/đi về phía nỗi sợ/

by admin

Khi quan sát cảm xúc của bản thân đủ lâu, ta sẽ thấy có thật nhiều những cơn sóng cảm xúc khó chịu được khởi nguồn từ nỗi sợ. Cơn giận cũng vậy, sự ganh tị cũng thế, và cả trạng thái lười biếng thả trôi, nhiều khi bản chất của chúng vốn là nỗi sợ.

Có người ghét bỏ những lời yêu thương ngọt ngào, chỉ vì họ sợ những lời đường mật dễ cuốn bay cùng gió và tan biến.

Có người lười biếng và thiếu có động lực, chỉ vì họ sợ mình sẽ chẳng thể thành công. Họ sợ phải đối diện với thất bại ê chề.

Có người ganh tị với anh chị em ruột của mình, chỉ vì họ sợ cảm giác bị bỏ rơi.

Thế mới thấy, con người chúng ta sợ nhiều thứ lắm, nỗi sợ có thể hiện diện ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, nấp mình dưới đủ loại hình hài. Và nếu ta không đủ cảnh giác và thiếu đi lòng can đảm, chúng có thể nuốt chửng ta trong ngục tù tăm tối của nỗi sợ vô tận.

“Hãy vượt qua nỗi sợ”; “Hãy bước khỏi vùng an toàn”… Với tôi đó là những lời khuyên thật lãng xẹt và gây khó chịu. Tôi không muốn bước ra khỏi chiếc ổ dễ chịu của tôi. Tất nhiên, bạn cũng có quyền lựa chọn như vậy, không ai ép buộc được bạn chỉ bằng những lời khuyên rập khuôn. Nhưng sẽ đến một ngày, tôi và bạn thấy bức bối đến chẳng thể thở nổi với thực tại, và đó là lúc ta biết rằng mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài dấn thân.

Tôi có một nỗi sợ vô cùng tận, đó là phải làm việc, giao tiếp với nhiều người hoặc nhận lấy vị trí lãnh đạo. Trớ trêu thay, mọi con đường trong cuộc đời tôi đều hướng tôi đến với nỗi sợ này. Dù cho tôi chủ động từ chối những công việc khiến tôi phải giao thiệp cùng người khác, những sự kiện tương tự lại đến với tôi. Và cũng thật đáng ngạc nhiên, chính những việc làm mà tôi sợ hãi đến co mình đó, lại đem đến cho tôi những ý nghĩa sống lớn lao. Hai năm dạy học ở trường công đã cho tôi biết mình có khả năng truyền cảm hứng, và rằng, tôi khát khao được lan toả tri thức đến nhường nào. Hơn một năm dẫn dắt một cộng đồng thực hành thiền viết giúp tôi nhận ra bản thân có năng khiếu thấu cảm và xoa dịu người khác. Muôn vàn con đường của nỗi sợ đều quy tụ về một điểm, tựa như sao bắc đẩu chỉ hướng tôi về sứ mệnh của cuộc đời.

Với tôi, nỗi sợ là những dấu hiệu, là tiếng gọi mách bảo nơi con tim, để tôi lựa chọn đương đầu với thử thách và mang về kho báu của riêng mình. Nghe thật giống hành trình của một người hùng phải không?

Trong cuốn sách nghiên cứu thần thoại “ Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt”, Joseph Campbell đã chỉ ra rằng những anh hùng trong thần thoại và lịch sử đều có chung một hành trình hoặc con đường. Cho dù đó là những nhân vật thần thoại như các vị thần Hy Lạp hay Vua Arthur; hay lời kể của các vị tổ sáng lập tôn giáo như Moses, Đức Phật hay Chúa Kitô, tất cả đều có chung một mô hình biến đổi cơ bản. Ở đó, nhân vật nhận được dấu hiệu mời gọi đương đầu thử thách, để rồi từ thế giới đời thường của mình bước vào một thế giới mới, đầy hiểm nguy, kẻ thù và cám dỗ, chạm trán nỗi sợ lớn nhất của bản thân, suy sụp, rồi vực dậy với một “vũ khí” hoặc năng lực mới, chiến thắng oanh liệt và mang về cho đồng loại mình những ân huệ tuyệt mỹ. Hành trình của anh hùng là một phép ẩn dụ cho sự phát triển về cá nhân, tinh thần, tâm lý và khả năng lãnh đạo. Đó là một mô hình lặp đi lặp lại trong cuộc sống với các giai đoạn “thử thách và biến đổi”. Nhà thần thoại học viết rằng: “Trong hang động tăm tối khiến bạn sợ hãi chùn bước, chứa đựng kho báu mà bạn đang kiếm tìm.”

Phía bên kia nỗi sợ, ta thấy những điều chẳng biết trước, những khó khăn và những rủi ro. Nhưng nếu ta thử xoay chuyển góc nhìn một chút, sẽ nhận ra rằng đằng sau nó còn là những cơ hội, sự phát triển, sự tự do và cả những kho báu vô giá. Vậy chiếc hang động tăm tối nào mà bạn đang sợ hãi? Thuyết trình trước đám đông? Xa nhà để theo đuổi đam mê? Dấn thân vào tình yêu? Và liệu bạn đã sẵn sàng lắng nghe tiếng gọi tới thử thách, chấp nhận thử thách, vượt qua nỗi sợ và nhận lại những món quà?

Đi về phía nỗi sợ chẳng bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng điều tôi học được sau những năm chạy trốn nỗi sợ là càng né tránh, nó càng quay trở lại với tôi trong một hình hài kẻ thù mạnh mẽ hơn. Và nếu không lựa chọn đương đầu, tôi chỉ có thể mắc kẹt trong thực tại bức bối và bất như ý.

Nỗi sợ là con đường tôi nên đi, bởi đó là nơi ngự trị của tận cùng tự do.

By Thanh Alice

You may also like

Leave a Comment