Đệ nhập trần ai: người ăn xin mù chết bởi cái nhìn kỳ thị

by admin

“Đời người như hoa của cây cỏ dại bay trong gió, vĩnh viễn không biết bản thân sẽ bay tới phương nào, cũng không cách nào dự đoán được bản thân sẽ chết ở nơi đâu.”

Nói ra các bạn sẽ không tin, nhưng đây là lời của một người ăn xin mù nói cho tôi nghe.

Từ lúc tôi bắt đầu hiểu chuyện, trong thôn luôn có một người mù kỳ quái, ông ta vừa đen vừa gầy, đội một chiếc mũ rơm cũ nát (không phải cái mũ rơm giống như luffy, mà thực sự dùng rơm khô bện thành một chiếc mũ), lúc nói chuyện mang theo giọng nói rất lạ của người địa phương khác. Bất kể gặp được ai, đều cúi đầu cong lưng gọi một tiếng ông, tiếng bà. Cho dù gặp đám trẻ con chúng tôi, ông ta cũng sẽ hạ thấp thân phận gọi chúng tôi là chú, lấy tôi làm ví dụ, mỗi lần nghe thấy tiếng nói của tôi, ông ta đều gọi: Chú Tam khỏe chứ, chú Tam hôm nay có nhiều bài tập về nhà không?

Người đàn ông bốn năm mươi tuổi gọi lũ trẻ chúng tôi là chú, cảnh tượng vừa khôi hài vừa quái dị.

Đám trẻ thích đem ông ta chọc cười, thường xuyên cướp cây gậy trúc trên tay ông ta. Người lớn lúc buồn chán thích châm chọc ông, mùa hè lúc thời tiết mát mẻ, có người đàn ông hỏi ông ta: “Trương mù? ông đã từng lấy vợ chưa?”

Ông ta cười nói: “không có không có, cha mẹ mất sớm, trong nhà cũng thiếu tiền.

Người đàn ông đó lại nói: “nghe nói có thôn quanh đây có một người con gái mù, đến lúc đó ông lấy cô ta đi!”

Những người xung quanh được một trận cười to, ông mù hài hước cong cong cái eo: “vậy phải cảm ơn ông nội Triệu đây rồi, đến lúc đó mời ông ăn trứng đỏ.”

Cả nhà cười càng vui vẻ, ông ta chính là người như vậy, loại đồ vật như “tự tôn” không đáng xuất hiện trên người ông ta, ông ta gắng sức giày xéo bản thân, chỉ vì để xin được một miếng cơm ăn.

Ăn xin cũng là một môn nghệ thuật, tôi đã từng nhìn thấy ông ta đi xin ăn, co co rúm rúm ngồi xổm trước cửa nhà người ta, trong miệng dường như ca hát ngợi ca những thành viên trong gia đình đó, người trong nhà lộ ra vẻ mặt ghét bỏ, đóng cửa tự ăn cơm trong nhà không để ý đến người xin cơm ngoài cổng. Ông ta không hề có ý nghĩ bỏ cuộc giữa đường, những lời nịnh hót như súng liên thanh nhả ra từ miệng của ông ta, cái gì mà nam chủ uy võ hùng dũng, nữ chủ đẹp tựa hằng nga, con con cháu cháu nhiều phúc nhiều thọ, hận không thể đem toàn bộ vật nuôi trong nhà người ta khen hết một lượt.

Nữ chủ nhà ngán đến tận cổ, cầm một chiếc bát xúc ít cơm rau đi đến cổng đổ vào bát của ông ta: “Thật sự sợ ông, đừng đợi ở đây nữa, mau đi đi!”

Ông mù hết sức lo sợ đứng dậy cúi đầu cong eo: “Cám ơn bà, cám ơn bà, hôm nay phát thiện ngày sau được phúc, ngày mai đánh bài tứ quý chặt heo.

Nữ chủ nhà dở khóc dở cười nhanh chóng bảo ông ta đi: “cút cút cút, mù chết. dẫm nhiều chuyện.”

