ĐẠT HỌC BỔNG TRÊN ĐẠI HỌC NHỜ PHƯƠNG PHÁP CHI CHÉP KHOA HỌC NÀY

by admin

Đầu tiên, mình luôn muốn nói với các bạn rằng, không phải lên Đại học là sẽ thôi ghi bài. Học ở đâu, học cái gì thì ghi chép luôn là kỹ năng rất quan trọng giúp bạn ghi nhớ lâu và tiến bộ.

1. CHUẨN BỊ DỤNG CỤ GHI CHÉP

Mình chuẩn bị dụng cụ học tập gồm:

+ Tập/vở ghi chép: Hạn chế dùng 1 quyển vở cho 5 – 6 môn học nhé! Thông thường, các môn nhẹ hơn thì mình sẽ chia quyển vở làm 2. Môn thứ nhất ghi ở nửa đầu quyển vở, môn thứ 2 ghi ở nửa sau.

+ Bút dạ: Đây là “vũ khí” rất quan trọng đối với mình luôn. Mình dùng chúng để highlight các tiêu đề, kiến thức quan trọng, từ khóa… Mình thường dùng màu vàng hơn bởi nó làm nổi bật chữ trong vở hơn là màu cam, hồng, xanh (3 màu này làm chìm chữ lắm, tuy nhiên mình vẫn dùng nó để highlight những chỗ khác).

+ Bút mực xanh, đen, đỏ, tím: Nội dung bài giảng mình sẽ ghi bằng mực xanh/đen. Những luận điểm, dẫn chứng quan trọng mình nghe từ lời giảng của giáo viên sẽ ghi bằng mực đỏ/tím.

+ Bút chì, cục tẩy.

+ Một tinh thần hăng hái, tỉnh táo, tập trung cao độ cho việc học (mình không nói điêu đâu, quan trọng lắm nha ^^)

2. XEM TRƯỚC GIÁO TRÌNH ĐỂ HÌNH THÀNH SƠ ĐỒ GHI CHÉP

Mình luôn chuẩn bị bài thật kĩ trước khi đến lớp. Và nó hầu như là thói quen của mình luôn, hôm nào mình dở chứng lười hay gì là thể nào tối đi ngủ, sáng thức dậy là thấy nôn nao lo lắng trong người liền.

Đầu tiên, các bạn cần đọc trước giáo trình, xem thử ngày mai mình sẽ học bài gì. Thông thường, đầu học kỳ, giáo viên sẽ đưa cho các bạn 1 file thông tin về chương trình của môn học, phân chia cụ thể ở mỗi tuần luôn.

Mình sẽ đọc sơ qua kiến thức toàn bộ bài đó và dùng bút chì gạch chân, đánh dấu các khái niệm. Những kiến thức nào mình chưa hiểu, mơ hồ thì mình sẽ đánh dấu “?” thật to ngay bên cạnh. Nếu cuối buổi học ngày mai mình vẫn không hiểu thì sẽ hỏi giáo viên ngay lập tức và ghi chép chúng lại bên cạnh dấu “?” đó.

Sau khi đọc qua giáo trình, mình sẽ ghi ra các mục của bài vào vở để định hình được bài ngày mai gồm có mấy phần, mấy ý nhỏ. Điều này giúp bạn bắt kịp với lời giảng của giáo viên trên lớp và nắm được lộ trình rõ ràng của kiến thức trong bài. Hạn chế việc giáo viên giảng tới mục 3 mà bạn vẫn còn đang “bơi” ở mục 1.

À còn nữa, mình thường sẽ lên mạng tìm đọc trước những dẫn chứng hay, đọc những bài nghiên cứu, bài báo về chủ đề đó để ngày mai có thể giơ tay phát biểu nếu giáo viên hỏi trúng kiến thức mà bạn đã chuẩn bị nè.

3. TIẾN HÀNH GHI CHÉP

Chăm chú nghe giảng và ghi chép là hai hành động song song nhưng không thể tách rời nếu bạn muốn học tốt, nhớ lâu.

Bên cạnh đó, mình còn sử dụng biện pháp Ghi âm bài giảng nếu vấn đề đó quá phức tạp, mình ghi không kịp hoặc mình không hiểu chúng lắm.

Sau khi đã đọc trước giáo trình ở nhà, mình sẽ mở vở và sách song song với nhau. Những kiến thức trên slide khớp với giáo trình thì mình sẽ dùng bút đỏ gạch chân. Nếu không khớp, mình sẽ bắt đầu ghi chúng vào vở.

Mọi người thường hay chỉ chụp lại slide, lưu chúng trong album và chẳng bao giờ muốn mở lại bởi vì … nhiều quá, học sao nổi đúng không nè.

TUY NHIÊN, việc chụp ảnh slide không phải là xấu. Có nhiều giáo viên giảng bài rất nhanh, tốc độ chuyển màn hình lia lịa khiến bạn không kịp xem nó có trong sách để gạch hay không, hoặc là viết vào vở. Ở trường hợp này, các bạn có thể chụp ảnh slide. Sau buổi học LẬP TỨC chọn lọc ý và viết chúng và vở để không bị quên.

