Đọc “Uyên ương gãy cánh” mà ngỡ như Xuân Diệu viết văn xuôi vì cái chất thi vị trong đó!

by admin

Trong “Uyên ương gãy cánh”, tình yêu đối với Gibran và Selma, người nữ nhân vật chính, là chân lý, cái đẹp, Thượng đế, là trọn vẹn xác hồn cùng sự sống của đôi lứa, là mọi sự trên trần thế, niềm tưởng tiếc khôn nguôi và lời hẹn hò son sắt tới quá bên kia cái chết. Dưới đây, Trạm Đọc xin trích lại 2 chương đầu của cuốn sách để bạn đọc thấy được cái thi vị, đam mê và xót xa ấy.

Uyên Ương Gãy Cánh
Uyên Ương Gãy Cánh

 

Lời mở đầu

 

Tôi được tình yêu mở mắt năm mười tám tuổi với những tia sáng kỳ diệu của nó, và tinh thần tôi được nó chạm tới lần đầu tiên bằng những ngón tay nồng nàn. Selma Karamy là người nữ đầu tiên đánh thức tinh thần tôi bằng vẻ đẹp của nàng và dẫn tôi vào khu vườn chất ngất thương cảm nơi ngày ngày đi qua như những giấc mộng và đêm đêm như những tối tân hôn.

Selma là người dạy tôi thờ phụng cái đẹp bằng nhan sắc chuẩn mực của nàng và vén lộ cho tôi bí mật tình yêu bằng lòng thương cảm của nàng. Nàng là người đầu tiên hát cho tôi nghe những bài thơ của cuộc đời chân chính.

Người tuổi trẻ nào khi nhớ lại mối tình đầu của mình và ra sức nắm bắt trở lại giờ khắc lạ thường ấy thì hồi ức đó làm thay đổi cảm xúc sâu xa nhất của y khiến y cảm thấy quá đỗi hạnh phúc, bất chấp mọi đắng cay trong bí nhiệm của nó.

Cuộc đời người tuổi trẻ nào cũng có một “Selma”, kẻ hốt nhiên xuất hiện với y giữa mùa xuân cuộc đời, chuyển biến nỗi cô đơn của y thành những khoảnh khắc hạnh phúc và làm những đêm dài tịch mịch của y chan chứa âm nhạc.

Thuở đó, trong khi tôi đang mê mải với ý nghĩ và miệt mài với trầm tư, tìm cách thấu hiểu ý nghĩa của thiên nhiên cùng mặc khải của sách vở và sách thánh thì nghe tiếng tình yêu thầm thì bên tai qua đôi môi của Selma. Cuộc sống của tôi là một cơn hôn mê trống rỗng, như cuộc sống của Adam trong vườn Địa đàng, và rồi tôi bỗng thấy Selma đứng ngay trước mặt mình như một cột ánh sáng. Nàng là Eva của trái tim tôi, một Eva làm cho tâm hồn tôi tràn ngập những bí ẩn cùng những kỳ diệu và làm cho tinh thần tôi thấu hiểu ý nghĩa cuộc đời.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Metropolitan Museum of Art

Nàng Eva đầu tiên của loài người dẫn Adam ra khỏi vườn Địa đàng bằng ý muốn của chính nàng, ngược lại Selma, nàng Eva của tôi, khiến cho tôi tự nguyện đi vào vườn địa đàng tình yêu thuần khiết và đức hạnh bằng sự dịu ngọt và tình yêu của nàng. Tuy thế, điều xảy ra cho người đàn ông đầu tiên cũng đã xảy ra cho tôi, và thanh gươm sáng lóe xua đuổi Adam ra khỏi vườn Địa đàng cũng giống với cái đã làm tôi kinh hãi các cạnh sắc lấp lánh của nó và bức bách tôi ra khỏi vườn địa đàng tình yêu cho dẫu tôi không bất tuân mệnh lệnh nào, cũng chẳng nếm vị trái cấm nào.

Giờ đây, sau nhiều năm trôi qua, tôi chẳng còn lại gì của giấc mộng tuyệt diệu ấy ngoài những hồi ức đau đớn dồn dập như những chiếc cánh vô hình đang vỗ chung quanh mình, làm mọi chốn sâu thẳm trong tâm hồn tôi tràn ngập khổ não và mang nước mắt đến trên đôi mắt tôi. Selma xinh đẹp, người tôi thương yêu đã chết, chẳng để lại gì cho tôi tưởng niệm ngoài con tim tan vỡ của tôi và nấm mồ của nàng với những cây bách bao quanh. Nấm mồ ấy và con tim này là tất cả những gì lưu lại để làm chứng về Selma.

