Năm 1990, chuỗi siêu thị Tang Frères mở rộng tại Paris. Anh em họ nhà Tang, với sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc, đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đồ Á Châu ở thủ đô ánh sáng. Thời đó, người Việt ta vẫn còn một siêu thì riêng cho cộng đồng. Đó là VinaParis. Siêu thị này có từ cả chục năm trước và đang thịnh vượng. Tôi còn nhớ lúc đi qua một siêu thị Tang Frères mới mở và nghe thấy mấy manager siêu thị bên đó cười khểnh : « thằng VinaParis, cho nó 6 tháng để tồn tại… ». Quả thật, tụi đó nói không sai: siêu thị của người Việt chỉ vài tháng sau là buộc phải đóng cửa, không cạnh tranh nổi với Tang Frères và ParisStore (một chuỗi nữa của người Trung Quốc cũng vừa đến…).
Về kinh doanh thì mỗi lần đụng độ, khó khi nào người Việt đọ nổi với người Hoa trong suốt lịch sử. VinaParis còn thiệt thòi hơn nữa vì các đối thủ được cả nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Vậy mà ngày xưa đã có một doanh nhân người Việt đánh thắng được cả người Hoa và Pháp ở Bắc Kỳ. Đó là doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Một doanh nhân đích thực, sờ đến cái gì là biến nó thành vàng. Một ông vua Midas! Khác với nhiều đại gia bất động sản ngày nay, ông Bạch Thái Bưởi không làm giàu bằng đất. Mà thời đó muốn làm cái đó cũng chẳng được: đời nào một ông người “Annamite” mà lại có cửa đi cấu kết với quan chức Pháp để thao túng quỹ đất Đông Dương. May ra mấy người Pháp với nhau thì còn có thể! Không, ông Bưởi không phải loại doanh nhân đó. Ông tiến lên từ hai bàn tay trắng. Và rất nhanh!
Sinh ra năm 1874 ở Hà Đông trong một gia đình công giáo nhưng chẳng giàu có gì. Lúc 21 tuổi, ông quyết định đi thật xa để mở mang đầu óc. Cơ hội đến khi có triển lãm Quốc Tế ở Bordeaux (Pháp). Ông Bưởi không bỏ qua và lên tàu. Ông làm việc khuân vác và các nghề chân tay để kiếm sống. Chuyến du lịch tuy không dài nhưng giúp ông học được một điều: Đông Dương thời đó có rất nhiều cơ hội làm giàu, chỉ vấn đề là có đủ quyết tâm hay không!
Năm 1894, toàn quyền Armand Rousseau cho quy hoạch Hà Nội. Thành phố được biến đổi thành thủ đô Đông Dương. Cầu Sông Hồng (cầu Long Biên sau này), hệ thống cống, điện, nước, nhà: tất cả thế giới hiện đại đang dần hiện lên ở Hà Nội. Thành cổ bị tháo dỡ, để mở rộng các phố, bởi một nhà thầu người bản xứ. Ông Bạch Thái Bưởi đã nhìn thấy cơ hội vàng ở thủ đô trên sông Hồng. Năm 1898, dưới thời toàn quyền Paul Doumer, Hà Nội thực sự bước vào những thay đổi lớn. Một trong những nhà thầu tham gia đổi mới bộ mặt thành phố lúc đó có Bạch Thái Bưởi. Ông đã tham gia nhận một gói thầu nhỏ trong công trình cầu sông Hồng. Ngày nay đi qua cầu Long Biên, nhiều người dân Hà Nội không biết rằng cũng đã có phần nào công của doanh nhân tài ba này.
Khởi đầu tốt nhưng không phải dễ dàng. Ông chuyển sang kinh doanh gỗ để cấp cho ngành đường sắt. Với 2300km đường tàu Bắc Nam và khúc Lào Cai – Côn Minh đang xây dựng, ông Bưởi nhìn ra nhu cầu gỗ rất lớn để lắp đường ray. Không may, ông Bưởi gần như mất sạch tài sản sau khi thất bại trong buôn ngô. Cái đó chẳng chặn được ông. Với tài sản còn lại, ông Bưởi mua lại được sàn đấu giá và giao thương Nam Định. Ông dần kiếm lại sô tiền mất đi.
