Đây là ô truyện tôi rất tâm đắc trong Doraemon, chương “Cá Hải Tượng Long ở vũng nước”. Suneo cố tình bố trí chuyến đi chơi theo cách để Nobita bị gạt ra rìa và Nobita biết thừa điều này. Cậu đứng dậy phủ đầu luôn: “Tớ cóc thèm ở đây để cho cậu giễu cợt đâu nhé!” Cậu bé đã làm một việc mà chúng ta đều nên học hỏi là đặt ra Boundaries.
—–
Boundaries trong tiếng Việt là “ranh giới”, là những biện pháp phân chia giữa các đất nước hay vùng lãnh thổ tiếp giáp nhau. Còn trong mối quan hệ giữa người với người, boundaries là những quy cách ứng xử mà hai bên đã thống nhất với nhau để không vi phạm cảm xúc, hệ giá trị, sự an toàn thể chất và tinh thần của người còn lại. Tôn trọng ranh giới trong một mối quan hệ, cả tình bạn lẫn tình yêu, là bước đầu tiên và tối thiểu để có được hoà khí.
Boundaries trong trải nghiệm của tôi là những quan điểm, niềm tin rất vững chắc của một người; hoặc những chủ đề nhạy cảm mà người đó đã bị tổn thương trong quá khứ. Boundaries là cần thiết để bảo vệ hệ giá trị, lòng tự trọng của bản thân và đề nghị người khác không được tấn công chúng. Cách thể hiện boundaries thường như sau: “Tôi không thoải mái khi nói về chủ đề A”, “Tôi không đồng ý/không chấp nhận việc bạn tiếp cận B như vậy”, “Nếu bạn không thể tôn trọng những gì tôi nói, tôi e là chúng ta phải dừng nói chuyện”.
Khi đặt ra boundaries, bạn sẽ đối mặt với một số lời chống chế phổ biến: “Tôi chỉ đùa thôi, làm gì mà căng thế?”,“Ra xã hội người ta còn độc mồm độc miệng hơn, bạn không chịu được bây giờ thì sau này sao chịu được?”
Trong thâm tâm họ biết mình làm vậy là không hay, nên đang tạo ra những cái lá chắn chủ quan (“chỉ đùa thôi”) hoặc mơ hồ (“xã hội”) để cố gắng biện minh cho bản thân và chữa cháy tình hình. Nhưng nếu trong một tình bạn/mối quan hệ thân thiết mà vẫn phải đề phòng như ngoài xã hội thì mối quan hệ đó rất cần phải xem xét lại. Tôi vẫn chưa có cách ứng xử với vấn đề này, nhưng sẽ cố gắng giữ nguyên lập trường boundaries của mình và bổ sung quan điểm đó.
—–
Thật khó để boundaries được bình thường hoá khi vẫn còn ngộ nhận sai về nó, chẳng hạn như ranh giới đồng nghĩa với tự kiêu hay đề cao bản thân.
Những hiểu nhầm ấy tồn tại vì tác giả của chúng cũng tự kiêu và đề cao bản thân. Hay nói nhẹ hơn là họ thiếu khả năng tôn trọng sự khác biệt, một thứ cần phải rèn luyện rất lâu. Họ nghĩ mình đang có thành ý chia sẻ điều đúng đắn, không biết rằng trong mắt người khác đó là xâm phạm ranh giới và giáo điều. Đối diện với một boundary đủ vững chắc, họ bực tức khi nghĩ đối phương không nể mình hay thiếu thiện cảm với mình, để che đi nỗi mặc cảm rằng hệ giá trị người kia rõ ràng hơn và ý kiến của mình không phải là ý kiến duy nhất.
Ở mặt bên kia vấn đề, có những người bị tổn thương đến mức nghĩ mình “không được phép” đặt boundaries. Vì trong tuổi thơ đứa trẻ đã chịu đựng những lời nói và hành động không đáng mặt người lớn. Sống quen với những sự xâm phạm ranh giới, sau này thấy người ta có thể tự đặt ranh giới rất bình thường, đứa trẻ thấy lạ lẫm làm sao. Dần dần nó hiểu đó không phải tự kiêu mà là một nhu cầu thiết yếu. Và nó đau đớn vì nhận ra bấy lâu nay mình còn không biết có lựa chọn chống trả. Nó luôn nặng lòng cho những người thấp cổ bé họng hơn mà không thể làm điều nó cần nhất là chiến đấu cho chính mình.
Trong khả năng của tôi, tôi sẽ đẩy lùi những hiểu lầm đó. Đặt ra ranh giới không phải dấu hiệu tự kiêu, ghét nhau hay thiếu tôn trọng nhau. Nó không hề và không nên khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Boundaries là biểu hiện tôn trọng bản thân ở mức độ quả quyết nhất. Một boundary lành mạnh được xây dựng trên tinh thần tìm ra tiếng nói chung, các chủ đề không bị tránh né mà được thảo luận trong môi trường an toàn, khách quan và tôn trọng lẫn nhau. Không ai có thái độ chế giễu, xem nhẹ, phủ nhận trải nghiệm của người còn lại.
—–
Bằng việc đặt ra một ranh giới, chúng ta đã truyền đi thông điệp ngầm: “Tôi làm vậy không phải để nghỉ chơi với bạn. Chính vì tôi tôn trọng bản thân lẫn mối quan hệ này nên phải thống nhất một số điều để cả hai vẫn vui cười với nhau.” Trừ khi bảy tỉ bộ não nghĩ như một (nếu vậy thì rất chán), cuộc sống sẽ luôn tồn tại những tư duy và trải nghiệm khác nhau. Thế nên boundaries mới tồn tại để tránh khơi dậy bản năng chửi bới, dìm hàng lẫn nhau và tập trung hơn vào việc tìm ra chân lý.
Nếu bạn vượt qua ranh giới lần đầu, đó là trách nhiệm của tôi vì không nói rõ. Nhưng nếu có những lần sau, thì cửa ra ở đằng kia, thưa bạn.