Không khí tịch lặng canh giữ nấm mồ không vén lộ bí mật của Thượng đế trong chốn áo quan mịt mùng, và âm thanh sột soạt của những cành cây mà rễ chúng hút các thành tố của hình hài ấy không kể cho nghe những bí ẩn của huyệt mộ; chỉ có tiếng thở dài ảo não của con tim tôi báo cho người đang sống biết một thảm kịch thể hiện tình yêu, cái đẹp và sự chết.
Hỡi các bằng hữu thời thanh xuân của tôi, những kẻ giờ đây mỗi người một nơi trong thành phố Beirut, có bao giờ đi ngang nghĩa trang gần rừng thông đó, xin các bạn hãy thinh lặng ghé vào và đi chầm chậm để tiếng bước chân không làm rộn giấc ngủ của người đã qua đời. Và xin khiêm tốn dừng lại bên mồ của Selma, nghiêng mình chào mặt đất đang ủ kín hình hài nàng, và hãy nhắc đến tên tôi với tiếng thở rất dài rồi nói với mình rằng: “Đây là nơi chôn cất mọi hy vọng của Gibran, kẻ đang sống như người tù ở chốn bên kia biển. Tại nơi này, hắn đã đánh mất hạnh phúc, khô cạn nước mắt và quên hết nụ cười.”

Bên nấm mồ ấy, khổ não của Gibran cùng lớn lên theo những cây bách. Trên nấm mồ ấy, tinh thần của Gibran hằng đêm lung linh tưởng nhớ Selma, đau đớn hiệp cùng cành bách cất tiếng khóc than thương tiếc sự ra đi của Selma, kẻ hôm qua là giai điệu tuyệt trần trên đôi môi cuộc đời và hôm nay là niềm bí mật im lìm trong lòng đất.
Hỡi các bằng hữu thời thanh xuân của tôi! Nhân danh những thiếu nữ được con tim các bạn yêu thương, tôi thỉnh cầu các bạn hãy đặt vòng hoa lên nấm mồ hoang lạnh của người tôi yêu thương. Vòng hoa ấy của các bạn sẽ như hạt sương rơi từ những con mắt rạng đông trên những cánh hồng đang héo úa.

 

Khổ não thầm lặng

 

Hỡi những người từng sống bên cạnh tôi, các bạn hồi tưởng bình minh của tuổi trẻ với hoan lạc và nuối tiếc sự trôi qua của nó, còn tôi, tôi nhớ tới nó như người tù nhớ lại những chấn song và xiềng xích trong ngục tối của mình. Các bạn nói tới những năm tháng thời thơ ấu và
thời thanh xuân như một kỷ nguyên hoàng kim, không chút âu lo, còn tôi, tôi gọi những năm tháng ấy là kỷ nguyên khổ não thầm lặng, như hạt mầm gieo xuống tâm hồn mình. Và cùng với nó tôi lớn lên, không tìm thấy lối ra khỏi thế giới của tri thức và minh triết cho tới khi tình yêu đến mở cánh cửa tâm hồn tôi và chiếu soi mọi xó xỉnh của nó.
vướng mắc tù túng và không

Tình yêu cho tôi tiếng nói và nước mắt. Các bạn hẳn còn nhớ các hoa viên và các cây hoa lan, các nơi họp mặt và các góc phố, tất cả làm chứng cho những trò chơi cùng những tiếng thì thầm hồn nhiên của các bạn, và tôi cũng thế, tôi nhớ chốn xinh đẹp ấy tại Bắc Liban. Mỗi lần nhắm mắt, tôi lại thấy các thung lũng ấy, tràn ngập kỳ diệu và chan chứa phẩm cách; và các ngọn núi ấy, phủ đầy vẻ lộng lẫy và vĩ đại, đang vươn hết sức mình lên bầu trời.

Mỗi lần khép đôi tại trước âm thanh rộn ràng chốn thành thị, tôi lại nghe tiếng thì thầm của các con lạch nhỏ ấy, tiếng xào xạc của các cành cây ấy. Tất cả những vẻ đẹp ấy – mà giờ đây tôi khao khát được thấy như trẻ con thèm bầu ngực mẹ – đã gây chấn thương cho tinh thần tôi và bị giam nhốt trong bóng tối thời thanh xuân tôi, như chim ưng khổ sở trong lồng khi thấy có đàn chim đang bay tự do giữa bầu trời cao rộng. Các thung lũng ấy, các ngọn đồi ấy đã chết trong trí tưởng của tôi ngoại trừ các ý nghĩ cay đắng dệt thành tấm lưới vô vọng vây bủa tâm hồn tôi.

