Đồng tính luyến ái phổ biến đến mức nào ở Hy Lạp cổ đại?

by admin

Thời Hy Lạp cổ đại nổi tiếng về những hành vi đồng tính luyến ái giữa nam giới. Nhưng đồng tính luyến ái có phải được chấp nhận hoàn toàn không? Hay xã hội lúc đó vẫn xem hôn nhân như là một mối liên hệ giữa nam và nữ, và hetaerae [T/N: một dạng kỹ nữ cao cấp] nằm ở đâu trong bức tranh này? Và về cơ bản thì tình dục được nhìn nhận như thế nào ở Hy Lạp cổ đại?


Trước khi trả lời câu hỏi của bạn thì tôi phải phân tách các tiền đề căn bản ra, và nó là sai lầm nếu ta nghĩ hành vi tình dục đồng giới mặc nhiên là đặc điểm độc nhất của căn tính “gay”. Những ví dụ về ham muốn đồng giới hay tiếp xúc tình dục giữa những người có cùng giới tính trong những xã hội tiền hiện đại không thể bị mặc định xem như bao hàm tất cả những ý nghĩa xã hội, quan hệ, và đạo đức giống như nó đang có trong bối cảnh hiện đại.
Đây không phải là sự tránh né hay đơn giản chỉ là một vấn đề ngữ nghĩa, khách quan mà nói thì ta phải chú ý rằng việc là một người “gay”, “queer” hay “đồng tính” được định nghĩa phần lớn bởi những đối trọng của nó (thẳng, nam tính hay dị tính luyến ái). Tôi sẽ không đi quá sâu vào thời hiện đại để tránh phá vỡ luật R2, nhưng cần phải lưu ý rằng nhiều nhà tâm lý học hiện đại thường xem xu hướng tình dục như một phổ vì các cá nhân thường ít khi nào nằm hoàn toàn về hai cực.
Bỏ qua các vấn đề trên, cách chúng ta nghĩ về giới và tình dục có những khác biệt gốc rễ so với người Hy Lạp cổ đại. Chúng ta thường sử dụng tình dục như một phương thức nhận dạng có liên hệ với tính cách, vai trò giới tính và văn hóa, và xu hướng tình dục được định nghĩa chủ yếu là bằng việc lựa chọn bạn tình (nam, nữ, hoặc cả hai). Trong xã hội Hy Lạp cổ đại, tình dục cũng được quy định bởi những tập tục xã hội và cũng có liên hệ chặt chẽ với địa vị xã hội. Nhưng nó không được định nghĩa bởi việc lựa chọn bạn tình mà đúng hơn là được định nghĩa bởi vai trò của một người, tùy thuộc vào việc người đó có vai trò chủ động hay bị động.
Mặc dù điều này cũng đúng với nhiều thành bang khác của Hy Lạp, nhưng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào Athen và Sparta vì họ là hai thành bang mang tính biểu tượng và hay được thần thoại hóa nhất.
Sự phù hợp của một người với một vai trò nhất định không chỉ liên quan đến giới tính của người đó, mà tuổi tác và địa vị xã hội cũng là một phần thiết yếu của tình dục. James N. Davidson trong quyển Người Hy Lạp và Tình Yêu Hy Lạp [Greeks and Greek Love] cho rằng hệ thống cấp bậc dựa trên tuổi tác-giai cấp trong tình dục ở Hy Lạp có liên hệ với xã hội phân tầng tuổi tác-giai cấp của họ. Xenophon và Plato kể lại câu chuyện về chàng trai trẻ Critobulus say mê chàng Clinias đẹp trai và lớn tuổi hơn. Họ cũng kể rằng Socrates đã lên án hành động điên rồ của Critobulus. Vấn đề ở đây không phải là do anh ta bị hấp dẫn bởi một người đàn ông, mà là việc anh ta theo đuổi Clinias là đi ngược lại chuẩn mực xã hội và sự say mê của anh ta dành cho Clinias là dựa trên ngoại hình chứ không phải là trên một kết nối sâu sắc hơn.
Phụ nữ, trẻ em và nô lệ, tất cả họ đều có vai trò phụ thuộc trong xã hội vì họ không có quyền kiếm soát tài sản, và theo một mức nào đó là cả cơ thể của chính họ. Pais, từ để chỉ trẻ em, đôi khi cũng được dùng để chỉ nô lệ và mặc dù là tôi không muốn bạn hiểu nhầm là con cái của một công dân tự do có địa vị xã hội tương đương với một nô lệ, nhưng việc cùng một từ đó có thể được dùng để chỉ cả hai nhóm thể hiện rằng họ đều bị xem là thiếu năng lực tri thức và cảm xúc, là những thành viên bên lề trong xã hội Hy Lạp. Sự khác biệt về từ ngữ phân biệt một cách rõ ràng giữa những cá nhân có quyền kiểm soát cơ thể của chính mình và những nô lệ mà về mặt luật pháp và xã hội chỉ được xem là những cơ thể không có tiếng nói hay khả năng tự quyết, các từ andres (đàn ông) và gynaikes (phụ nữ) chỉ được dùng cho những người tự do và thường là những công dân của thành bang. Trong khi vai trò của phụ nữ vẫn là tương đối bị giới hạn và mốc trưởng thành của họ được định nghĩa rạch ròi bằng hôn nhân và thai sản, đàn ông phải đi qua quá trình chuyển tiếp từ từ từ một đứa trẻ cho đến một thành viên có đầy đủ năng lực trong xã hội thượng lưu ở Athen. Quá trình chuyển tiếp này có sự tham gia của rất nhiều tổ chức và nghi thức.
