Bài viết này sẽ lý giải vì sao một cô gái luôn né tránh tình yêu? Hoặc cô ấy luôn điên cuồng chạy theo tình yêu một cách mù quáng
Nhiều người có lẽ đã từng nghe thấy từ này, cũng như đem nó ra trêu đùa khi thấy một ai đó vì hành xử của họ, hoặc như, nhiều người tự lấy vấn đề “daddy issue” ra để tìm kiếm lợi ích cho mình. Tuy nhiên, “Daddy issue” không hề đơn giản như vậy, vì ẩn sau nó là nhiều vết thương đau đớn hơn cả.
“Daddy Issues” là những vấn đề liên quan đến bố đã để lại một vết thương trong lòng con cái họ. Mà dịch theo ý mình thì là “vết thương từ bố”. Bạn đọc không nhầm đâu, là những nỗi đau in hằn trong lòng mà người gây ra chính là người mà con gái luôn rất yêu thương và ngưỡng mộ hơn ai hết – người bố. Có những cô gái mà người đàn ông đầu tiên mang đến vết sẹo trong tim họ là người cha mà họ yêu thương nhất.
“Daddy Issues” được biết đến như là hậu quả của một mối quan hệ bố – con bị rạn nứt,hoặc xa cách, nhiều bất đồng và không có sự thấu hiểu; và đây là một vấn đề ảnh hưởng lên nhiều cô gái hơn nhưng không có nghĩa là nó không xảy đến với nam giới. Vấn đề này cũng xuất phát từ những người lớn lên không có bố bên cạnh, hoặc bố mất đi. Những cô bé ấy khi còn nhỏ đã luôn cần sự có mặt của bố một cách tự nguyện, nhưng luôn không có được dễ dàng. Có những người bố luôn bận rộn với công việc, phải thường xuyên đi vắng, và dường như người bố ấy không bao giờ có thời gian rảnh rỗi để đáp ứng mong cầu của cô con gái bé nhỏ ấy.
Theo đó, từ lâu nhà phân tâm học Freud đã nhắc đến sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của người cha lên cô con gái. Ngoài ra, Theo thuyết quan hệ với bản thân (self-in-relation theory) thì sự phát triển ý thức về bản thân có khác biệt giữa hai giới tính nam và nữ (Brown, 2018). Theo thuyết này giải thích thì nam giới ý thức về bản thân một cách chủ động và độc lập thông qua một quá trình tách khỏi những người lớn xung quanh (đầu tiên là tách biệt khỏi vòng tay và sự chăm sóc của mẹ, sau đó là khỏi những người trong gia đình và những người chăm sóc). Tuy nhiên, nữ giới lại có xu hướng xác định danh tính và ý nghĩ của bản thân thông qua mối quan hệ với những người xung quanh. Sự kết nối với người khác là nền tảng cho nữ giới có khái niệm về bản thân mình. Do đó, việc thiếu vắng mối liên kết an toàn giữa cô gái và người cha khiến cô ấy cảm thấy bản thân không hoàn thiện.
Rất nhiều nghiên cứu khác chứng minh việc thiếu vắng người cha trong cuộc sống ảnh hưởng đến con cái. Và sự thiếu vắng này có thể bao gồm: thiếu vắng sự hiện diện, và thiếu vắng tình cảm, sự quan tâm. Ngoài ra, có các nguyên nhân di truyền khiến một người nhạy cảm hơn, dễ căng thẳng hơn và khiến người cha, người mẹ hành xử và chăm dạy con sai cách. Mình sẽ viết về vấn đề này ở bài sau: nỗi đau di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
THIẾU VẮNG HÌNH ẢNH VÀ SỰ GẦN GŨI VỚI BỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON GÁI NHƯ THẾ NÀO?
2 nghiên cứu tìm ra rằng việc thiếu vắng sự quan tâm của người cha có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của bé gái và có thể khiến cô bé có kết quả học tập kém hơn (Adams và các đồng sự, 1984). Ngoài ra những cô gái có cha bên cạnh quan tâm cũng sẽ có thái độ và khả năng tích cực hơn ở môi trường học tập và trường lớp nói chung.
