“Em muốn gì từ tôi” là câu hỏi mà cuộc đời đặt cho bạn. “Tôi không muốn ăn anh” là đáp án của những kẻ chán đời.
1. Thứ biến thực phẩm thành đồ ăn không phải là đầu bếp, mà là cơn đói của bạn. Lúc bạn no, đồ ăn chỉ là đồ vật; lúc bạn bị ép ăn, nhai chỉ là một sự việc, thậm chí cực hình; nhưng khi đói, khái niệm ‘một bữa ăn ngon” tồn tại trở lại.
Khi ta no, gà cũng chỉ là động vật. Khi ta đói, gà bỗng hóa tâm hồn. Tìm cách chữa cơn chán ăn là đi tìm thứ bạn đang thèm ăn: vấn đề của thời hiện đại không còn là Ăn gì, mà là câu hỏi “Mình thèm ăn gì nhỉ?”
Một bữa ăn ngon không còn là một bữa ăn no, mà là khi bạn nhận ra được cơn thèm mơn man của mình và ăn đúng được đồ ăn đáp ứng nó.
Giống như ăn, cái biến thời gian thành cuộc đời là mong muốn của bạn gì từ nó. “Em muốn gì từ tôi” là câu hỏi mà cuộc đời đặt cho bạn. “Tôi không muốn ăn anh” là đáp án của những kẻ muốn trả lại nợ đời.
2. Chán đời, giống như chán ăn, là khi bạn chẳng muốn lấy gì nữa từ bàn tiệc buffet: bạn quên mất mình muốn điều gì. Đi tìm ý nghĩa của ẩm thực cũng giống như đi tìm ý nghĩa cuộc sống: làm sao ta có thể tìm những một thực đơn mình thấy ngon và làm sao ta có thể tạo ra một cuộc đời “pleasurable” cho riêng mình?
Những ai đánh mất vị giác của mình (như vị vua chìm đắm trong cao lương mĩ vị, chán ăn, rồi về quê ăn món dưa cà lại thấy tuyệt vời nhất) cũng giống những ai mất ham muốn cuộc đời: họ sống quá nhiều đến mức quên mất mình muốn gì từ việc sống. Đến bữa thì phải ăn, bị đẻ ra thì phải sống.
Cơn thèm ăn khiến đồ ăn trở nên đáng ăn, ham muốn gì từ cuộc đời khiến cuộc đời trở nên đáng ham muốn.
3. Trong Luận về ăn, Susie Orbach đưa ra 5 quy tắc cho những ai đang bị rối loạn ăn uống (tất cả chúng ta).
Một, Chỉ ăn khi bạn đói
Hai, Ăn thứ mà cơ thể bạn đang thèm khát
Ba, Tìm ra tại sao bạn ăn khi bạn đang không đói
Bốn, Cảm nhận kĩ mọi thứ bạn ăn
Năm, Dừng ăn khoảnh khắc mà bạn đã no
Tất nhiên là chuyện sống phức tạp rất nhiều hơn chuyện ăn (nếu không thì bạn đã ngang hàng với động vật). Nhưng để tìm lại ham muốn, hãy thử suy nghĩ về một số nguyên tắc sau.
Một, Chỉ làm khi bạn muốn (Không muốn, đừng làm hoặc từ từ hãy làm)
Hai, Làm thứ mà tâm hồn bạn đang thèm khát (Nó khát gì, thì phải lắng nghe nó nói, giống như bố mẹ học lắng nghe con)
Ba, Tìm ra tại sao bạn lại làm việc này khi bạn đang không/chưa muốn làm việc đó (Tại sao bạn lại đi với Linh, khi thực sự bạn chỉ muốn đi với Trang)
Bốn, Cảm nhận kĩ mọi ham muốn của bạn
Năm, Dừng lại ngay khoảnh khắc mà bạn đã thôi muốn
Tìm thứ bạn ham muốn là dự án của cả đời (và việc hướng dẫn nó lẽ ra là vai trò của nhà trường, các tổ chức hướng nghiệp). Vậy nên, cứ thật từ từ, vì giống như ăn, chúng ta có rất nhiều cơ hội và chắc chắc sẽ gặp phải vô số sai lầm không quá đáng tiếc.