Nhưng chưa hết ! Vào đầu thế kỷ 20, ngành vận tải và vận chuyển khách đường sông/ven biển nằm trong tay người Hoa (80%) và Pháp (20%). Phải thực sự rất «liều mạng» mới dám nhảy vào cạnh tranh với họ. Thế nhưng ông Bạch Thái Bưởi đã làm nhiệm vụ bất khả thi này. Năm 1909, nhân cơ hội hợp đồng khai thác của chủ tàu Pháp Marty kết thúc, ông Bưởi thuê 3 tàu sông và được chính quyền Đông Dương cấp phép lưu hành các chuyến nối Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng, thay cho hãng Marty. Ngành hàng hải sẽ chứng minh cho thiên hạ tài năng tuyệt vời của ông trong kinh doanh. Ban đầu, những chủ tàu người Hoa chỉ coi thường ông : một kẻ « Annamite » thấp cổ bé họng làm gì có cửa cạnh trạnh với họ. Thế nhưng họ dần lo lắng khi công ty Bạch Thái Bưởi ngày một đông khách, ngày một mạnh lên. Trò cạnh tranh bẩn bắt đầu từ đây (y như cách Tang Frères làm với VinaParis năm 1990) : tất cả chủ tàu người Hoa, dùng thế lực cộng đồng, chung sức đập Bạch Thái Bưởi. Họ bắt đầu giảm giá một cách thê thảm, có lúc chỉ còn bằng 1/10 giá thời đầu 1909. Mục đích là xóa mọi cơ hội sống của doanh nhân Việt mới vào nghề.
Tình hình căng thẳng nhưng ông Bưởi đã tìm ra một sáng kiến marketing thiên tài: ông chơi con bài tinh thần cộng đồng người Việt để chiến thắng những ông chủ người Hoa. Tương kế tựu kế, chúng mày chơi cộng đồng thì tao cũng chơi đây ! Ông quảng cáo đề cao tinh thần người Việt phải nên sử dụng dịch vụ vận tải Việt. Nhìn đây là thấy rằng anh Vượng Vin chẳng phải người sáng kiến ra cái khẩu ngữ này. Nhờ cái đó và một dịch vụ rất nghiêm chỉnh về chất lượng, doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi dần trở thành số một ngoài Bắc, hạ đo ván tất cả chủ tàu người Hoa và Pháp. Năm 1910, ông mua lại luôn cả công ty vận tải đường sông Hồng Deschwanden (Pháp) và cả xưởng đóng-sửa tàu Abbadie. Ông Bạch Thái Bưởi đã đóng ở xưởng này hơn một chục tàu cỡ 100 tấn. Năm 1920, doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi sở hữu 30 tàu thủy các loại với tổng số 5000 tấn (giãn nước). Ông Bưởi trở thành người giàu nhất Bắc Kỳ năm đó. Năm 1921 là một năm đặc biệt : chính phủ Pháp tặng ông Bắc Đẩu Bội Tinh (cấp officier, cao hơn một bậc cấp chevalier của chị Thảo Vietjet) và ông được mời tham gia ủy ban «Chống ung thư bằng công nghệ Radium ». Ông là một trong hai người Việt trong ủy ban này (người thứ hai là tổng đốc Hoàng Trọng Phu). Ủy ban đã có công lớn trông việc xây dựng viện Curie Hà Nội, trung tâm chữa ung thư số một Châu Á trước 1945 (sau đó là Viện Radium và sau 1954 là bệnh viện K).
Để đảm bảo đủ đầu vào than cho các tàu thủy và phát điện cho các xưởng đóng tàu, ông Bưởi còn mua lại cả một mỏ than năm 1925 từ tay người Pháp (khu nhượng địa Fabien et Alexandre) rồi xây nhà máy điện riêng. Đây đúng là một doanh nhân hiếm có ở nước ta. Bạch-Thái-Bưởi là một tấm gương đáng khâm phục về ý chí, nghị lực, sức mạnh làm việc và sự sáng tạo. Ông Bạch Thái Bưởi mất ở Hà Nội năm 1932, 28 năm trước Công Tư Hợp Doanh…