TRONG TÌNH YÊU VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ
Theo nghiên cứu từ Krohn và Bogan (2001) những bất lợi trong tình cảm của một cô gái thiếu vắng cha có thể xảy ra theo 2 kiểu:
1.Cô ấy hoàn toàn tránh né đàn ông hoặc tỏ ra xa cách vì cô không biết cách tương tác với người khác giới – khái niệm này được chứng minh bởi Thuyết Gắn Bó của John Bowlby về tác động của mối liên kết với bố mẹ từ nhỏ ảnh hưởng đến mối quan hệ khi trưởng thành của một người. Theo đó, cô gái với kiểu gắn bó tránh né, cảm thấy không an toàn trong mối liên kết với bố mẹ vì lúc nhỏ thiếu vắng sự đáp ứng nhu cầu từ họ, nên khi trưởng thành , cô sẽ tránh việc thiết lập các mối quan hệ với người khác và cho rằng tình cảm nam nữ sẽ không đáp ứng được nhu cầu gì của mình (Jeong và các đồng sự, 2017). Đối với nhiều cô gái, họ tránh hoàn toàn các mối quan hệ với đàn ông.
2. Cô gái ấy luôn tìm kiếm sự chú ý và chấp nhận từ một người đàn ông, luôn chạy theo tình yêu khi trưởng thành (Krohn & Bogan, 2001). Theo đó, cô gái này mang mối liên kết lo âu và thiếu an toàn với bố mẹ khi còn nhỏ, họ không cảm thấy sự nhất quán trong tình yêu thương, và thiếu sự tin tưởng vào gia đình. Vì thế, cô ấy có xu hướng tìm kiếm sự trấn an từ người khác. Thậm chí cô ấy có thể tìm kiếm tình cảm và sự vuốt ve an toàn từ người đàn ông này đến người khác. Sự miệt mài tìm kiếm này xuất phát từ mong muốn được một người đàn ông nào đó chấp nhận, vì cô chưa bao giờ tìm thấy sự chấp nhận ấy ở cha mình (Krohn & Bogan, 2001).
Thậm chí việc giao thiệp quá sớm và thiếu an toàn với nhiều người đàn ông nhưng thiếu đi ý thức về sự an toàn trong quan hệ giới tính có thể gây ra hậu quả nặng nề. Trong đó có thể thấy nhiều cô gái thiếu đi sự quan tâm và hình mẫu của người bố dễ mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên hơn những cô gái nhận được sự quan tâm đầy đủ từ người cha (Ellis và đồng sự, 2003).
Việc lớn lên bên cạnh bố và nhận được sự dạy dỗ của ông về hình mẫu của một người đàn ông, hay xem cách bố hành xử với con gái và những người phụ nữ khác, sẽ giúp cô gái có khả năng phán xét hành vi nào của người đàn ông là đúng và sai. Là điều gì khiến một người đàn ông tốt, và điều gì nên tránh xa ở 1 người bạn trai ở tuổi trưởng thành.
Việc biết được hình mẫu người đàn ông xấu hay tốt từ trước sẽ giúp cô gái có cách xử lý mối quan hệ với những người họ gặp trong tương lai. Nếu thiếu đi hình mẫu đó, cô ấy sẽ ít có sự đánh giá về các hành động của một người đàn ông, họ không hiểu thế nào là hành vi tôn trọng và yêu thương mình, từ đó dễ dàng rơi vào lưới tình với những người đàn ông mà cô nhận định như “một hình mẫu khác của bố mình” – một người mang lại cho cô cảm giác xa cách và thiếu an toàn.
Vậy những dấu hiệu nào để nhận ra một người có “Daddy Issues” trong cuộc sống?
1. Một cô gái có lòng tự trọng thấp và luôn muốn làm hài lòng người khác. Luôn mang theo nỗi sợ hãi bị bỏ rơi.
Có thể người bố luôn có mặt trong cuộc sống, nhưng lại không đáp ứng đủ tình yêu và sự dỗ dành đúng lúc khi bé gái cần. Lớn lên, hậu quả của việc này chính là cô gái không biết giá trị của bản thân mình, vì không có ai dạy cô thế nào là được tôn trọng yêu thương, không dạy cô thế nào là xấu và phải tránh xa.
2. Một cô gái luôn luôn không tin tưởng người khác, dù yêu thương ai đó rất nhiều nhưng vẫn luôn nghi ngờ họ
Ở “Daddy Issues”. người bố trong cuộc sống của bé gái chưa bao giờ bày tỏ một câu nói hay một hành động nào đúng lúc để cô bé có thể tin tưởng. Hoặc người bố đã từng không có mặt một thời gian khi cô con gái cần. Việc này khiến cô bé lớn lên học được rằng: không bao giờ tin tưởng đàn ông, vì chính người đàn ông mà cô yêu thương nhất đã làm cô mất đi niềm tin.