Phương pháp ghi chép của mình như sau:

+ Những kiến thức có trên slide mà không có ở giáo trình thì mình viết vào vở.

+ Những dẫn chứng, luận điểm, ví dụ quan trọng, hay ho trong lời giảng của giáo viên sẽ ghi bằng bút mực đỏ ở khung hàng dọc bên trái của đường kẻ ô vở. Dùng bút dạ hightlight vào những cụm từ khóa quan trọng.

+ Mình có thói quen là cố gắng nghe và dung nạp toàn bộ câu, từ của giáo viên trong suốt buổi học. Vừa nghe mình vừa chép. Thực ra mình thấy ít có ai để ý đến lời giảng của giáo viên để ghi cả trong khi 30% kiến thức thi đều nằm len lỏi trong lời giảng của thầy cô. Chính vì vậy mà điểm số của mình hơn các bạn cùng lớp ở chỗ làm được những câu không có trong giáo trình.

+ Mình thường dùng bút dạ highlight kiến thức quan trọng nhất, dùng bút mực đỏ/tím để khoanh tròn các kiến thức quan trọng nhì (để phân biệt được mức độ quan trọng của kiến thức mà bạn thu nạp thì cần chuẩn bị bài kĩ).

+ Mình kết hợp biện pháp ghi âm bên cạnh phương pháp ghi chép. Khi giáo viên giải đáp câu hỏi hoặc giảng một phần kiến thức quan trọng (bạn biết đấy, giáo viên hay thao thao bất tuyệt không ngừng nên với tốc độ ghi chép bằng tay sẽ không kịp), mình thường bật ghi âm điện thoại để bên cạnh, sau đó vừa nghe vừa chọn lọc ghi những luận điểm, luận cứ, từ khóa chính nhất.

Chỗ nào nghe không kịp thì về nhà mở lại Ghi âm, tua đến đúng chỗ đó chứ đừng ghi âm đoạn dài ngoằng ngoẵng mấy chục phút xong mà không ghi chép gì thì mình đảm bảo lúc về nhà bạn sẽ không hề mở file nghe lại đâu.

❌KHÔNG NÊN ghi nguyên xi lời giảng của giáo viên, ví dụ các từ không quan trọng như: “nhưng”, “thế nên”… hoặc các ý thừa thì bỏ hết đi, lựa nghe những chỗ quan trọng thôi.

Trí nhớ của mình không tốt lắm đâu nên là mình chỉ nghe kịp khoảng 60 – 70% lời giảng trên lớp, % còn lại mình sẽ bổ sung bằng cách về nhà mở Ghi âm hoặc ảnh chụp Slide và chép lại.

Phương pháp ghi chép có hiệu quả đến mức nào thì bạn cũng không thể học tốt nếu không ôn luyện từng ngày. Trước và sau buổi học, mình đều đọc lại bài ghi trong vở, xem xem bản thân có hiểu mình ghi cái gì không. Chứ có nhiều bạn cứ chép lấy chép để, chép tùm lum tùm la không có kế hoạch xong lúc về nhà mở vở chả hiểu mình ghi cái gì luôn.

Quá trình ghi chép sẽ giúp các bạn ghi nhớ được 20 -30% kiến thức vào não bộ. Sau đó, việc ôn bài, đọc lại bài sẽ làm tăng khả năng ghi nhớ thêm 30 – 40% nữa. Thế thì, trước mỗi kỳ thi kết thúc học phần, bạn chỉ cần đọc giáo trình, vở ghi, tìm hiểu thêm các kiến thức phụ từ Internet thì có thể nhớ được toàn bộ kiến thức của môn học rồi.

✔ Đặc biệt, các bạn phải giữ cho bản thân thật tỉnh táo, tinh thần phấn chấn thì nghe giảng mới không bị buồn ngủ, ghi chép không bị loạn xà ngầu.

✔ Nếu muốn học tốt, bạn cần phải TỰ HỌC, chăm chỉ, siêng năng thì mới đạt được thành tích tốt. Việc ghi chép chỉ phát huy tối đa tác dụng của nó khi bạn có kế hoạch học tập rõ ràng, bạn có sự nỗ lực và quyết tâm.

Phương pháp ghi chép này tuy không có gì đặc sắc, nhưng nó rất phù hợp với cá nhân mình. Bạn không thể tưởng tượng được rằng phương pháp ghi chép hiệu quả này đã góp phần giúp mình học tốt và đạt được Học bổng liên tiếp các kỳ trên Đại học đó.

Hy vọng rằng, những kinh nghiệm mà mình đã đúc rút được trong suốt 4 năm Đại học sẽ là nguồn thông tin hữu ích để các bạn sinh viên tham khảo. Chúc các bạn học tập thật tốt nhé!

Cre: Nguyễn Thị Ý Nhi

You may also like

Leave a Comment