CUỘC SỐNG TẠM BỢ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG LĂNG VUA

by admin

31 hộ dân đang sống trong khuôn viên An Lăng, nơi chôn cất vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân, hơn 40 năm qua.

An Lăng nằm trên đường Duy Tân ở phường An Cựu, TP Huế, là nơi an táng các vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Quần thể rộng gần 6 ha, ngoài lăng vua và hoàng hậu còn có 42 mộ xây của ông hoàng bà chúa cùng 121 mộ đất của con cháu vua Nguyễn.

Sau năm 1975, chính quyền Bình Trị Thiên cũ đã cấp nhà tập thể trong khuôn viên An Lăng cho cán bộ Ty Công nghiệp, Sở Giáo dục tỉnh sinh sống. Hơn 40 năm qua, 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu là cán bộ về hưu của tỉnh Bình Trị Thiên cũ vẫn sống tạm bợ trong khuôn viên lăng.

Nhìn từ trên cao, trong khuôn viên An Lăng là những nhà lợp mái tôn cùng nhà xưởng cũ bỏ hoang. Kể từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993, do không thể sửa chữa nhà cửa, người dân mong muốn được di dời, trả đất cho di tích.

Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn cất trong An Lăng và cũng được thờ ở điện Long Ân. Cuối năm 1945, vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ tại đây. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng vua cha Thành Thái.

Năm 2019, trước tình trạng xuống cấp của An Lăng, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã bắt đầu trùng tu với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, thời gian dự kiến 5 năm. Đến nay, việc trùng tu vẫn chưa hoàn thành.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết do điều kiện lịch sử để lại nên có nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích lăng Dục Đức. Nhiều hộ bày tỏ mong muốn được di dời để trả lại mặt bằng, cảnh quan cho di tích.

“Hiện nay, trung tâm đang thống kê các hộ dân sống trong An Lăng, đề xuất giải pháp di dời khỏi di tích trong thời gian tới”, ông Trung nói.


Theo: Võ Thạnh/VnExpress

You may also like

Leave a Comment