3. Dễ dàng hẹn hò với một người đàn ông lớn hơn rất nhiều tuổi để tìm kiếm hình ảnh của người bố trong vô thức. Ví dụ như: cô ấy tìm kiếm một người đàn ông lớn tuổi hơn để có thể bảo vệ và che chở cho cô ấy. Cô ấy khao khát tình cảm và sự che chở ấy nhưng chưa bao giờ nhận được. Thậm chí cô ấy sẽ rơi vào vòng tay của những người giàu có, tự tin, hào nhoáng và có vẻ thích kiểm soát.
4. Sợ hãi việc cô đơn, hay ở một mình. Họ có thể vì sợ cô đơn và cảm giác phải đối diện với “nỗi đau nguyên bản” của chính mình mà chọn cách “nước mắt em lau bằng tình yêu mới”. Họ thay người yêu như thay áo, thậm chí không kịp để trái tim kịp “nghỉ giải lao” sau một cuộc tình, vì họ sợ cảm giác phải ở một mình. Những cô gái mang daddy issues sẽ dễ dàng tìm kiếm một mối quan hệ không lành mạnh như mối quan hệ của cô và người bố trong quá khứ.
Một cô gái luôn sợ hãi bị bỏ rơi, luôn dễ dàng ghen tị đến mức không kiềm chế được nếu nhìn thấy người yêu của mình nói chuyện hay lại gần những cô gái khác.Họ sẽ dễ dàng thấy lo lắng sợ hãi, dù cho cô gái khác đó chỉ là một người bạn bình thường. Họ sẽ lo lắng rằng người yêu của họ sẽ dễ dàng rời bỏ họ để theo người khác. Những giọng nói trong đầu, những lời dằn vặt và những ký ức, những cảm xúc cũ liên quan đến người bố trong quá khứ, trong tiềm thức của họ sẽ liên tục nói với họ rằng: bạn không đủ tốt, bạn không được ai yêu thương nên bạn sẽ dễ dàng bị bỏ rơi.
5. Họ có thể bị nghiện có được sự chú ý từ những người con trai khác, dù cho người đó không phải là người yêu của họ.
6. Luôn cố gắng trở nên hoàn hảo để được bố công nhận và dành sự chú ý cho mình, thậm chí trở thành một người mà bản thân không hề mong muốn, làm những việc mà bản thân không hề yêu thích. Mục đích chỉ để tìm kiếm tình yêu mà họ thiếu vắng và mong cầu có được từ bố. Trong lòng họ luôn luôn có một khoảng trống sâu thăm thẳm không bao giờ giải thích được.
7. Lạ.m dụ.ng chấ.t kíc.h thíc.h (Jurich, Poison, Jurich, & Bates, 1985);
6. Dễ mắc các chứng liên quan đến rối loạn ăn uống và các vấn đề rối loạn tâm thần s (Kog & Vandereycken, 1985);
“When a girl’s father leaves home, at whatever time in her life and for whatever reasons, he sends the message, loud and clear, that she is not worth staying for. She was bad, not pretty enough, demanded too much, destroyed by mere virtue of her existence, (p. 3)” [Allen, Linda Taylor. Saint Louis University. ProQuest Dissertations Publishing, 1998. 9911916.]
“Khi người cha bước ra khỏi thềm cửa một cách khó lí giải, cho dù là bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của cô bé, và vì bất cứ lí do gì.
Thì lời nhắn mà cô bé nhận được từ hành động đó có lẽ là “cô bé không đáng để bố ở lại với mình”. Rằng cô bé không đủ xinh đẹp ,không đủ ngoan ngoãn, đòi hỏi quá nhiều và có lẽ bố không muốn ở lại vì sự tồn tại của cô bé.”
Tuy nhiều lần thử vẫy vùng và thậm chí là khóc lóc hay giận dỗi với bố vẫn không được chú ý, thậm chí đứa bé còn bị chỉ trích rằng mình là một cô con gái không hiểu chuyện và phiền phức. Cô bé có thể trở thành hình mẫu số 1 – né tránh các mối quan hệ để không rơi vào cảm giác “cần” hay mong muốn sự quan tâm từ một ai đó; để bảo vệ bản thân khỏi việc trở nên “phiền phức” . Cô sẽ không muốn mở lòng, cho dù có yêu đương cũng khó yêu sâu đậm mà chỉ có thể thờ ơ, sơ sài. Cô không biết làm thế nào để mở cửa trái tim và đón nhận, tin tưởng một người con trai.
Kết quả của việc này có thể theo hướng thứ 2, chính là cô con gái lớn lên có thể sẽ theo xu hướng luôn chạy theo tình yêu để tìm kiếm hình ảnh của bố mình ở những người con trai khác, và thường những cô con gái này sẽ dễ yêu những người đàn ông lớn tuổi hơn mình rất nhiều.
