Có phải rằng việc mọi người “cảm thấy” mặt trời chiếu lên da mình là do cơ thể đang phản ứng với bức xạ chứ không phải là cảm giác ấm áp bình thường được truyền bởi dẫn nhiệt hoặc đối lưu?

by admin

Có nhiều cách để giải thích câu hỏi của ông, và đây là một câu hỏi khá hay, nên tôi sẽ cố khám phá một vài khía cạnh xung quanh nó.

Sau cùng thì, tất cả là do tâm trí ông có khả năng tổng hợp nhiều luồng thông tin để tạo nên một trải nghiệm có ý thức.

Ông cảm nhận được ánh sáng mặt trời là do nhiệt bức xạ đang làm ấm bề mặt da của ông và chuyển nó thành nhiệt dẫn. Nhiệt này truyền một khoảng cách rất ngắn đến làm tăng nhiệt độ của những đầu mút thần kinh trên da ông.

Mặc dù ánh sáng mặt trời ngay lập tức truyền nhiệt lên da của ông, nhưng ông sẽ không cảm nhận được điều này trong chốc lát – từ một phần giây đến một vài giây, tùy vào cường độ ánh sáng – bởi vì da ông cần một khoảng thời gian nhất định để tăng nhiệt độ. Lượng nước trong cơ thể ông khiến cho nhiệt truyền đi khá nhanh. Những đầu mút thần kinh chỉ có thể cảm nhiệt bằng một chiều; tất cả những gì chúng phát hiện là nhiệt độ của chúng đang tăng lên. Nên tôi sẽ khẳng định rằng cuối cùng thì tất cả những gì ông cảm nhận luôn là nhiệt dẫn.

Tôi không nghĩ là cơ thể ông có thể cảm nhận sự khác nhau giữa nhiệt dẫn, nhiệt đối lưu và nhiệt bức xạ nếu ông không có chút nhận thức nào về bối cảnh (nhiệt độ, sự khô ráo, định hướng, cảm nhận về sự di chuyển của các luồng khí, sự thiếu hoặc ngập trong nước… cho phép não bộ của ông vẽ nên một bức tranh về những gì ông đang cảm nhận).

Bối cảnh có thể ảnh hưởng đến nhận thức của ông một cách mạnh mẽ, và đó cũng là lí do con người có thể gặp ảo giác. Những thông tin giác quan đầu vào đó có thể giúp ông hiểu tường tận về những gì ông đang cảm thấy, đặc biệt là khi ông đã quá quen thuộc với trải nghiệm đó. Sự hiểu biết đó của ông có thể đúng hoặc sai, nhưng đó là tất cả những gì ông có.

Trong cường độ ánh sáng mạnh hơn, ông còn có thể có cảm giác da mình bắt đầu đổ mồ hôi khi mạch máu của ông giãn ra để truyền nhiệt đi. Tiếp xúc với tia cực tím cũng có thể kích thích giải phóng histamine cũng như những chất hóa học khác, khiến ông có cảm giác râm ran như bị kim chích hoặc ngứa ngáy; và cả endorphins, thứ ông có thể cảm nhận trong toàn bộ cơ thể mình và đem lại cảm giác bình tĩnh lẫn hưng phấn.

Và đương nhiên ông cũng có thể bị cháy nắng.

Ông chẳng thể cảm nhận được tia cực tím từ ánh sáng mặt trời – con người có thể bị cháy nắng kể cả khi trời lạnh hoặc là ở dưới nước mà không cảm nhận được chút nhiệt nào. Ông cũng không cảm nhận được sự khác biệt trong nhiệt độ của mặt trời cho dù ông đang bôi kem chống nắng hay tia nắng chiếu đến người ông đã đi qua kính chống tia cực tím.

Chỉ một phần trăm nhỏ năng lượng ánh sáng mặt trời phát ra dưới dạng tia cực tím gây hại, nhưng không may là những hạt phôtôn lại mạnh đến mức chúng có thể phá vỡ một vài phân tử dễ vỡ hơn những phân tử mà chúng tấn công, bao gồm DNA. Một số trong những phân tử đã vỡ tác động trở lại và phá vỡ những phân tử khác, hoặc là DNA. Tất cả mọi thứ tôi vừa kể trên đều diễn ra ở cấp độ nội bào nên ông sẽ không cảm nhận được.

Ông sẽ không biết mình bị cháy nắng cho đến khi hệ thống miễn dịch của ông cảm nhận được những tế bào tổn thương, và bắt đầu phá hủy chúng để giảm thiểu khả năng ông mắc ung thư, đồng thời những tế bào bạch cầu sẽ tiêu diệt những tế bào đã chết. Mạch máu của ông sẽ sưng lên và huy động những tế bào bạch cầu đến vùng da cháy nắng khiến cho nó đỏ ửng lên. Đó là quá trình gây viêm, và vì một vài lí do mà khoa học chưa thể hoàn toàn hiểu được, viêm làm tăng sự nhạy cảm của cơn đau và có thể khiến ông cảm thấy đau dù chỉ với một cái chạm nhẹ.

____________________

Dịch bởi Truong Minh Chau

You may also like

Leave a Comment