CUỘC ĐỜI ĐẦY THĂNG TRẦM VÀ NƯỚC MẮT CỦA NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

by admin

CUỘC ĐỜI ĐẦY THĂNG TRẦM VÀ NƯỚC MẮT CỦA NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

Trước khi trở thành Hoàng hậu Nam Phương, Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái thứ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Bà còn có tên theo Pháp tịch là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. Không chỉ thông minh, Nguyễn Hữu Thị Lan còn có vóc dáng cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường, là hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Bà là một trong những hoàng hậu nổi tiếng bậc nhất lịch sử vì thời gian sống rất gần với thời đại của chúng và cuộc đời gian truân đầy ắp thăng trầm của mình.

Sinh ra trong một gia đình giàu có, cuộc sống của thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan diễn ra trong sự sung sướng và đủ đầy, trải qua thời thanh xuân êm đềm và mơ mộng, và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này trở thành hoàng hậu.

Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan, 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng thuộc loại nhà giàu ở Paris do các nữ tu điều hành. Đây quả thực là cơ hội hiếm có, là điều mong muốn của rất nhiều người khác. Sau khi thi đậu Tú tài vào năm 1932, cô gái miền Nam theo chuyến tàu của hãng Messagerie Maritime trở về nước. Trên chiếc tàu này cũng có ông vua Việt Nam hồi loan sau khi hoàn tất việc học, đó là vua Bảo Đại.

Xinh đẹp, giàu có những tưởng cuộc đời bà sẽ toàn màu hồng nhưng một sự thật phũ phàng, bà chỉ là 1 quân cờ “vip” mà Pháp cất công tạo dựng và đồng hóa. Các cụ vẫn luôn nói “Hồng nhan bạc mệnh” và có lẽ câu nói này đã ứng nghiệm lên bà. Liệu có phải bà đã có một tuổi thơ hạnh phúc thì phải trả lại bằng cả tương lai đau khổ hay không?

Vợ chồng cựu Khâm sức Charles vốn đã quen biết với gia đình họ Lê Phát An (ông ngoại Nam Phương) từ khi còn ở Nam bộ nên đã ngỏ ý để người cháu gái là cô nữ sinh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào là con của gia đình cự phú Nguyễn Hữu Hào sẽ làm vợ của Bảo Đại.

Nhắc đến cuộc nhân duyên với Hoàng hậu Nam Phương, cựu hoàng Bảo Đại đã ghi lại trong cuốn CON RỒNG AN NAM:

“Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam . Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.

Dù có ý ngăn trở, tuy nhiên triều đình và bà Từ Cung lúc đó không còn cách nào khác là chấp thuận để Bảo Đại lấy Nguyễn Hữu Thị Lan. Lễ cưới diễn ra ngày 20/3/1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi, lễ cưới của Nguyễn Hữu Thị Lan và hoàng đế Bảo Đại diễn ra tại điện Kiến Trung trong Hoàng thành Huế, và khác với 11 hoàng hậu triều Nguyễn trước đó chỉ được phong hoàng hậu sau khi đã qua đời (truy phong), trừ Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (chính thất của vua Gia Long), lễ tấn phong hoàng hậu diễn ra ngay hôm sau tại điện Dưỡng Tâm, cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành “Nam Phương Hoàng hậu”, mỹ danh này do Phạm Quỳnh – quan đại thần triều Nguyễn đặt với ý nghĩa “hương thơm từ phía Nam”.

Trở thành vợ của vua một nước với danh hiệu Nam Phương Hoàng hậu, cuộc đời Nguyễn Hữu Thị Lan đã bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác, có đầy danh vọng lẫn quyền lực nhưng hóa ra lại đau khổ và cô đơn cho đến tận những năm tháng cuối đời. Cuộc đời bà như là một bản nhạc trầm bổng nhưng là một bản nhạc buồn, buồn một cách da diết, bà sống bằng những hi vọng, nuối tiếc thì cũng chết bằng những hi vọng, nuối tiếc. Vua Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng, thà rằng Bảo Đại và Nam Phương chưa từng yêu nhau có lẽ sẽ bớt đau khổ đi. Khi Bảo Đại ngoại tình dan díu ngoài kia, ngoại tình như một tín hiệu đổ vỡ trong mối quan hệ của 2 người, đẩy họ ngày càng xa nhau. Quyết định lấy Bảo Đại liệu có phải một quyết định đúng đắn không?

Dẫu vậy, bà Nam Phương vẫn luôn một lòng một dạ chăm sóc con cái và thủy chung với chồng, không hề than trách nửa lời, không chỉ xứng đáng là một người vợ, người mẹ hoàn hảo mà còn xứng là một bậc mẫu nghi trong thiên hạ.

Gần 10 năm đầu của cuộc hôn nhân bà chỉ làm đi làm lại việc mang bầu và sinh con. Liệu rằng sống trong cái lồng “Tử Cấm Thành” bà đã bao giờ cảm thấy tẻ nhạt và buồn chán không?

Rồi lần lượt 5 người con của Hoàng hậu ra đời:

-Thái tử Bảo Long, sinh ngày 4-1-1936.

-Công chúa Phương Mai, sinh ngày 1-8-1937.

-Công chúa Phương Liên, sinh ngày 3-11-1938.

-Công chúa Phương Dung, sinh ngày 5-2-1942.

-Hoàng tử Bảo Thắng, sinh ngày 9-12-1943.

5 đứa con xuất hiện trong cuộc đời bà như một niềm an ủi duy nhất cho sự đánh đổi đầy may rủi.

