Đôi khi tác nhân gây ra những khó khăn của chúng ta không ai khác, mà chính là mình!

by admin

Có một thực tế ít được nhắc tới: Các nhà trị liệu cũng tìm tới các nhà trị liệu. Trên thực tế, trong quá trình đào tạo, đây là một yêu cầu bắt buộc trong tín chỉ lấy giấy phép hành nghề, để mai này chúng tôi sẽ trực tiếp hiểu được những gì bệnh nhân của mình sẽ trải qua. Chúng tôi học cách tiếp nhận ý kiến phản hồi, chịu đựng sự khó chịu, nhận biết được những điểm mù và khám phá tác động của quá khứ lẫn hành vi của chúng tôi lên chính bản thân mình và những người khác.

Có lẽ bạn nên gặp

Nhưng khi chúng tôi được cấp phép, mọi người đến để nghe lời khuyên của chúng tôi và… chúng tôi vẫn tiếp tục đi trị liệu. Không phải liên tục, không phải tất yếu, nhưng đôi khi trong sự nghiệp, đa số chúng tôi ngồi với các chuyên gia trị liệu khác, một phần để có chỗ đàm đạo về tác động tâm lý của công việc mà chúng tôi đang làm, một phần vì cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ và trị liệu giúp chúng tôi đối diện với những nỗi lo âu khi chúng ập đến.

Mà chúng sẽ tới, vì ai cũng có những nỗi âu lo, to có, bé có, mới có, cũ có, âm thầm có, xôn xao có, ti tỉ thứ.

Nỗi lo toan chung này minh chứng cho việc, suy cho cùng, chúng tôi cũng đâu phải ngoại lệ. Và với phát hiện này, chúng tôi có thể tạo ra một mối quan hệ khác với những bóng ma lo toan trong mình và chúng tôi không còn phải tự biện hộ nhằm thoát khỏi những suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu hoặc cố làm tê liệt cảm xúc bằng những trò tiêu khiển như ăn tì tì hay nốc thật nhiều rượu, ngồi lướt Internet (hoạt động mà đồng nghiệp tôi gọi là “thuốc giảm đau tức thời không cần kê công hiệu nhất”).

Một trong những bước quan trọng nhất của trị liệu là giúp mọi người chịu trách nhiệm về những khó khăn hiện tại của họ, bởi một khi nhận ra họ có thể (và phải) tạo dựng cuộc sống của chính mình, họ sẽ toàn quyền tạo ra sự thay đổi. Tuy nhiên, thường mọi người lại tin rằng, đa số các vấn đề của họ chỉ là tình cờ hay ngẫu nhiên, có thể nói là từ ngoại cảnh. Và nếu vấn đề đó là do kẻ khác và thứ khác, thứ trời ơi đất hỡi gây nên, thì cớ gì họ phải thay đổi bản thân? Dù họ có quyết định thay đổi, chẳng phải phần còn lại của thế giới sẽ vẫn giữ nguyên như cũ sao?

Đó là một luận điểm hợp lý. Nhưng cuộc sống nói chung không diễn ra như vậy.

Bạn có nhớ câu nói nổi tiếng “Tha nhân là địa ngục” của triết gia hiện sinh Sartre chứ? Đúng vậy! Thế giới đầy rẫy những người khó chịu (hay như John vẫn bảo “những thằng ngu”). Tôi cá là trong tích tắc, bạn có thể nhẩm ra trong đầu tên của năm người rất khó chịu – một số kẻ bạn luôn tìm cách tránh, một số khác bạn cũng luôn tránh nếu hai người không có họ hàng. Nhưng đôi khi, chúng ta không nhận ra rằng những người khó chịu đó lại chính là chúng ta.

Đúng vậy! Đôi khi chúng ta chính là địa ngục.

Đôi khi tác nhân gây ra những khó khăn của chúng ta không ai khác chính là mình. Và nếu chúng ta tự thoát ra khỏi đó, kỳ tích sẽ xảy ra.

Một nhà trị liệu sẽ là chiếc gương soi chiếu cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân cũng có thể là chiếc gương soi chiếu cho các nhà trị liệu. Trị liệu không phải quá trình một chiều. Mỗi ngày, bệnh nhân lại đặt ra những câu hỏi khiến bản thân chúng tôi phải suy ngẫm. Nếu họ có thể hiểu bản thân rõ hơn qua ảnh phản chiếu của chúng tôi, chúng tôi cũng có thể hiểu chính mình hơn qua ảnh phản chiếu của họ. Điều này xảy ra với các nhà trị liệu khi chúng tôi thực hành trị liệu cho bệnh nhân, đồng thời nó cũng xảy ra với các nhà trị liệu của chính chúng tôi. Chúng ta là những tấm gương phản chiếu, chỉ cho nhau thấy những gì chúng ta chưa nhìn ra.

– Trích sách “Có lẽ bạn nên gặp ‘bác sĩ tâm lý’ của tác giả Lori Gottlieb – 

You may also like

Leave a Comment