Rộng lớn về nội dung phản ánh, đồ sộ về lượng tri thức, bao dung về góc nhìn, Columbus trong mắt của Laurence Bergreen không phải một vĩ nhân cao vời, nhưng cũng không phải một cá thể bình thường vô lý và cực đoan.
Columbus: Bốn Chuyến Hải Hành (1492-1504)
Tháng 1 năm 2019, Columbus – Bốn chuyến hải hành (1492 – 1504) của tác giả Laurence Bergreen ra mắt công chúng Việt Nam. Cuốn sách được tác giả dựa trên ghi chép của Columbus và những người đồng hành, cũng như công trình của các sử gia cùng thời và sau thời của nhà thám hiểm. Chính vì thế, Columbus – Bốn chuyến hải hành không phải là tuyển tập nhật ký hành trình của Columbus, mà rộng hơn, là câu chuyện được tổng hợp và kể lại bởi sử gia của thế kỷ XXI – Laurence Bergreen – về những chuyến đi về phía Tây của vị Đô đốc đại dương; là cả một thế giới rộng lớn trải dài từ biển cả, hải đảo, cho đến… lục địa; là “sự thật” xung quanh đời sống của người đã ghi danh vào lịch sử tìm ra châu Mỹ.
Phần lớn mọi người đều cho rằng, Columbus chỉ thực hiện một chuyến hải hành để tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, Bergreen lại có suy nghĩ khác. Ông cho rằng, trong suốt một thập kỷ từ 1492-1504, Columbus đã dong buồm bốn lần đến mảnh đất kia, lần đầu là khám phá, lần thứ hai là chinh phục, lần thứ ba là thời kỳ suy tàn của nhà thám hiểm, và lần thứ tư, đánh dấu “Ngày Columbus” lập công cho thế giới.
Columbus – Nhà truyền giáo nhiệt thành được Chúa giao sứ mệnh
Dưới sự bảo trợ của vị Quân chủ Công giáo – Isabella xứ Castile và Ferdinand xứ Aragon – Columbus cùng những thủy thủ trên ba con tàu Niña, Pinta và Santa María khởi hành từ Tây Ban Nha, hướng về phía Tây, với hy vọng có thể đến Ấn Độ, tìm ra lục địa Trung Hoa và bán đảo nằm ở phía Đông Trung Hoa có tên gọi Cipango – nghĩa là Nhật Bản.
Với mong muốn truyền bá giáo lý Công giáo, Columbus tự cho rằng mình là “người mang cây thánh giá”, có nhiệm vụ đem ánh sáng đến với những con người vô thần ở ngoài kia. Chính vì tâm lý đó, khi đặt chân đến Cuba (mà ông tưởng là Ấn Độ), nhìn những con người nói thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt, không mặc quần áo, lại rất nhiệt tình, tốt bụng với các vị khách lạ, Columbus đã nung nấu ý định “cải đạo” cho họ, để những con người đó trở nên văn minh hơn.
Tuy nhiên, ý tưởng về nô lệ cũng manh nha trong đầu ông, khi nhìn thấy những người trần truồng và thiếu thốn mọi thứ. Ông phân tích cực kỳ nhanh nhạy: “Họ hẳn sẽ là những nô lệ tốt, và có kỹ năng tốt, vì tôi thấy họ nhắc lại rất nhanh bất cứ điều gì được nói với họ.” Cũng trong chính khoảnh khắc này, ông đánh giá: “Dễ dàng để biến họ thành người Kito giáo, vì với tôi, dường như họ chẳng thuộc về tôn giáo nào.”
Như vậy, ý tưởng đầu tiên của Columbus khi đến một vùng đất mới là về việc cải đạo cho những cư dân hoàn toàn mới mẻ. Tự mang trên mình trách nhiệm của một nhà truyền giáo nhiệt thành được Chúa giao sứ mệnh, Columbus chỉ chấp nhận những trao đổi công bằng: các thủy thủ nhận vàng từ cư dân bản địa, và cư dân bản địa nhận lại từ họ hạt thủy tinh… Những nhận xét sớm nhất về người Cuba (mà Columbus vẫn tưởng nhầm là người Ấn) được ông ghi lại vài dòng trong nhật ký:
“Họ rất hiền lành và không biết ma quỷ là gì, cũng không giết người hay trộm cắp; họ không có vũ khí và nhút nhát đến mức cả trăm người bọn họ chạy trốn trước một người chúng ta, dù rằng họ có thể đang diễn trò với chúng ta. (…) Các Bệ hạ cần đưa ra quyết định biến họ thành người Kito giáo, vì tôi tin rằng nếu Người bắt đầu, trong một khoảng thời gian ngắn, Người sẽ cải đạo được vô vàn cư dân sang đức tin thiêng liêng của chúng ta, sẽ thu được nhiều đất đai của cải và tất cả những người này cho Tây Ban Nha.”
Đọc đến đây, có lẽ chúng ta cần đặt câu hỏi: Động lực cải đạo của Columbus dành cho những cư dân bản địa xuất phát từ điều gì? Liệu Columbus có phải chỉ là một người truyền giáo đơn thuần không?
Columbus – Nhà thám hiểm nhiều mộng tưởng và tham vọng
Tất nhiên, Columbus không dừng lại ở một nhà truyền giáo, và “nhà truyền giáo” chắc chắn không phải từ chính xác nhất để định nghĩa về ông. Đan xen với những ham muốn cải đạo cho người dân bản địa, L. Bergreen còn cài vào trong cuốn sách của mình rất-nhiều chi tiết khẳng định Columbus là một nhà thám hiểm – tham vọng và nhiều mộng tưởng.
