Đâu là trận chiến hay nhất trong lịch sử Trung Quốc?

by admin

Chỉ liệt kê 1 trận chiến là không đủ. Có rất nhiều trận đánh đã thay đổi lịch sử Trung Quốc vĩnh viễn. Vì thế hôm nay tôi sẽ chỉ nhắc tới một trận đánh mà nhiều người Trung Quốc ngày nay lãng quên.

Trận Phì Thủy, năm 383

Chắc hẳn bạn đã nghe về việc người Mông Cổ cũng như người Mãn Châu chinh phục hoàn toàn Trung Quốc, nhưng bạn có biết gần 1000 năm trước khi người Mông Cổ xuất hiện, miền bắc Trung Hoa gần như đã bị chinh phục hoàn toàn bởi các bộ lạc du mục không? Thời điểm đó, miền nam Trung Quốc vẫn đang được điều hành nhà Đông Tấn, một triều đại của người Hán, trong khi miền bắc đang nằm dưới sự cai trị của nhà Tiền Tần, triều đại của của một dân tộc du mục phía bắc.

Vua Tiền Tần là Phù Kiên đã hoàn thành công cuộc thống nhất miền bắc Trung Quốc (vốn bị chia rẽ thành nhiều vương quốc của nhiều dân tộc khác nhau). Ông ta quyết định tổ chức một cuộc xâm lược lớn nhắm vào triều Đông Tấn vào năm 383. Tiên liệu trước rằng đây sẽ là cuộc chiến dữ dội, Phù Kiên huy động số lượng lớn trai tráng dưới đế chế của mình, con số có thể lên tới 1 triệu người. Trong khi đó, nhà Đông Tấn do bị bất ngờ nên chỉ có thể tập hợp được khoảng 100 ngàn quân.

Sông Phì Thủy là trở ngại ngăn Phù Kiên tới đích. Các quân sư của Phù Kiên từng cảnh báo rằng không như miền bắc, ở miền nam Trung Quốc có rất nhiều sông và hồ. Người du mục phương bắc không quen chiến đấu với địa hình ẩm ướt nên họ gặp nhiều khó khăn trước đối thủ. Phù Kiên bỏ ngoài tai mọi lời can gián và tuyền bố rằng quân của ông ta đông đến mức chỉ cần quẳng roi ngựa xuống cũng đủ để chặn đứng cả dòng sông.

Về phía nhà Tấn, gia tộc họ Tạ lãnh trách nhiệm bảo vệ triều đình. Tạ gia cam kết với vua Tấn Hiếu Vũ Đế rằng họ có thể tận dụng lợi thế địa hình để đem về thắng lợi cho nhà Đông Tấn.

Quân đội Tiền Tần tiến tới sông Phì, nhưng họ gặp nhiều khó khăn để vượt qua. Một viên tướng Đông Tấn là Tạ Huyền đã thách thức quân Tần rút lui để quân Tấn vượt sông. Phù Kiên trúng kế khích tướng của Tạ Huyền và ra lệnh lui binh. Bất ngờ, quân Tấn phục kích. Đúng lúc này, gián điệp của Đông Tấn đang cài trong quân Tần hô to: “QUÂN TẦN THUA RỒI”.

Đây chính là điểm mấu chốt mà Tạ Huyền nắm được còn Phù Kiên thì không. Một đội quân dù có đông đảo đến mấy cũng không đảm bảo thắng lợi. Tạ gia hiểu quân đội càng đông càng khó duy trì trật tự đội hình, và một chỉ cần một cú tập kích nhỏ cũng đủ để kết liễu đạo quân khổng lồ đó. Thực tế chiến trường đã diễn ra như vậy: trật tự đội hình của quân Tiền Tần hoàn toàn sụp đổ, binh sĩ bỏ chạy tán loạn. Tướng Tần là Phù Dung chết tại trận, càng khiến quân Tần mất hết sĩ khí. Quân Tấn sau đó tràn lên phía bắc truy kích tàn binh của quân Tần. Kết cục, hầu hết quân Tần bị chết vì đói, bị đồng đội dẫm đạp hoặc bị quân Tấn sát hại.

Sau trận chiến

Phù Kiên may mắn sống sót, nhưng trận đánh đã chấm dứt đế chế của ông ta. Viên tướng Mộ Dung Thùy sau đó đã nổi dậy và lập ra nước Hậu Yên. Phần còn lại của Tiền Tần sụp đổ, miền bắc Trung Quốc chỉ vừa thống nhất được thời gian ngắn lại tan rã thành nhiều vương quốc khác nhau như trước khi Tiền Tần thống nhất.

Phù Kiên thất bại tại sông Phì Thủy bởi Tiền Tần chưa hề thống nhất hoàn toàn vào thời điểm đó. Khác với Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ hoặc Nỗ Nhĩ Cáp Xích của Mãn Châu, đế chế của Phù Kiên chỉ có một liên minh lỏng lẻo với nhiều bộ lạc du mục phương bắc khác nhau. Phù Kiên là người dân tộc Đê, sau đó đã bị phản bội bởi Mộ Dung Thùy vốn là người tộc Tiên Ti. Thất bại của Phù Kiên đã chấm dứt cơ hội đầu tiên cho một dân tộc du mục phương bắc có thể chinh phục toàn bộ Trung Quốc, mãi cho tới khi Mông Cổ thành công vào năm 1270 (khoảng 900 năm sau đó).

Dòng sông Phì, nơi từng chặn đứng tham vọng xâm lược của những người du mục phương bắc năm xưa, ngày nay không còn nữa. Nó chỉ còn là một phụ lưu nhỏ của sông Hoài hoặc sông Trường Giang, nằm đâu đó ở tỉnh An Huy. Phù Kiên không thể ngăn dòng chảy của sông Phì bằng roi ngựa như ông ta đã nói, nhưng thời gian đã làm được điều đó.

Theo: Đàm Quang Trường

You may also like

Leave a Comment