại hay không nữa. Vừa thẹn vừa giận lại không dám nói ra, cô thầm bực mình sao bố lại không hiểu cô ấy.
Sau đó, cuộc chiến không gian riêng tư kéo dài trong nhiều năm chính thức bắt đầu. Rõ ràng hành động khóa cửa của cô ấy đã khiến cha mẹ cô vô cùng khó chịu. Tiếng đập cửa ầm ầm điên cuồng vào mỗi buổi sáng, những lời buộc tội vô cớ mỗi khi thành tích học tập của cô bị sa sút. Thậm chí có lần cha cô đã đấm vào mặt ngoài của cánh cửa, suýt thì xuyên thủng cả cửa, bắt cô không được đóng cửa lúc làm bài tập. Khỏi phải nói đến đồ đạc cá nhân của cô đều bị lục soát, cuốn nhật ký nằm ngổn ngang trên bàn của bố mẹ. Đến tối, mẹ cô mà thấy trong phòng còn sáng đèn liền đập cửa phòng cô ấy, bắt cô ấy mở cửa ra rồi lao vào khiển trách, mắng nhiếc cô ấy cùng với cha cô.
Chúng tôi đã bị sốc khi cô ấy nói với chúng tôi những điều này. Thực sự là cô ấy chỉ khóa cửa thôi mà! Chẳng biết từ bao giờ khóa cửa phòng ngủ của một người lại là cái gai trong mắt cha mẹ, là thủ phạm của việc học hành sa sút và là gốc rễ của mọi bất hạnh.
Hành động khóa cửa của cô giống như Adam và Eva ăn táo trước mặt Chúa, là một sự thách thức đối với uy quyền của cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ không thể chấp nhận sự thật rằng con cái họ là những cá thể riêng biệt và tách rời khỏi họ trong suốt cuộc đời. Vì vậy, sự giáo dục của nhiều bậc cha mẹ không phải là vun đắp, tôn trọng một cá nhân độc lập mà chỉ xem con cái là sự tiếp nối của chính mình. Bởi vậy, cách giáo dục của họ đã trở thành phương tiện làm mất quyền riêng tư của con cái nhằm thực hiện ý muốn của chính cha mẹ.
Đứa trẻ vừa mới bắt đầu có suy nghĩ sống độc lập thì đã bị cha mẹ chặn đứng. Bạn thử nghĩ xem một đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này sẽ trở thành người như thế nào?
Sau đó, bạn tôi bị suy nhược thần kinh những năm cấp Ba. Ngày nào cô ấy cũng suy sụp tinh thần, học hành mệt mỏi trầm trọng, điểm số tụt dốc không phanh. Cha mẹ vẫn nghĩ đó là vấn đề của cô ấy.
Nhưng vào thời điểm này, một số thay đổi đã xảy ra trong gia đình cô. Bố mẹ cô ấy cuối cùng cũng chấp nhận được việc cô ấy khóa cửa, cũng có thể là do họ không có thời gian để nghĩ về điều đó. Đồng thời, bố mẹ cô ấy cũng đã đưa ra một số quyết định đúng đắn, chẳng hạn như đảm bảo giờ giấc ngủ của cô ấy, vv.
Cuối cùng, cô được nhận vào một trường đại học ở một nơi khác. Dù sao, khi điền vào đơn nguyện vọng, cô ấy thà chết chứ không điền tên một trường đại học gần nhà.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ấy thậm chí còn từ chối trở về quê hương để làm việc. Cô ấy nói rằng khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời cô ấy không phải là khi cô ấy tìm việc với hai ba trăm nhân dân tệ trong túi và phải sống trong một tháng, khi cô ấy sống trong tầng hầm và uống nước có xác gián trong đó, khi đổ bệnh vì tiết kiệm tiền, khi những cơn đau kéo dài từ cấp tính thành mãn tính và tiểu ra máu mới đi khám, không phải khi bị tai nạn gãy xương,… Tất cả đều không phải mà là khi phải về nhà thăm bố mẹ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Có lần mẹ cô bất ngờ chạy tới “thăm” cô mà không báo trước. Cô được mẹ cô, bạn của mẹ cô và dì hàng xóm trước đây đến thăm. Dì hỏi: “Hôm nay mẹ cháu đến thăm, cháu có vui không?”
Cô ấy đã vui đến nỗi bị trầm cảm và phát ban cả người luôn. Đêm đến, mẹ ngủ với cô mà cô chỉ cảm thấy khó thở.
Sau đó, cô ấy chuyển đi và không cho bố mẹ biết địa chỉ của mình. Cho dù bố mẹ có hỏi địa chỉ trong thư từ, cô ấy cũng không nói. Tôi đoán là cô ấy đã thực sự bị dọa hết hồn rồi.
Tôi đã trò chuyện với cô ấy vài ngày trước và hỏi cô ấy dạo này thế nào. Cô cho biết nhờ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của thành phố nên hơn hai năm nay cô không về nhà. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, bố mẹ cô ấy đã cố gắng gọi video cho cô ấy nhưng cô đã cúp máy ngay. Cô nói, mình bất hiếu, chỉ đành chấp nhận thực tế. Là con của bố mẹ, giữa làm người và làm một đứa con có hiếu luôn có sự mâu thuẫn, cô chỉ có thể chọn vế trước, bởi quyền lên tiếng về định nghĩa của chữ hiếu không nằm trong tay cô.
Trên thực tế, khởi đầu câu chuyện vốn dĩ chỉ là khóa cửa phòng. Khi một đứa trẻ muốn khóa cửa, không phải là nó muốn vạch rõ ranh giới với cha mẹ, cũng không phải là chúng đang làm điều gì đó mờ ám. Là cha mẹ, đừng nên thiệp quá nhiều vào ý chí tự lập của con bạn.
Tốt nhất đừng nên phàn nàn thắc mắc tại sao hệ chúng ta thì vẫn như vậy nhưng thế hệ của con lại như thế khác. Nhìn nhận những điều mới lạ với thái độ cởi mở và học hỏi, đồng thời chấp nhận sự thật rằng trẻ đang dần trở nên độc lập về mặt tinh thần.
Hãy nhận thức được sự tiến bộ của thời đại, đừng nghĩ rằng trẻ em ngày nay quá nhạy cảm và phát triển sớm chỉ vì ở độ tuổi đó bạn chưa biết gì. Lối suy nghĩ này thực chất là một kiểu đánh giá phiến diện đối với trẻ em.
Đừng như bạn của tôi, dù có khóa cửa phòng ngủ hay không đi chăng nữa, thì chắc chắn rằng nó đã khóa chặt trái tim cô ấy từ nhiều năm về trước.
Có nên để con gái đang học cấp 2 của tôi khóa cửa đi ngủ không?
134