DỊCH CÂN KINH VÀ BÁT NHÃ CHƯỞNG – MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT

by admin

LÝ THUYẾT.

Dịch Cân Kinh là bảo điển chí cao vô thượng trong võ học. Bát Nhã Chưởng, là công phu chưởng pháp tối cao của Phật môn. Muốn luyện Dịch Cân Kinh phải luyện thành Bát Nhã chưởng trước.

Bát Nhã Chưởng, là công phu chưởng pháp tối cao của Phật môn. Bát Nhã Chưởng Phật hiệu xem trọng sự trống không, sử đến chiêu cuối cùng Nhất Không Đáo Để là lúc vừa không phải trống không, cũng vừa không phải không trống không, chưởng lực hóa thành vô hình, vô sắc, không còn ý nghĩ trong đầu, sắc tức là không, âm thanh hương vị xúc cảm cũng là không, chưởng lực là không, không tức là chưởng lực, chính ta là không, đối thủ cũng là không.

Dịch Cân Kinh là bảo điển chí cao vô thượng trong võ học, có điều pháp môn tu tập không phải dễ dàng, cần phải phá được cảnh giới “ngã tướng, nhân tướng”, trong bụng không còn nghĩ đến chuyện tu tập võ công, “tâm vô sở trụ”.

-> Trong ngàn năm lịch sử, các cao tăng chùa Thiếu Lâm tu tập Dịch Cân Kinh không phải là ít, thế nhưng tăng lữ tập môn thượng thừa này, ai cũng muốn tinh tiến thật nhanh, mong cho chóng thành để công phu được ích lợi. Vậy nên dụng công năm chày tháng tận, vẫn không mấy ai đạt được thành thử các nhà sư cho rằng kinh này không linh hiệu. Luyện thành Bát Nhã Chưởng đồng nghĩa tâm đã trống không, mà khi tâm đã trống không, tâm vô sở trụ thì đã đủ điều kiện luyện Dịch Cân Kinh.

 

DỊCH CÂN KINH VÀ BÁT NHÃ CHƯỞNG - MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT

 

THỰC TẾ.

Hàng sư chữ Huyền chùa Thiếu Lâm thời Thiên Long không một ai luyện thành Bát Nhã Chưởng. Huyền Từ là nhân vật kiệt xuất nhất, là kỳ tài trăm năm luyện thành Đại Lực Kim Cang chưởng nhưng cả đời vẫn chưa đại thành Bát Nhã Chưởng. Bản tân tu thì đến cuối đời Huyền Từ mới luyện thành. Trong quá trình Huyền Từ tu luyện Bát Nhã Chưởng, mỗi lần xuất chưởng trong lòng luôn bị ứ đọng, có thể chính mình chưởng lực là không, nhưng lực đạo đối phương lại không phải là không. Chỉ đến khi cùng Kiều Phong đối chưởng, Huyền Từ thì muốn mình chết dưới chưởng Kiều Phong, còn Kiều Phong thì thấy chưởng đối phương vô lực thì cũng thu kình, lúc đó Huyền Từ ngộ ra chính ta là không, đối thủ cũng là không. Nếu Huyền Từ không phải cam tâm để cho Kiều Phong đánh chết, mà Kiều Phong không phải cam tâm mạo hiểm chịu chưởng của lão, nhất định chiêu này không thể ngộ thành.

-> Khi luyện thành Bát Nhã Chưởng thì tâm đã trống không. Nếu sau đó Huyền Từ không chết, tham ngộ Dịch Cân Kinh chắc chắn sẽ có thành tựu.

Trừng Quan tám tuổi xuất gia vào chùa Thiếu Lâm, chưa hề ra khỏi cửa chùa một bước. Trừng Quan chuyên tâm võ học nhưng việc đời một khiếu cũng không thông, có phần ngây ngốc. Thành tựu võ học nhanh hơn nhiều so với các sư huynh đệ đồng môn, là kỳ tài luyện Nhất Chỉ Thiền nhanh thứ ba lịch sử nghìn năm Thiếu Lâm. Không biết có cơ duyên nào mà lão luyện thành Bát Nhã Chưởng. Chỉ biết khi Vi Tiểu Bảo chỉ khẽ chạm vào đầu vai lão, trong vô thức mà thần công hộ thể Bát Nhã Chưởng của lão tự phát khiến Vi Tiểu Bảo toàn thân chấn động, lập tức bay tung ra, bình một tiếng, đập vào tường, hơi thở lập tức tắc nghẹn, há miệng kêu nhưng không ra tiếng.

-> Bát Nhã Chưởng của Trừng Quan đã đến mức tâm trống không mà thân tự phát, cảm nhận còn cao hơn “tùy tâm mà động” một bậc. Vì vậy lão mới luyện Dịch Cân Kinh có thành tựu, nội ngoại công đã đến mức hóa cảnh. Và Thiếu Lâm Tự map Lộc Đỉnh Ký ngoài Trừng Quan ra chưa thấy ai được đề cập luyện thành Bát Nhã Chưởng và Dịch Cân Kinh cả.

——————————-

NHẬN THẤY BẢN THIÊN LONG TÂN TU CỤ KIM ĐỀ CẬP VÀ MIÊU TẢ CHI TIẾT VỀ BÁT NHÃ CHƯỞNG CŨNG RẤT HỢP LÝ. GIẢI THÍCH ĐƯỢC LÍ DO VÌ SAO TĂNG NHÂN THIẾU LÂM MUỐN LUYỆN DỊCH CÂN KINH TRƯỚC HẾT PHẢI ĐẠI THÀNH BÁT NHÃ CHƯỞNG: TÂM TRỐNG KHÔNG, TÂM VÔ SỞ VÔ TRỤ, KHÔNG CÒN Ý NGHĨ TRONG ĐẦU.

You may also like