Bài viết được trích lược từ cuốn Tôi ổn – Bạn ổn của tác giả Thomas A.Harris do First News phát hành.
Tôi Ổn Bạn Ổn
Có ba điều khiến người ta muốn thay đổi. Một là họ cảm thấy đủ đau đớn. Họ đã đập đầu vào cùng một bức tường quá lâu khiến họ quyết định rằng chịu đựng thế là đủ rồi. Họ đã đầu tư vào cùng những cỗ máy đánh bạc quá lâu mà không nhận được tiền thưởng nên rốt cuộc họ cũng sẵn sàng ngừng chơi hoặc chuyển sang những chiếc máy khác. Chứng đau nửa đầu hành hạ họ. Những vết loét của họ rỉ máu. Họ nghiện rượu. Họ đã chạm đáy vực. Họ cầu xin sự cứu rỗi. Họ muốn thay đổi.
Một điều khác khiến người ta muốn thay đổi là một dạng diễn tiến chậm của nỗi tuyệt vọng, được gọi là sự buồn tẻ hay sự chán chường. Đây là điều mà người đã trải đời thốt lên: “Rồi sao nữa?”, mãi đến khi rốt cuộc anh ta cũng đặt câu hỏi lớn cuối cùng “RỒI SAO NỮA?”, thì anh ta đã sẵn sàng thay đổi.
Điều thứ ba khiến người ta muốn thay đổi là sự khám phá bất ngờ rằng họ có thể thay đổi. Đây là một hiệu ứng có thể quan sát được trong Phân tích Tương giao. Nhiều người vốn không bày tỏ chút mong muốn thay đổi đặc biệt nào đã được làm quen với thuyết Phân tích Tương giao thông qua các bài giảng hoặc nghe từ một ai đó. Kiến thức này đã tạo ra một sự phấn khích về các khả năng mới mẻ, dẫn dắt đến cuộc truy tầm xa hơn và một sự ấp ủ khát khao thay đổi. Cũng có kiểu bệnh nhân dù đang đau khổ với các triệu chứng gây hủy hoại vẫn không thật sự muốn thay đổi. Giao kèo điều trị của anh ta là: “Tôi hứa sẽ để anh giúp tôi nếu tôi không buộc phải cải thiện gì cả”. Tuy nhiên, thái độ tiêu cực này sẽ thay đổi khi bệnh nhân bắt đầu nhận thấy rằng có tồn tại một lối sống khác. Sự hiểu biết về cách hoạt động của mô hình P-A-C sẽ giúp cho Cái Tôi Người Lớn có khả năng khám phá ra các biên giới mới và thú vị của cuộc sống khám phá ra một mong muốn vốn tồn tại ở đó song đã bị chôn vùi dưới gánh nặng của cảm giác KHÔNG ỔN.