Kẻ cứng đầu chưa chắc đã là kẻ mạnh.
Trên đời này ai cũng mắc từng mắc sai lầm, thậm chí là ở mức độ thường xuyên. Có những lỗi lầm nho nhỏ thôi, chẳng hạn như chiều nay quên không ghé qua cửa hàng mua sữa. Có những lỗi lầm to hơn một chút, ví dụ như trễ giờ bay khi đi du lịch. Và cũng có những lỗi lầm sẽ gây nên những hậu quả khủng khiếp thay đổi cả đời người, như buộc tội oan cho người khác.
Dĩ nhiên, chẳng ai thích mắc sai lầm. Cái cảm giác phát hiện ra mình đã sai thật khó chịu làm sao. Nhưng điều đáng bàn ở đây là chúng ta phản ứng thế nào với sự thực đó: mẹ bạn không thể pha cà phê sữa vì lỗi của bạn, cả nhà trễ chuyến bay vì bạn quá chủ quan, hay người bạn tố cáo phải ngồi tù 5 năm, rốt cuộc lại là người hoàn toàn vô tội?
Có những người, sẽ rất nhẹ nhàng chấp nhận lỗi sai: “Xin lỗi mẹ, đáng lẽ con phải mua thêm sữa”. Có những người ngầm thừa nhận mình sai, và trả lời một cách ý tứ sao cho đẹp lòng cả đôi bên: “Nhà mình đáng lẽ đã đến sớm hơn nhiều nếu đường không tắc thế. Lần sau rút kinh nghiệm đi sớm hơn nữa vậy”. Nhưng cũng có những người khăng khăng phủ nhận rằng mình đã sai, dẫu cho mọi sự trắng đen rõ ràng: “Cái đếch gì vậy? Họ thả hắn đi vì không có ADN và người khác đến đầu thú sao? Rõ ràng chính mắt tôi thấy hắn lẻn vào mà! Đúng là vớ vẩn!”.
Trong hai trường hợp đầu tiên, bạn hẳn sẽ thấy hình bóng của chính mình và của nhiều người khác, vì đó là hai phản ứng điển hình khi con người chấp nhận rằng mình đã sai. Chúng ta thừa nhận mình có trách nhiệm trong việc này, dù là toàn bộ hay một phần (và đôi khi, là một phần rất, rất nhỏ), nhưng chúng ta không bao giờ phủ định thực tế. Chúng ta không khẳng định sữa vẫn còn trong tủ lạnh, hay cả nhà thực chất không đi muộn. Chúng ta không làm thế.
Nhưng nếu ai cũng như chúng ta, thì xã hội này đã tươi đẹp biết bao! Có những kẻ trên đời sẵn sàng gạt phắt cả thực tế lù lù trước mắt, vì họ không chấp nhận mình sai theo-bất-cứ-lẽ-nào. Tâm lý của họ có vấn đề gì trục trặc chăng? Và tại sao họ luôn giữ trong mình tâm lý đó? Tại sao họ không bao giờ nhận sai?
Câu trả lời nằm ở không gì khác, ngoài chính cái tôi của họ. Thực tế thì một số người vốn có “sức bền tâm lý” kém hơn nhiều so với những người khác. Họ có cái tôi mong manh và tính tự ái rất cao. Những điều này khiến việc phải thừa nhận bản thân đã sai lầm trở thành một lời đe dọa đáng sợ, mà bản ngã của họ không có khả năng chịu đựng. Việc nhận sai sẽ khiến tâm lý họ bị ảnh hưởng nặng nề, và cơ chế phòng thủ có sẵn trong họ sẽ làm mọi cách để điều đó không diễn ra. Nhận thức về thực tại của họ sẽ trở nên méo mó và biến dạng, nhằm giảm tính chất nguy hại của sự việc, và sự thay đổi ấy đồng nghĩa với việc họ không còn thấy mình đang phạm sai lầm.
Kết quả là họ sẽ tự đưa ra những lời biện bạch: “Sáng nay con kiểm tra sữa vẫn còn đủ, nên chắc ai uống hết rồi!”. Dẫu cho lời biện bạch phút chót đó sẽ bị lật tẩy ngay tức khắc, rằng cả ngày chẳng có ai khác ở nhà, thì họ vẫn cứ khăng khăng nó là sự thật và đổ vấy theo kiểu thực-tại-nó-thế. Cứ như thể họ tin rằng có ma lẻn vào nhà, uống hết sữa rồi lại nhẹ nhàng đi ra không một dấu vết vậy.
Trong tình huống buộc tội được nêu phía trên, họ sẽ cam đoan bằng mọi cách rằng mình đã nhận diện đúng người, bất chấp những bằng chứng mang tính khoa học và logic (ở đây là ADN và lời khai đầu thú). Khi phải đối chất, họ sẽ tấn công những người có quan điểm đối lập và bác bỏ tính xác thực của các quan điểm đó bằng những tình huống mâu thuẫn. Chẳng hạn như do phòng thí nghiệm phân tích kết quả sai, hay lời khai của một tên trộm thì không thể có giá trị bằng lời khai của họ, kiểu kiểu như vậy.
Về bản chất, những người không nhận mình sai là những người có tâm lý mong manh hơn người khác. Nhưng quan niệm đó thường rất khó để xã hội chấp nhận, bởi ngoài thực tế, những người như trên hoàn toàn bình thường về thể chất và thậm chí còn bộc lộ quan điểm gay gắt, lấn át người khác – những điều mà chúng ta rất dễ đánh đồng với sức mạnh.
Nhưng sự cứng đầu về tâm lý không thể, và cũng không nên được hiểu như một biểu hiện của sức mạnh. Nó thậm chí còn là một dấu hiệu của sự yếu đuổi, một sự tự vệ bắt buộc phải làm đối với bản thân khi bước đến đường cùng. Thừa nhận mình sai chẳng phải là điều gì vui vẻ, nó đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ về tâm lý và có sự dũng cảm nhất định để đối mặt với lỗi lầm. Tất cả chúng ta đều sẽ trải qua cảm giác ấy, và rồi cũng sẽ sớm nguôi ngoai.
Còn với những người không có khả năng vượt qua điều đó, đối xử với họ như thế nào, tất cả nằm ở quyền của bạn. Nhưng có một sai lầm mà sau khi đọc bài viết này, tôi xin bạn đừng mắc phải: Hãy ngừng nhìn nhận những người không dám thừa nhận lỗi lầm là ghê gớm hay hống hách, vì ẩn bên trong con người họ, là những gì hoàn toàn đối lập: Một tâm hồn rất dễ bị tổn thương.
Theo Psychology Today
Vân Anh (biên dịch)