Với những cô bé này khi trưởng thành, nhắc đến bố mình khiến họ cảm nhận được một tình yêu to lớn không thể diễn tả, nhưng lại trộn lẫn với những cảm xúc đau nhói. Họ không bao giờ dám đọc tên cảm xúc đau khổ ấy là trách móc bố, tuy nhiên, trong tiềm thức họ thực sự mong ước rằng bố có thể đối xử với mình tốt hơn và chăm sóc mình tận tâm.
Những vết thương này thực ra là những nỗi đau về cảm xúc và tinh thần, khi mà một người con gái trong quá trình lớn lên từng có những cảm xúc vừa yêu vừa ghét, vừa ngưỡng mộ vừa trách móc người bố của mình.
Có thể vì người bố đó không hiểu cô, luôn trách móc đánh đập hoặc một người bố luôn bận rộn, không có thời gian quan tâm đến cảm xúc của con gái. Đây là cảm giác khiến bé gái lớn lên luôn tự chán ghét chính mình vì nghĩ rằng:” Ngay cả bố mà còn không quan tâm và yêu thương mình, thì mình làm gì xứng đáng và có giá trị để được ai yêu thương? “
Cách người bố đối xử và nuôi dưỡng con gái sẽ tạo nên tính cách và suy nghĩ của cô gái đó khi trưởng thành. Một người bố tỏ ra ủng hộ, chăm sóc, bảo vệ, đưa ra lời khuyên, đưa ra những lời dạy khiến con gái có thêm sức mạnh, thấy rằng mình được quan tâm, mình có giá trị và mình xứng đáng được hạnh phúc.
Một cô gái được xem là “con gái cưng” của bố và luôn được chiều chuộng, dạy dỗ, nâng niu sẽ tìm kiếm một chàng trai cũng đối xử với cô ấy một cách nhẹ nhàng, vô điều kiện như thế. Vì cô ấy đã trải qua cảm giác thế nào là lành mạnh và hạnh phúc, cô ấy dễ dàng phân biệt được thế nào là không tốt, không vui vẻ. Tuy nhiên, thiếu đi những điều đó, cô bé đó lớn lên sẽ thấy lạc lõng và luôn thấy khó khăn trong việc yêu lấy chính mình. Từ đó, dễ dàng nhầm lẫn giữa sự kiểm soát, bạ.o lực, cưỡng chế, coi thường, lợi dụng – là tình yêu!
Như lời bài hát “Daddy Issues” của ca sĩ nổi tiếng Demi Lovato có những đoạn như thế này:
“ Em gọi anh liên hồi, nhưng anh không bao giờ bắt máy, trừ khi anh muốn điều gì đó từ em, nhưng em không thể dừng lại việc tìm đến anh. Bởi anh là người đàn ông mà em luôn ao ước, VÌ ANH BIẾT CÁCH RỜI BỎ EM. Nhưng em tin rằng anh sẽ vì em mà thay đổi.
Em luôn luôn quấy nhiễu anh, dễ dàng nổi nóng và trao đi quá nhiều. Bởi vì anh luôn không có mặt, khiến em không thể kiềm chế được cảm xúc mà đuổi theo anh.
Anh thật là may mắn, bất cứ cái gì anh muốn từ em, bất kể khi nào anh cần từ em, anh sẽ đều có được nó.
Vì em là một cô gái có vết thương từ bố!”
Cô gái trong lời bài hát yêu đương điên cuồng một chàng trai vì người đó như phản chiếu hình ảnh của bố cô, hình ảnh của một người đàn ông luôn luôn không có mặt khi cô cần, một người đàn ông luôn biết cách bỏ rơi cảm xúc của cô như bố cô đã từng làm. Một người đàn ông không bao giờ đưa được cho cô những thứ cô tìm kiếm.
Cô gái bị tước đi quyền được đón nhận tình cảm và sự quan tâm của người bố sẽ dễ dàng phát triển một khái niệm kém về định nghĩa và giá trị của bản thân. Từ đó cô gái có thể mang theo hội chứng “father hunger” – sự “đói kém” tình cảm và ham muốn sự quan tâm từ người cha (Fraiberg (1959). Theo Maine (1991) việc xác định ý niệm về bản thân một cách yếu kém có thể gây ra việc nghi ngờ bản thân, có cảm giác đau đớn và rối loạn lo âu hay trầm cảm, cũng như ảnh hưởng đến việc học và các vấn đề liên quan đến rối loạn hành vi. Các nghiên cứu lâm sàng đối với những đứa trẻ thiếu vắng người cha cho thấy rằng đây là một trải nghiệm phổ biến ở phương Tây, thông qua các hành vi như tự huỷ hoại bản thân (Bradshaw, 1988; Herzog, 1982; Maine, 1991). Thậm chí ở những thời điểm mà chiến tranh, mất mát khi xưa, xã hội đã từng trải qua một “dịch bệnh father hunger”. (Taylor, 1998).