Thật sự bà có yêu Bảo Đại hay không? Một người con gái tiếp nhận văn hóa Tây phương từ nhỏ ắt sẽ không giống những cô gái Việt thuần phác, cam chịu mà sẽ đấu tranh hết mình cho tình yêu và sẵn sàng trả bất cứ cái giá nào vì nó, 2 người ít ra cũng đã từng thực sự thuộc về nhau, chí ít ra bà vẫn còn biết vị ngọt của tình yêu là như thế nào.

Năm 1945, Hoàng đế thoái vị, Hoàng hậu vẫn luôn lo lắng và gửi tiền nuôi Bảo Đại. Sinh ra vào lúc chuyển giao quyền lực thật sự chẳng sung sướng gì mà phải chịu biết bao tủi nhục, cay đắng.

Đầu năm 1947, bà cùng các con lên đường sang Pháp. Việc quyết tâm dứt bỏ mọi thứ, từ bỏ quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới. Bà chẳng còn gì ngoài con. Ngôi vị hoàng hậu đã mất, người bà yêu thương cũng bỏ bà ra đi.

Năm 1949, Bảo Đại trở về Việt Nam ngồi ghế “Quốc trưởng”, bà Nam Phương vẫn ở bên Pháp, cũng có những lúc Bảo Đại về Pháp, bà Nam Phương cùng đi với Bảo Đại tới Casino để xem ông chơi baccarat, hoặc roulette cho vui…. Có lẽ vì cuộc đời của bà buồn nhiều hơn vui nên bà đã chọn màu tím chăng?

Sau năm 1955, Bảo Đại trở thành phế đế nên ông buồn bỏ nhà đi giang hồ và để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy người con. Khi đó các con bà đã lớn, mỗi người đi làm một nơi. Những năm sau này bà Nam Phương rời lâu đài Thorenc ở Cannes để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac thuộc vùng Trung Tây nước Pháp, nơi này có một trang trại lớn của riêng bà Nam Phương mà trước đây gia đình bà (ông bà Nguyễn Hữu Hào) đã tậu cho. Nhà của bà ở cách biệt với những nhà dân ở vùng này, vì là làng quê nên mọi người ít có dịp giao thiệp với nhau, tách biệt với cuộc sống phồn hoa tấp nập.

Mỗi ngày trôi qua rất bình yên trong cuộc đời bà. Dù ly thân với Bảo Đại nhưng bà cũng chưa từng đi chơi hay gặp bất kì người đàn ông nào khác. Càng về cuối đời, khi con cái đã trưởng thành, chúng cùng Bảo Đại đã dời đi làm ăn xa. Sự cô đơn đã bủa vây lấy bà, một sự cô đơn cùng cực khi không còn người thân nào ở bên.

Ngày 14 tháng 9 năm 1963, sau khi ra nắng bị cảm lại đi tắm bà bị sốt cao, vì bệnh viện ở xa, bác sĩ không tới kịp nên bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều. Lúc bà lâm chung ngoài hai người giúp việc không có ai là ruột thịt bên cạnh. Các con bà lúc đó đang đi học hoặc làm việc tại Paris, còn Bảo Đại thì đang sống tại miền Nam nước Pháp. Khi được tin bà Nam Phương tạ thế ông Bảo Đại có trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại ván quý giá nhất của người Pháp để an tang người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức… tới cuối đời không để lại một sự chê trách hay than phiền của mọi người. Ngay cả ông Bảo Đại cũng chưa bao giờ dám trách vợ về việc trai gái. Có lẽ bà Nam Phương được sinh ra trong một gia đình đạo đức nên bà giữ đạo rất nghiêm khắc ngay cả với các con của bà nữa. Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo, và tổ chức rất đơn giản. Đám tang vỏn vẹn chỉ có mặt Bảo Đại, các Hoàng tử, Công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị Tỉnh trưởng và dân biểu địa phương bà Nam Phương cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ. Đặc biệt có sự tham dự của Công chúa Như Lý, là con gái của vua Hàm Nghi. Công chúa Như Lý cũng ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ, nhưng chưa bao giờ khi bà Nam Phương còn sống bà Như Lý tới thăm, mà duy nhất lần này bà Nam Phương tạ thế Công chúa tới dự đám tang.

Bảo Đại có lỗi với bà vì đã đẩy bà đến bước đường hôm nay. Thật buồn cho số phận bà Nam Phương, lúc trẻ thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng. Vậy mà cuối đời bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở cái tuổi còn khá trẻ. Bà Nam Phương Hoàng hậu sinh năm 1914 và mất năm 1963, khi vừa được 49 tuổi. Tuy nhiên, với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình, dù bà Nam Phương Hoàng hậu mất đã lâu nhưng bà vẫn mãi là Hoàng hậu của Việt Nam. Và thực tế, cùng với bà Từ Dụ Thái Hoàng Thái hậu, vợ Vua Thiệu Trị, Nam Phương Hoàng hậu là một trong hai bà được sử sách nhắc đến nhiều và được ca ngợi nhờ nết đoan trang, nhân từ với mọi người, không phân biệt sang giàu và chính kiến, những câu chuyện về cuộc đời của bà sẽ vẫn còn được người đời nhắc tới.

________

Tài liệu tham khảo:

– Con rồng An nam, hồi ký của Bảo Đại, bản Việt ngữ của Nguyễn Phước tộc dịch.

– Chuyên nội cung Cựu hoàng Bảo Đại, Nguyễn Đắc Xuân.

– Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn, Lý Nhân.

– 50 chuyện kỳ thú phương Nam, Hà Đình Nguyên.





You may also like

Leave a Comment