ĐỪNG CHỌN AN NHÀN KHI CÒN TRẺ? 

by admin

3h sáng, Vân Anh (23 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) gửi nốt báo cáo cuối cùng cho sếp. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp cô thức đến sáng để giải quyết deadline.

Vân Anh làm việc toàn thời gian tại một công ty marketing. Sau giờ hành chính, cô duy trì công việc gia sư từ thời sinh viên, đồng thời xây dựng dự án cá nhân. “Hết giờ làm, tôi đến chỗ dạy thêm. Nhiều hôm, tôi về nhà lúc 22h nhưng vẫn phải hoàn thành bài tập hoặc làm nốt nhiệm vụ trên công ty”, cô kể.

Theo Vân Anh, khoảng 2 năm qua, cô thường xuyên mất ngủ, hay bị mẹ nhắc nhở “nhìn thiếu sức sống”. “Tôi thấy tinh thần mình rất tệ. Có những ngày bận quá, tôi dễ nổi cáu với người khác. Trước đây, tôi không nóng tính như vậy”, cô tâm sự.

Vĩnh Anh (26 tuổi, TP.HCM) đang hoàn thành nốt chương trình đại học, trong khi tham gia tình nguyện tại trạm y tế địa phương. Cô cũng nhận dịch sách tại nhà, đồng thời viết bài cho chuyên trang về y tế, phim ảnh.

Nữ sinh thừa nhận mình có thu nhập khá, có thể phụ giúp gia đình, trang trải sinh hoạt cá nhân và tiết kiệm. Tuy nhiên, sức nặng của từng đầu việc làm cô nhiều lần suy sụp. “Ở giai đoạn đầu, tôi còn sung sức, luôn hào hứng và sẵn sàng học hỏi. Tôi luôn tìm cách sáng tạo, đề xuất ý tưởng và không ngại thức khuya cày deadline. Nhưng sau đó tôi kiệt sức. Tôi bị hội chứng sợ bỏ lỡ, đi chơi với bạn mà cứ cầm điện thoại theo dõi công việc”, Vĩnh Anh kể lại.

Hay như Tiến Phúc (27 tuổi, TP.HCM), 2 năm qua, anh luôn cần đến thuốc an thần dạng nhẹ hoặc đồ uống có cồn để có thể đi ngủ. Theo Phúc, đây chính là hậu quả của việc anh lao lực, làm cùng lúc 2 công việc. “Tôi là nhân viên thiết kế full-time. Sau khi hoàn thành công việc, tôi nhận thêm dự án bên ngoài. Ban đầu, tôi nghĩ có thể cân đối được. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi làm mọi thứ rối tung”, anh nói.

Công việc phụ tốn thời gian nhiều hơn. Đối tác liên tục nhận xét, yêu cầu anh sửa file và hoàn thiện thủ tục hành chính với họ. Trong khi đó, cấp trên tại công ty cũng hối thúc anh gửi sản phẩm, họp nhóm, họp bộ phận và tư duy nhiệm vụ mới.

Áp lực dồn xuống từ nhiều phía, Phúc căng thẳng và luôn uống cà phê, nước tăng lực để tỉnh táo. Lượng cafein cần dùng tăng lên mỗi ngày, cà phê hòa tan không còn tác dụng với anh. Anh chuyển sang loại pha máy đậm đặc hơn, mỗi ngày 2-3 ly như vậy.

Nhưng Tiến Phúc vẫn muốn duy trì các công việc của mình để có mức thu nhập tốt hơn. Để tránh quá tải deadline, đồng thời có thì giờ tái tạo sức khỏe, giải pháp của anh là tìm thêm một cộng sự cùng thực hiện dự án ngoài cùng mình.

“Tôi nghĩ khi chúng ta phải làm thêm đến 2 công việc phụ bên cạnh việc chính, môi trường full-time có lẽ không cung cấp đủ điều kiện về lương bổng. Đó là dấu hiệu chúng ta cần cân nhắc nên chuyển việc nếu năng lực đủ ổn và đã học hết mọi thứ ở chỗ cũ”, Vĩnh Anh cho biết.

(Theo: Zing)

You may also like

Leave a Comment