Thậm chí có những cô gái buông thả cơ thể mình, luôn đến gần và cho phép nhiều người con trai chạm vào mình chỉ vì cô muốn làm tất cả mọi thứ chỉ để có được tình yêu, để có được cảm giác ai đó cần mình. Cái cảm giác được tồn tại mà cô luôn chạy theo từ bé. Cho nên dù biết những người con trai đó chỉ đến lúc buồn chán và bỏ đi lúc vui vẻ, thì cô vẫn cảm thấy hạnh phúc ở khoảnh khắc đó vì họ cảm thấy mình được chấp nhận bởi một người đàn ông, được bảo vệ bởi sự có mặt của một người con trai. Một hình mẫu của bố. Cho nên dù liên tục bị bỏ rơi hay bị coi thường, họ vẫn liên tục tìm kiếm và rơi vào vòng tay của người đàn ông này đến người đàn ông khác. Chỉ vì họ cần cảm giác được bảo vệ và chấp nhận.
Khi chúng ta còn nhỏ bé, chúng ta luôn cần sự bảo vệ và sự chú ý từ bố mẹ để hiểu được thế giới này vận hành như thế nào. Nếu như những kí ức lưu giữ trong bạn là những tiêu cực, thì bạn sẽ dễ dàng nhìn cuộc đời qua một lăng kính tối đen, tuyệt vọng. Đây là một vấn đề xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, khắp mọi gia đình từ trung lưu đến khó khăn, từ những ông bố phương Tây cho đến những ông bố Á Đông.
Chuyện này ngỡ như là chuyện xảy ra bình thường trong gia đình, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và cảm xúc của con gái khi lớn lên và bước vào các mối quan hệ xã hội. Hiểu được vấn đề này không phải để trách móc bố hay gia đình, mà chính là hiểu được vì sao các cô gái từ gia đình như thế này luôn hành động một cách thiếu sáng suốt. Từ đó có thể thấu hiểu chính mình và chấp nhận những thứ không thể thay đổi, để tha thứ và yêu thương chính mình nhiều hơn.
Một lần nữa, bài viết này không nhằm ngụy biện hay bênh vực bất cứ ai.
Nếu như bạn nhìn thấy chính mình hay những bạn gái xung quanh có những hành vi kể trên, xin đừng phán xét và đánh giá họ. Vì ai cũng có nỗi đau riêng, nếu không giúp đỡ được thì đừng xát muối thêm vào tim người khác.
Nếu bạn nhìn thấy mình ở bài viết, hãy bắt đầu tự chữa lành bản thân mình bằng cách suy nghĩ về những nỗi đau ấy và cảm thông cho cô bé bên trong bạn lúc nhỏ. Dùng suy nghĩ của một người lớn hiện tại để xoa dịu đứa trẻ ấy, bố của bạn có thể không đáp ứng được tình cảm khi bạn cần nhưng họ luôn yêu thương bạn theo cách này hay cách khác. Vì bố không biết cách thể hiện tình yêu, vì quá nhiều áp lực trong cuộc sống nên mới không có nhiều thấu hiểu và thời gian để khuyên dạy bạn yêu quý bản thân. Đừng để nỗi đau thời thơ ấu cướp đi sự bình yên của hiện tại. Đừng đánh mất những gì bạn đang có để chạy theo những thứ đã mất đi.
Và những nỗi đau thời thơ ấu luôn có thể chữa lành. Một người từng mang nỗi đau từ các gắn bó thiếu an toàn thời quá khứ vẫn có thể tìm kiếm cho mình một mối gắn kết lành mạnh trong tương lai nếu như nhận ra được nỗi đau và vấn đề của chính mình nằm ở đâu. Dù quá trình đó sẽ rất dài và có thể gây đau đớn vì họ phải tự chạm vào vết thương còn rỉ máu của chính mình. Nhưng nó không kéo dài mãi mãi.
Nếu như cảm thấy nó quá khó để thay đổi và chịu đựng, hãy tìm đến những nhà trị liệu tâm lý hay các trung tâm tư vấn để được thấu hiểu và trị liệu.
(st)
——-