Đầu tiên, ông lên đường về phía Tây cùng với danh hiệu Đô đốc Đại dương, và một chức danh đầy hứa hẹn: Phó vương Ấn Độ. Tức là, nếu tìm ra Ấn Độ, Columbus sẽ trở thành phó vương – người cai quản cả một vùng đất rộng lớn chỉ sau Isabella và Ferdinand. Hành trình tìm kiếm Ấn Độ của Columbus, chính vì vậy, còn thấm đẫm một ham muốn sở hữu và tham vọng nắm quyền lực.
Nhà thám hiểm Columbus còn là người chịu ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc bởi Marco Polo – nhà du hành sống cách ông tầm hai thế kỷ. Columbus dường như bị ám ảnh bởi vùng đất dát vàng mà Marco Polo kể lại trong chuyến du hành của mình. Đó không phải lục địa Trung Hoa, không phải Ấn Độ, mà là Nhật Bản. “Nhật Bản” trong những câu chuyện của Marco Polo, là đất nước của vàng ròng, đất nước của sự xa hoa và giàu có, là đất nước bí ẩn vào bậc nhất đối với các nhà du hành. Chính vì vậy, Columbus cũng tìm kiếm một Cipango đầy ắp vàng, để thỏa mãn cho mộng tưởng mà những trang viết của Marco Polo đã gieo rắc vào tâm tưởng ông.
(Ảnh: DeAgostini/Getty Images)
Thế nhưng, chúng ta cũng không thể quên rằng Columbus, đầu tiên, vẫn là một nhà thám hiểm kỳ cựu trên biển. Hành trình của ông không đơn giản chỉ dựa vào la bàn, thước đo độ, chỉ dẫn thiên văn, các số liệu địa lý, “cực Bắc địa lý” hay “cực Bắc từ” (nơi trường điện từ của Trái Đất bất ngờ chỉ xuống),… mà đặc biệt hơn, Columbus có cảm nhận thiên phú về biển, gió và thời tiết. Theo L. Bergreen, Columbus có “khả năng dẫn đường dự đoán, nghĩa là đi biển theo kinh nghiệm, ước lượng thời gian và khoảng cách bằng những dụng cụ đơn giản như dây phao hay mốc bờ. Ông là một bậc thầy về trực giác khi thông thạo những cách thức cổ xưa nhất trong nghề hàng hải”. Chính vì tất cả những thứ đó, chuyến hải hành của ông dựa trên kinh nghiệm nhiều hơn là lý thuyết. Và cũng chính vì tất cả những thứ đó, mặc cho những điều cực đoan, đau khổ, tham lam do ông trực tiếp hay gián tiếp gây ra, Columbus vẫn xứng đáng là một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất, người đánh dấu sự thắng thế của những cuộc phát kiến địa lý, và mở ra kỷ nguyên giao thương của thế giới.
Trong Columbus – Bốn chuyến hải hành, L. Bergreen cũng cung cấp cho người đọc tiểu sử tương đối đầy đủ và chi tiết về C. Columbus. Ông sinh ra, lớn lên ở đâu, trong bối cảnh loạn lạc như thế nào, và đã có bao nhiêu cuộc phiêu lưu trước đó. Bergreen phân tích toàn bộ những yếu tố tạo tên con người Columbus: từ ý nghĩa cái tên, cho đến bối cảnh xã hội Genoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rối ren từ 1291-1492, để rồi chính tác giả kết luận: Columbus là đứa con của Genoa – Genoa chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của Columbus.
Là một sử gia, nhà biên niên sử, cũng là một nhà tiểu sử, L. Bergreen đã tái hiện lại cả cuộc đời từ lúc còn bé cho đến khi lìa đời của C. Columbus trong hơn 500 trang sách, dưới sự trợ giúp của hàng trăm đầu sách, tạp chí tham khảo. Columbus – Bốn chuyến hải hành rộng lớn về nội dung phản ánh, đồ sộ về lượng tri thức, bao dung về góc nhìn. Columbus trong mắt của L. Bergreen không phải một vĩ nhân cao vời, nhưng cũng không phải một cá thể bình thường vô lý và cực đoan. Columbus – trong cái nhìn của Bergreen – là một nhân vật lịch sử từng thực hiện bốn chuyến hải hành đến Tân thế giới, mang trong mình cả huyễn tưởng lẫn mục đích thực tiễn trong việc khai thác vùng đất mới.
“Do tất cả sự khinh miệt mà Columbus phải chịu đựng, bốn chuyến hải hành của ông đã làm nên một trong những câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất trong lịch sử. Mặc dù ông không phải là nhà thám hiểm đầu tiên nhìn thấy hay đến thăm những bến bờ xa xôi của châu Mỹ, nhưng khám phá của ông đã vĩnh viễn gieo trông một thực tế về Tân Thế giới trong trí tưởng tượng – và những âm mưu chính trị – của Cựu Thế giới. Columbus đã thay đổi mãi mãi ý tưởng về hình ảnh của một đế chế châu Âu. Ông có một tầm nhìn – và đồng thời là sự ảo tưởng – để hình dung, và tự thuyết phục mình cùng những người khác rằng ông đã tìm ra một thứ gì đó rất bao la, quan trọng, và lâu dài.”
Và dù rằng cho đến khi nhắm mắt, Columbus vẫn không biết rằng mình đã thất bại trong việc kiếm tìm Ấn Độ, thì chuyến đi của ông – cũng như cuộc đời của nhà thám hiểm, cho đến nay, vẫn là một nguồn cảm hứng bất tận cho những kẻ mộng mơ.
Dương Nguyễn
Xem thêm thông tin sách Tại Đây
Bài viết liên quan: Bốn chuyển hải hành: Câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của Columbus