Phước lành của mỗi con người là được lắng nghe và được bày tỏ lòng mình. Từ lúc sinh ra, hầu hết mọi người đều được ban cho đặc ân đó. Ấy vậy, trên thế gian này vẫn có những người không được hưởng những điều tưởng chừng như lẽ dĩ nhiên như vậy. Những con người ấy chẳng thể nghe, cũng chẳng thể truyền tải ý nghĩ qua lời nói, vậy họ đã giao tiếp được bằng cách nào?
Mất thính lực có thể được gây ra từ những nguyên nhân bẩm sinh hoặc đến từ các tác nhân trong quá trình con người ta trưởng thành. Nguyên nhân bẩm sinh bao gồm việc sinh hoạt không lành mạnh trong thai kì của người mẹ, do gene di truyền hoặc do đầu của thai nhi bị tổn thương từng mức độ. Mất thính lực về sau là do bệnh liên quan tới tai hoặc do yếu tố bên ngoài tác động lên như bị tai nạn, xây xát,… Những đứa trẻ bị điếc trước 2 tuổi sẽ có khả năng bị câm cao hơn là những trẻ bị điếc sau khi đã biết nói, sở dĩ do chúng còn quá bé để có sự nhận thức âm thanh nhằm phát triển kỹ năng phát âm ngôn ngữ của mình.
Những đứa trẻ khiếm thính không thể cảm nhận hay phản ứng được với âm thanh của thế giới xung quanh, mọi thứ chúng nhìn thấy luôn mơ hồ mà không thể hiểu rõ. Thường ngày các trẻ em khiếm thính sẽ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay, chữ viết hay biểu cảm khuôn mặt,… để có thể bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, lần đầu tiên máy trợ thính ra đời đã thắp lên tia hy vọng để những đứa trẻ không may mắn có khả năng nghe, nói được “chạm tới” âm thanh sinh động của cuộc sống. Nhưng không chỉ là ngôn ngữ, điều quan trọng hơn các em cần đó là cảm giác được lắng nghe, thấu cảm, là niềm an ủi để các em tự tin với cuộc sống, có cơ hội tiếp cận tri thức.
Trẻ khiếm thính tuy có hoàn cảnh không được may mắn như bao người, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng học hỏi của mình, họ vẫn có thể trở thành những cá thể có ích, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng như những người bình thường khác. Chúng ta đều biết một nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn thuyết gia nổi tiếng của thế kỷ XX – Helen Keller. Bà chính là tấm gương cho một nghị lực phi thường, có khát vọng sống mãnh liệt mặc dù bị khiếm khuyết từ nhỏ. Từng là con người chán ghét cuộc sống này, nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, sự nỗ lực, kiên trì và đồng cảm rất lớn từ cô giáo Anne và người thân qua từng ngày, bà đã dần thay đổi, bắt đầu học tập, thi đỗ đại học và phát triển sự nghiệp. Helen Keller đã trở thành một trong những người có sức ảnh hưởng tích cực nhất thời đại lúc bấy giờ cho tới nay. Đây là biểu tượng cho một tâm hồn nghị lực vượt qua cả thử thách khó nhất trong cuộc sống: số phận để làm nên kì tích lịch sử.
Như vậy, trẻ câm điếc cũng có những cách thể hiện riêng để bày tỏ tiếng lòng của chúng. Những gì chúng ta cần làm đó là dành cho các em những thông cảm, thấu hiểu, sự tôn trọng và lòng yêu thương để lưu giữ trong lòng chúng là những nụ cười rạng rỡ, những niềm vui trọn vẹn, thắp những tia hy vọng về tương lai tươi đẹp, về sự ấm áp của cuộc sống.