sach-uyen-uong-gay-canh
Tác giả Kahlil Gibran

Lần nào ra tới cánh đồng tôi cũng thất vọng quay về mà không hiểu rõ tại sao mình thất vọng. Lần nào nhìn lên khung trời xám tôi cũng cảm thấy trái tim quặn thắt. Lần nào nghe tiếng hót của đàn chim và tiếng róc rách của con suối tôi cũng cảm thấy khổ sở mà không hiểu cái gì làm mình khổ sở. Người ta nói rằng biện luận làm con người thành trống rỗng và trống rỗng ấy làm con người ra hồn nhiên. Điều đó có thể đúng với những ai vừa sinh ra đã chết và những ai hiện hữu như những thây ma đông cứng, tuy thế một cậu bé đa cảm nhưng ít am hiểu lại là một sinh vật bất hạnh nhất dưới ánh mặt trời vì nó bị xâu xé giữa hai sức mạnh. Sức mạnh này nâng nó lên cao để thấy vẻ đẹp của cuộc hiện sinh qua đám mây trong giấc mộng, còn sức mạnh kia cột nó xuống đất, làm mắt nó phủ đầy bụi và chế ngự nó bằng sợ hãi và bóng tối.

Cô đơn có những bàn tay mềm mại mượt mà như lụa nhưng túm lấy trái tim bằng các ngón tay mạnh bạo, làm nó nhức buốt với khổ não. Cô đơn là bạn đồng minh của khổ não và cũng là bạn đồng hành với sự thăng hoa tâm linh.

Linh hồn cậu bé ấy trải qua cuộc vùi dập của khổ não, như đóa huệ trắng mới nở. Nó run rẩy trước gió nhẹ, mở trái tim ra với rạng đông và khép cánh lại khi bóng đêm tới. Nếu cậu bé không có thú tiêu khiển hoặc bạn hữu hoặc đồng đội trong các trò chơi chung, cuộc đời đối với nó sẽ giống một nhà tù chật chội trong đó nó hoàn toàn chỉ thấy lưới nhện và chỉ nghe tiếng côn trùng đang bò.

Khổ não ám ảnh tôi suốt thời trai trẻ không do bởi thiếu thú tiêu khiển vì tôi có thể có chúng. Cũng không do bởi thiếu bằng hữu vì tôi có thể kiếm ra bè bạn. Khổ não ấy gây nên bởi trăn trở nội tâm khiến tôi yêu thích cô đơn. Nó giết sở thích giải trí hoặc tiêu khiển trong tôi. Nó gỡ mất đôi cánh thanh xuân trên hai vai tôi và nó làm cho tôi trở nên như chiếc ao tù đọng với nước yên lặng trên bề mặt, phản chiếu các hình bóng, sắc màu của mây trời và cây cối chung quanh nhưng không thể tìm được lối để qua đó vừa hát ca vừa thoát ra biển.

Đó là cuộc sống của tôi trước năm tôi mười tám tuổi. Năm đó như một đỉnh núi trong đời tôi vì nó đánh thức trong tôi sự am hiểu và nó làm tôi thấu hiểu cuộc thăng trầm của loài người. Năm đó tôi được tái sinh, và nếu con người không được sinh ra lần nữa, cuộc đời của y sẽ vẫn là một trang trắng trong cuốn sách cuộc sinh tồn.

Trong năm đó, tôi thấy các thiên thần thiên đường nhìn tôi qua đôi mắt một người nữ xinh đẹp. Tôi cũng thấy các quỷ dữ hỏa ngục nổi cơn thịnh nộ trong trái tim của một người đàn ông độc hiểm. Kẻ nào không thấy thiên thần và quỷ dữ trong vẻ đẹp và trong tâm địa ác độc của cuộc đời sẽ còn rất lâu mới đạt tới sự am hiểu, và tinh thần của y sẽ trống rỗng lòng thương cảm.

——————— 

sach-uyen-uong-gay-canh
“Uyên ương gãy cánh” tái xuất bạn đọc với hình thức mới, phát hành bởi Omega Plus Books

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ước, người đã góp một bản dịch hay cho Uyên ương gãy cánh chia sẻ: Với những trang sách chan chứa tình người, tràn ngập hình ảnh thơ mộng, sóng sánh chất thơ và bát ngát hương vị cảm xúc, Uyên ương gãy cánh mang tình yêu xuống chiều sâu thẳm tận đáy hồn người với những lý luận ngọt ngào của trái tim, và nâng tình yêu lên độ cao nhất, bất diệt với thực tại siêu việt. Từ đó, người đang yêu đọc nó và mỗi sớm mai “Được thức dậy lúc rạng đông với con tim chắp cánh, đưa lời cảm tạ vì có thêm một ngày yêu thương nữa.”

Uyên ương gãy cánh nằm trong Tủ sách Triết lý – Tư tưởng, thuộc dự án Tủ sách Đời người của Omega Plus. Phiên bản này có bút tích đề tặng viết tay kèm chữ ký của Gibran bằng tiếng Ả Rập, sử dụng theo bản in đầu tiên bằng tiếng Ả Rập năm 1912. Sử dụng bộ tranh của chính Gibran.

You may also like

Leave a Comment