Đàn ông và phụ nữ đều bắt đầu cuộc đời mình như những đứa trẻ, gọi là paidika, nhưng họ phải đi qua những bước phát triển và nghi thức trưởng thành khác nhau. Một bé trai sẽ trở thành một* neos*, tức là một thiếu niên, và khoảng 18 đến 20 tuổi. Râu sẽ bắt đầu phủ lên hai má của cậu, và cơ thể của cậu dần trở nên nam tính hơn. Nếu bạn thắc mắc tại sao mốc dậy thì này có vẻ hơi trễ thì thật ra là thời tiền hiện đại các thanh thiếu niên đến tuổi dậy thì trễ hơn so với thời nay, vì nhiều lý do bao gồm dinh dưỡng và môi trường. Hầu hết đàn ông sẽ kết hôn vào khoảng 30 tuổi, túc là trùng với cái tuổi mà họ được xem là đã đạt đến đỉnh cao của sự trưởng thành.
Một bé gái sẽ trở thành một parthenos, từ có nghĩa tương đương với thiếu nữ hay trinh nữ, vào lúc cô đến tuổi dậy thì, tức là có đợt kinh nguyệt đầu tiên. Và đây là thời điểm mà phụ nữ được xem là quyến rũ nhất. Sau khi kết hôn và mất trinh, cô trở thành một nymphe, nhưng đây là một quá trình tạm thời hơn so với neos, vì cô sẽ trở thành một phụ nữ (gyne) sau khi hạ sinh đứa con đầu tiên.
Mặc dù phụ nữ được xem là thụ động và đàn ông trưởng thành là chủ động, những chàng trai trẻ, nhỏ tuổi hơn và đang trong quá trình chuyển biến từ bé trái thành đàn ông, cũng thường được xem là thụ động. Sự đối lập giữa chủ động/thụ động, “thông”/”bị thông” và thống trị/bị trị là một cách tóm tắt súc tích về quan niệm tình dục của xã hội Hy-La cổ, nhưng nó không phải là đầy đủ. Ví dụ như là không chỉ việc “bị thông” hay là tham gia vào hành vi tình dục với một nam giới khác mới bị kỳ thị, mà cả việc “thông” một người đàn ông hay chàng trai khác cũng bị xem là đáng xấu hổ. Hubris là một tội có định nghĩa khá rộng bao gồm công kích, nhục mạ, và phóng đãng gây hại đến danh dự hoặc sức khỏe của người khác bao gồm công kích vật lý, cưỡng hiếp, mại dâm, câu dẫn hay thực hiện hành vi tình dục với một người đàn ông hoặc phụ nữ tự do mà không phải là điếm hoặc, trong trường hợp của phụ nữ, mà chưa từng có hành vi tình dục ngoài giá thú. Mặc dù việc gộp tất cả các hành vi này vào cùng một tội có vẻ kỳ cục, nhưng nó sẽ khá có lý nếu chúng ta xem tất cả hành động đó như là những hành động có thể gây tổn hại đến danh tiếng và địa vị của người bị hại, và lý do cho những hành động đó không gì khác hơn là kẻ xâm hại muốn thỏa mãn dục vọng của mình. Và bạn cũng có thể thấy là nô lệ hoàn toàn không được nhắc đến trong đây vì họ không được xem là có quyền tự chủ trong xã hội Hy Lạp. Do nô lệ không có danh dự gì nên họ có thể bị tùy ý hạ nhục, và với tư cách là tài sản thì bất kỳ tổn thương nào được gây ra lên họ đều được xem là thiệt hại tài sản mà không phải là tổn thương vật lý, cảm xúc, hay tinh thần lên một cá nhân. Trên thực tế, lạm dụng thể chất là một phần mặc nhiên trong cuộc sống của những nô lệ xấu số.
Những người đàn ông thiếu năng lực ức chế tình dục hoặc là đi đá phò quá nhiều thật ra đang tự gây hại đến sự nam tính của mình vì họ thể hiện là mình thiếu khả năng tự kiềm chế. Trên thực tế, những kẻ lăng nhăng hay những người hay nhằm vào các chàng trai trẻ được gộp chung vào cùng một nhóm của những kẻ thiếu đạo đức về mặt tình dục, thèm khát khoái lạc, và bạo ngược. Điều này có thể xem là ngược lại với quan niệm hiện đại, khi mà sự ham muốn đối với nam và nữ được xem là đối ngược với nhau. Khi ta đã biết những điều này thì tình dục trong xã hội Hy-La nên được xem là sự đối lập giữa người theo đuổi/người được theo đuổi hơn là “thông”/”bị thông”, và chúng ta sẽ thây tầm quan trọng của tình dục không “thông” trong phần sau của câu trả lời này.
Hơn nữa, cách đàn ông nhìn nhận phụ nữ như một thực thể xã hội, một cơ thể vật lý, và một tồn tại tách biệt khỏi đàn ông có vai trò quan trọng đối với cách mà họ được xem như là những vật thể tình dục và bạn đời. Tình yêu giữa nam và nam và tình yêu giữa nam và nữ có những khác biệt căn bản trong tư tưởng của người Hy Lạp, bởi vì nam và nữ về căn bản là khác biệt, nhưng tôi sẽ nói về chủ đề này sau.

You may also like

Leave a Comment