Bạn đang cảm thấy mình chỉ có một mình, bản thân là một người cô độc sống đơn côi trong thế giới này và bạn đang nghĩ đến việc bỏ cuộc. Lúc này bạn hãy ngồi xuống đâu đó, lật mở từng trang “Radio Mưa và chậu cây Huyết dụ”, trải nghiệm câu chuyện của những người cô độc như chính bạn vậy! Nó là cuốn sách dành cho bạn.
Càng tỏ ra là mình ổn thì bạn lại càng cô độc trong thế giới do chính bạn tạo ra
Câu chuyện bắt đầu từ một ngày đi làm bình thường của Thư, một người dẫn chương trình radio đêm muộn – nơi dành cho những con người đang trằn trọc do mất ngủ vì ly cà phê, hay cho những con người đang găm trong mình một bầu tâm sự; và dành cho những ai cô độc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Thế hệ chúng ta quả giống như một lũ thần kinh phân liệt tin rằng việc lắng nghe người khác có thể tự chữa lành bản thân mình.
Việc giấu mặt qua sóng radio quả thật là một hành động thật hợp lý cho chúng ta. Nơi bạn có quyền nói và chia sẻ những điều mình muốn, theo cách bạn thích, mà không ai sợ bị đánh giá bởi ai.
Vì bạn không có ai tâm sự, không có ai để đưa ra chỉ dẫn nên đi con đường nào. Do vậy bạn cần Radio, cần một người bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, không phàn nàn về việc bạn phải sống như thế nào, phải hoàn hảo ra sao. Nhưng thay vào đó, đến với Radio cũng giống như bạn đi tìm cho mình một sức ép để “phá hủy” đi “chân lý” của cuộc sống này, xây dựng một “tòa lâu đài” nguy nga nhưng vô cùng lạnh lẽo cho chính bạn. Cũng giống như Thư, mẹ Thư hay toàn bộ những nhân vật trong Radio mưa và chậu cây Huyết dụ, họ đều là những người cô độc trong “tòa lâu đài” do chính họ tạo ra.
Có những điều tưởng chừng như rất bình thường, nó ở ngay trước mắt như những hàng cây Huyết dụ được trồng khắp đường nhưng chúng ta lại không thể nhìn được ra, vẫn tự mình đắm chìm trong cái “sức ép” của bản thân.
Có lẽ “sức ép” chính là một thứ kỳ lạ, với một số người nó hiệu quả một cách khủng khiếp. Sức ép càng lớn họ càng trở nên mạnh hơn. Nhưng cũng có những nhóm người không thể phát triển nổi khi gặp áp lực lớn. Những người như Thư, lại thuộc nhóm người thứ hai, luôn cảm thấy chán ghét những thứ xung quanh hơn là kỳ vọng vào những gì xảy ra ở tương lai. Họ luôn không có kết nối với nơi họ sống, luôn cảm thấy chỉ có một mình, đơn độc chiến đấu với tất cả.
Mọi câu chuyện cổ tích phải chăng đều là dối lừa
Trong những câu chuyện cổ tích mà chúng ta được nghe từ xa xưa, luôn có một vị hoàng tử hay một thiên thần xuất hiện cứu rỗi chúng ta sau những đau khổ. Liệu cổ tích có xuất hiện giữa đời thực?
Nếu bạn không tin thì hãy không tin, còn nếu đã tin thì cứ tin đi. Thực ra, nếu bạn tin rằng con đường khó khăn nhất thực ra là một món quà. Và nếu bạn cũng tin rằng bản thân mình sẽ đi được, có thể tới nơi mà nó dẫn tới, thì nhất định đừng bỏ cuộc. Vì đó chính là định mệnh của bạn.
Cái cảm giác về thứ gì đó rõ ràng tới độ ám ảnh, thì phải theo đuổi nó.
Trong đêm mưa gió ấy, bà An có lẽ đã ra đi mãi mãi mà chẳng ai hay. Bà đã phải chấp nhận làm việc xấu để được tiếp tục sống, và bà có niềm tin rằng: nếu bà sống, và rồi cứu được dù chỉ một đứa bé … đó chính là niềm tin của mẹ Thư. Bà đã chọn đi theo niềm tin của mình, và lúc đó, chẳng có thiên thần nào đứng cạnh an ủi cho quyết định ấy. Bà chọn và quyết tâm đi theo, ánh sáng sẽ xuất hiện nơi cuối con đường, nhất định bà sẽ đến được cái đích cuối.
Chúng ta ai rồi cũng sẽ có những lúc như vậy. Không có gì là hoàn hảo trăm phần trăm cả, ai rồi cũng sẽ phải phạm sai lầm, ai rồi cũng có những quyết định táo bạo. Nếu lúc đó đến, bạn hãy nhớ, tuy rằng bạn cô độc nhưng bạn có quyết tâm. Khi bạn vững tin vào mình cũng là lúc mọi bạn có thể nhìn thấy và phá bỏ mọi rào cản chắn ngay trước mắt mà bạn đã vô tình hoặc cố ý lơ chúng đi.
“Mọi thứ sẽ tốt thôi!” – Câu thần chú cho tâm hồn
Chuyện gì đi chăng nữa thì cũng sẽ đều đi tới hồi kết. Có thể nó sẽ tốn của bạn một tuần, một tháng, một năm… hay một đời người như của mẹ Thư hoặc có thể nhiều hơn thế nữa vào một thời gian không xác định được… nhưng mọi thứ sẽ từ từ tốt lên.
Chắc hẳn có rất nhiều người nói “tôi có một tuổi thơ dữ dội” nhưng bạn sẽ phải thốt lên rằng “nó chẳng là gì so với mẹ Thư”. Vậy nên bạn à, dù có sợ hãi hay ám ảnh gì đi nữa thì bạn hãy học cách tự quan tâm tới chính mình nhiều hơn. Việc giúp người khác không quan trọng bằng việc bạn giúp bạn vượt qua tất thảy đâu. Đừng tự mình ôm lấy cô đơn. Hãy tự giúp chính mình vượt qua! Hãy biến cô độc trở thành nguồn năng lượng tích cực để bạn vượt qua khó khăn trước.
Vì bạn không thể biết rằng đằng sau mỗi người là nhiều mệt mỏi thế nào, là những câu chuyện ra sao. Ai cũng đều có những lúc cô độc trong chính thế giới của mình đang sống, dù bạn hay tôi.
Nếu bạn đang mệt mỏi và chỉ có một mình, hãy tự thốt lên câu thần chú “Mọi thứ sẽ tốt thôi!” cho chính mình. Lắng nghe và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chính bạn, là một ánh sáng đặc biệt và không ai có thể thay thế được màu của ánh sáng ấy.
Hương Nguyễn