Uci Bài viết được đăng tải trên tạp chí L’Officiel của La Quốc Bảo 03.03.2023
Nữ diễn viên, ca sĩ Nong Poy (tên thật: Treechada Petcharat), được mệnh danh là Hoa hậu chuyển giới đẹp nhất Thái Lan, đã chính thức kết duyên vợ chồng với doanh nhân Oak Phakwa là thiếu gia thừa kế của dòng họ Hongsyok – một trong những gia tộc người Peranakan quyền lực nhất Phuket, Thái Lan. Hôn lễ đã cử hành long trọng theo lối truyền thống của gia đình chồng, từ các nghi lễ đến y trang đều mang đậm phong cách của người Peranakan Hoa kiều tại nam Thái Lan vào 1/3/2023 vừa qua. Đây là sự kiện nóng sốt vì quá đỗi đặc biệt theo nhiều phương diện. Thứ nhất là thân thế nhân vật: một bên là ngọc nữ làng giải trí, một bên là thiếu gia nhà tài phiệt. Thứ hai là tính Di sản Văn hóa Peranakan độc đáo, như một vì sao bừng sáng giữa các lễ cưới theo kiểu Tây đang chiếm sóng truyền thông của các nghệ sĩ khác.
Ngược dòng lịch sử, người Hoa Peranakan (Straits Chinese) là hậu duệ của những nam nhân xuôi buồm từ Trung Quốc đại lục đến xứ Nam Dương (ngày nay là Malaysia, Singapore, Indonesia) và nam Thái Lan vào thế kỷ 16-17 để lập nghiệp và kết hôn với những phụ nữ bản địa, hình thành một nền văn hoá “dung hợp” độc đáo. Do phần lớn là thương nhân với trí thông minh và tài quảng giao thiên phú, họ đã tận dụng để tạo cho mình nền móng tài chính, xã hội vững chãi xuyên suốt thời kì các vùng này nằm dưới sự đô hộ của Thực dân. Người Peranakan tiếp xúc văn hoá Tây Phương, đồng thời thực hành song song các phong tục, tập quán Trung Hoa – Mã Lai nên được xem là tầng lớp tinh hoa của xã hội, bởi họ có thể nói ít nhất 2 ngoại ngữ, lại có của ăn của để, và quyền lực chính trị không hề nhỏ. Người Peranakan còn được biết đến bằng tên gọi phổ biến là Baba Nyonya, với Baba là tiếng gọi tôn kính dành cho đàn ông, và Nyonya có thể hiểu là người phụ nữ ngoại tộc. Tuy nhiên tại Thái Lan xuất hiện biến thể là Baba Yaya, hoặc chỉ đơn thuần là Baba mà thôi. Gia tộc Hongsyok gốc Phúc Kiến của đại thiếu gia Oak Phakwa – chồng Nong Poy, là một điển hình của một gia đình Baba Phuket “kim ngọc mãn đường” truyền đời.
“Phú quý sinh lễ nghĩa” là một giá trị văn hóa gắn liền với cộng đồng người Peranakan, một đám cưới “chính quy” sẽ kéo dài đúng 12 ngày, và tùy từng khu vực (Phuket, Penang, Malacca, Singapore, Indonesia) sẽ có những đặc trưng riêng biệt trong nghi lễ và thể thức quần áo. Đối với đám cưới của người Peranakan Phuket như Nong Poy, sẽ chịu nhiều sự ảnh hưởng từ khu vực Penang – xưa kia vốn là một trong những vùng đất giàu mạnh nhất của các gia tộc Peranakan ở Mã Lai.
Theo các nguồn tin ngày hôm nay, Nong Poy không chỉ là người Hoa mà còn mang dòng máu Peranakan, môn đăng hộ đối nhà chồng. Tân lang Oak Phakwa Hongsyok diện bộ vest lịch lãm, cài khuy bintang bằng vàng khảm kim cương theo lối Tây phương. Ngược lại, tân nương Treechada Petcharat có thể nói là dát vàng từ đầu đến chân, xấp xỉ 5 kg vàng, đúng như triết lý của một gia đình Peranakan xưa: vàng, thật nhiều vàng. Cô vận trên mình bộ lễ phục mang tên “Baju panjang” với các chi tiết dày đặc hình hoa sen bằng kĩ thuật “kim sua sar” – tức thêu kim tuyến, và đính cơ man các hạt kim sa cũng bằng vàng lộng lẫy.
Các cửa tay và cổ áo tân nương cũng được viền lông trắng, mà theo nguyên bản sẽ là lông thỏ, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở trong quan niệm của người Peranakan – một chi tiết thú vị mà người Peranakan ở Phuket đã du nhập từ Penang. Cô dâu Nong Poy còn kiêu sa đeo nhiều nhẫn, vòng cổ, lắc tay bằng vàng và ngọc thạch đủ kiểu. Tất cả là trân bảo gia truyền từ bà và mẹ, cũng như hồi môn từ nhà chồng. Sự xa hoa chưa dừng lại, chiếc “vương miện” bằng vàng trên đầu tân nương thật ra được gọi là “Hua kwan”, tức “mão hoa” (hoa quan / 花冠) , được tạo nên từ hàng trăm bông hoa và lò xo bằng vàng thật do các nghệ nhân từ tỉnh Ranong tỉ mẫn suốt 3 tháng trời. Gia đình quyết định giữ bí mật về giá trị của hai món trên nhưng ai cũng biết đó sẽ là một con số không hề nhỏ.
Ngày 2/3/2023 này, đôi uyên ương cũng đã có buổi tiệc rượu thân mật cùng bạn bè và người thân trung khuôn viên dinh thự Hongsyok.
Vậy là nàng hậu chuyển giới đình đám xứ chùa Vàng Nong Poy đã yên bề gia thất ở tuổi 37 với vị hôn phu vốn đã quen biết 20 năm bằng một đám cưới lịch sử. Một kỉ niệm viên mãn cho cả đôi bên, không chỉ trong lòng người hâm mộ mà còn trong lòng những người yêu di sản. Nền văn hóa Peranakan tại Phuket dường như bị lãng quên và ngủ yên thật sâu sau những bức tường xưa, mà ngay cả người Thái Lan cũng có thể chưa biết. Với những nhân vật có tầm ảnh hưởng như Nong Poy, việc cử hành một sự kiện để đời hướng về di sản dân tộc là một điều trân quý vô cùng. Biết đâu rằng sau sự kiện này, người ta sẽ đến Phuket không chỉ vì những bãi biển, mà còn vì những kho tàng văn hóa vẫn đang ẩn mình?
References:
Knapp, R. G. (2013). The Peranakan Chinese home: Art and culture in daily life. Tuttle publishing.
Wee, P. (2011). A Peranakan legacy: The heritage of the Straits Chinese. Marshall Cavendish International Asia Pte Ltd.
Seri, D. (2012). Nyonya Kebaya: A Century of Straits Chinese Costume. Tuttle Publishing.
Ho, W. M. (1987). Straits Chinese Beadwork & Embroidery: A Collector’s Guide. Times Books International.
Chee, E. L. S. (1985). STRAITS CHINESE SILVER: A COLLECTOR’S GUIDE.
Hongsyok Mansion