Thật ra ông ta cũng có món nghề của riêng mình, thời đó trong thôn vẫn chưa có khí đốt, mọi nhà đều đun nồi bếp đất, lúc nấu cơm dùng củi đun, dùng rơm bện thành bó làm củi nấu cơm. Ông mù đó mặc dù mắt nhìn không thấy, nhưng lại rất biết bện rơm, thế là sau mùa gặt, mọi người đều đem rơm nhờ ông ta bện thành bó, thù lao là một bữa cơm no. Ông mù chẳng nề hà gì, bện rơm từ trưa đến tối mịt, cả người mệt đến hạ đường huyết, buổi tối lúc ăn cơm vẫn như cũ-ngồi tại cổng nhà, ăn xong cơm còn cảm ơn chủ nhà trên trời dưới đất.

Có một lần ông mù sau khi bện xong rơm bèn đi tới hồ nước tắm, cầm mảnh vải bố rách nát kỳ cọ cơ thể, kết quả có một phụ nữ bỗng nhiên hét to, mọi người đều vây lại, người phụ nữ kia kinh hoảng nói: “Thằng xin cơm này nhìn trộm tôi tắm!”

Chồng người phụ nữ kia lập tức nổi giận, đưa tay đánh lên đầu ông mù, ông mù ôm đầu ngồi thụp xuống đất, nhưng trên mặt vẫn là nụ cười nịnh hót ấy: “Mắt tôi đã mù mười mấy năm rồi, muốn nhìn trộm cũng không nhìn được.”

Chồng của người phụ nữ đó giận dữ túm lấy ông mù: “Ai biết được c.** mẹ m** là mù thật hay giả chứ?”

Ông mù gật đầu như gà mổ thóc: “Mù thật, mù thật mà.”

Nói xong đem mí mắt banh ra để cho mọi người cùng xem, đúng là mù thật. Người trong thôn cũng rất lương thiện, mấy người khuyên người phụ nữ kia bỏ qua, cô ta trợn mắt lườm ông mù một lần rồi đi.

Mọi người nhanh chóng tản đi sau cơn nhầm lẫn, đợi mọi người xung quanh đi hết, ông ta ôm đầu đi tới bờ hồ khóc thật to, một khắc này tôi mới biết rằng, thật ra ông ta cũng có tự tôn. Sau khi nhận lấy oan uổng, ông ta cũng ấm ức cũng giận dữ, nhưng ông ta không có năng lực phản kháng, ngay cả khóc một trận thật to cũng phải tìm chỗ không người.

Thực ra ông ta là một người tốt, có một lần trong thôn xảy ra cháy, một hộ gia đình bốc lửa ngùn ngụt, mọi người đều cật lực cứu hỏa, mỗi nhà mỗi hộ đều mang thùng nước trong nhà đi tới hồ múc nước dập lửa. Ông mù đó cũng muốn giúp đỡ, bèn ở mép hồ không ngừng múc nước, sau đó đưa thùng nước cho đám người con trai, sau khi lửa dập xong, tay ông ta còn run lẩy bẩy, ông ta chưa từng làm qua việc nặng nhọc như thế, ngồi tê liệt dưới đất, liên tục hỏi thăm mọi người hỏa hoạn dập xong chưa. Lúc này, mọi người cảm thấy ông ta có lẽ không phải là cái người ti tiện như trước đây.

Lúc người trong thôn tổ chức tiệc rượu, ông mù cũng sẽ đi tới, ngày đó chủ nhà rất hào phóng, sẽ đưa cho ông ta một bát lớn cá thịt cơm rau, dặn dò ông ta không được làm phiền khách tới ăn tiệc. Có một lần tôi đi cùng bà nội tới dự đám, ăn xong nhìn thấy ông ta dập đầu trước cái bát cơm trước mặt, hành động kỳ quái đó hấp dẫn tôi, tôi hỏi: “Trương mù, tại sao ông không ăn cơm?”

Ông ta nghe thấy giọng nói của tôi, quay đầu cười nói: “Chú Tam hả, chú Tam hôm nay có nhiều bài tập không?”

Tôi nói: “Tôi làm xong từ sớm rồi, ông không ăn cơm dập đầu cái gì?”

Ông ta giải thích hôm đó là ngày giỗ của bố ông ta, mỗi năm vào ngày này ông ta đều nhịn ăn, đem những món xin được đều dùng để cúng bái đấng sinh thành. Trẻ con làm sao hiểu được những thứ đó, mọi người đều cảm thấy ông ta là đồ thần kinh, có đứa trẻ đi qua muốn đạp đổ cái bát đó, ông mù nhảy qua ôm cái bát chặt trong lòng, cười nói với đứa trẻ kia: “Đừng đá, đừng đá, cẩn thận ngã.”

Cuối cùng thì loài người là loại tồn tại như thế nào?

Rõ ràng là lúc nào cũng chịu nhục, nhưng vẫn cố gắng giãy dụa sống tiếp?

Rõ ràng đến tự tôn cũng không có, nhưng vẫn giữ vững một số nguyên tắc kỳ lạ?

Ông ta cứ cách một thời gian lại biến mất, lại cách một thời gian xuất hiện, nghe người lớn nói ông ta du đãng ở một ngôi làng nào đó, nghe giọng ông ta hình như là người bên Vân Quý, cũng chính là nói ở cả cuộc đời của ông ta, lúc nào cũng lang bạt, vì một miếng cơm, trăn trở ngàn cây số.

Có một mùa đông rất lạnh, ông ta lại trở về thôn của chúng tôi, ông ta ăn mặc rất sơ sài, rét run cầm cập, lúc xin ăn giọng nói đều khàn đi, hình như là lạnh quá mà cảm cúm. Mấy ngày hôm đó trong thôn cũng có một thằng ngốc nữa đi tới, miệng chảy dãi, ánh mắt ngốc trệ, nhìn thấy trẻ con sẽ nở nụ cười ngu ngốc, chúng tôi đều bị dọa một trận, người lớn đánh thằng ngốc đó mấy lần, đem thằng ngốc đó ném vào trong miếu thờ thổ địa, rất không may, chỗ đó cũng là nơi dừng chân của ông mù. Thằng ngốc cũng đã rất lâu không ăn cơm, nhìn thấy cơm của ông mù xin được liền nhảy qua muốn cướp, mọi người đều cười cợt xem kịch hay, ai biết được ông mù đưa bát cơm cho ngốc ăn, sau đó tìm một miếng chăn bông rách choàng lên người.

Người tìm chuyện xúi giục ông ta: “Trương mù, đánh hắn ta đi, hắn là là một thằng ngốc, không biết đánh trả đâu.”

Ông mù chỉ cười nhẹ, thu người trong góc tường, không động đậy.

Ngốc ăn xong cảm thấy lạnh, lại chạy tới bên người ông mù, ôm nhau cho ấm. Sắc trời dần tối, ông mù nhường ngốc một nửa cái chăn bông rách, ông ta dựa vào góc tường không ngừng ho, trong miệng nói mấy câu mà người khác nghe không hiểu, còn hát vài câu ca dao kỳ lạ.

Cuộc đời như hoa cỏ, theo gió về phương xa, vận mệnh như dao dựa, cắt xén vô lòng ta…

Đêm đó trời rơi trận tuyết lớn, người lớn rất vui mừng, bởi vì rơi tuyết điềm báo năm nay được mùa, năm sau chắc hẳn bội thu, không có người nào lo lắng về những người không nhà ngoài kia làm thế nào sống tiếp?

Sau đêm đó, ông mù không xuất hiện nữa. Mọi người đều khẳng định ông ta chết rồi, chết, ở một nơi không người nhìn thấy.

Không người nào đau thương, bởi vì chúng tôi đều nhiều thêm một miếng cơm.

Mà sự tồn tại của ông ta, vốn dĩ là có hay mất đều không quan trọng.

You may also like

Leave a Comment