Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao lại được gọi là sách “giáo khoa”. Giáo khoa ở đây có nghĩa là thiết yếu, là mỗi người trẻ (hoặc đã từng trẻ) đều cần đọc.
Bài chia sẻ đến từ chị Trang Nguyễn (Thường được biết đến với tên gọi Trang Moon). Hiện chị đang công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nếu nói một cách hài hước, tôi có thể đánh giá rằng: Giá trị của cuốn sách không dễ đo đạc và dễ hấp dẫn như số đo ba vòng của các cô người mẫu, nhưng kể từ khi bạn bắt đầu trăn trở với những vấn đề về lẽ sống, cách sống của mình, và bắt gặp tên cuốn sách, rồi đọc hết nó, bạn sẽ biết rằng, có rất nhiều niềm vui khác ngoài niềm vui ngắm nghía các cô người đẹp, và những niềm vui đó sẽ khiến bạn thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn.
Đây nên là một cuốn sách giáo khoa gối đầu giường để vào đời cho tất cả những bạn trẻ đang chập chững với những trăn trở đầu đời về cuộc sống: “Tôi là ai”, “Tôi đến trái đất để làm gì”, và “Cuộc đời tôi sẽ như thế nào”. Kể cả khi không còn trẻ, đã học ở trường đời nhiều bài học cuộc sống, bạn vẫn có thể tìm thấy ở cuốn sách những giá trị, những lẽ phải mình tâm đắc, hoặc giờ mới ngộ ra, xoay quanh việc “Làm người và sống là con người”. Theo tác giả, cuộc đời con người sẽ có 3 việc chính: Làm người, Làm dân và Làm việc, và đó cũng là ba chương chính của cuốn sách. Phần cuối tác giả chia sẻ những triết lý về giáo dục mà cả đời tâm huyết của ông vẫn nặng gánh suy tư theo đuổi.
Với phần I, bằng cách kể những câu chuyện thú vị, tác giả dần dẫn dắt câu hỏi, bình luận xoay quanh “nên người”; “làm người”. Từ triết lý của Plato về mục đích sống, ông bàn đến lẽ sống, lẽ phải – những giá trị mà loài người hơn các loài vật khác. Khi lẽ phải được đặt lên trên cùng, con người sẽ sống và chiến đấu vì nó. Và để nhận biết được lẽ phải, chúng ta cần những tiếng gọi từ chính bên trong mỗi con người chúng ta. Để có được sự thức tỉnh thôi thúc bên trong đó, tất cả sẽ xoay quanh việc khai sáng trí óc, thấu hiểu trái tim, nuôi dưỡng văn hóa, tâm hồn.
Khi đó, chúng ta mạnh mẽ, trở thành những con người tự do/ tự trị, làm những gì chúng ta cho là lẽ phải, chứ không phải nô lệ của công danh, tiền bạc, lời bàn tán của xã hội hay bất cứ sức mạnh phi nghĩa nào. Khi đó chúng ta làm chủ bản thân, ta là sản phẩm của chính ta, ta có quyền làm ra chính ta. Xã hội cần những chủ thể để có thể tiến đến văn minh, vĩ đại.
Và để lẽ phải được thực thi, lại cần một cơ chế tự do, một nhà nước có đầy đủ chức năng tam quyền phân lập mà tác giả so sánh, chỉ điểm rất rõ rang trong phần II: Làm Dân. Phần III Làm việc phân tích cụ thể hơn những giá trị mà tác giả cho là đúng cho mỗi một mảng công việc chính trong xã hội mà mỗi con người tự do/tự trị sẽ nhận ra: “Bởi lẽ.. công dân thì khác với thần dân, ca sĩ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút, nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị, doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…”
Toàn bộ cuốn sách được viết rất logic, hệ thống. Tác giả có xu hướng thích sử dụng việc bẻ từ, bẻ câu chữ để phân tích cho sát sườn (Ví dụ: chính giáo – lương giáo – khoa giáo), cho ra nhẽ hai thái cực hay những kiểu thái độ trong phổ phẩm chất của bất cứ một công việc, ngành nghề, thái độ sống, ví dụ: doanh nhân hay là con buôn; ca sĩ hay là thợ hát. Có lẽ những đúc kết kinh nghiệm bao năm làm nghề sư phạm đã được tác giả đưa rất nhiều vào cuốn sách đầy tâm huyết này, để nó đến với người đọc qua rất nhiều ví dụ dễ hiểu, công thức thú vị, cách lặp lại và giải thích vấn đề cũng khiến một chủ đề khô khan như Việc Làm Người mà cuốn sách đề cập, trở nên dễ hiểu, dễ nhớ với ai thực sự đọc nó một cách tập trung.
Tôi vẫn đánh giá rất cao cuốn sách này dù đôi chỗ tôi vẫn kỳ vọng cao hơn. Ví dụ như những trích dẫn minh họa đưa ra tuy kinh điển và là chân lí muôn đời nhưng dẫu sao cũng đã được lan truyền khá nhiều, khán giả có lẽ sẽ kỳ vọng những câu chuyện mới mẻ hơn. Nhưng không vì thế mà những vấn đề mấu chốt tác giả đưa ra mất đi chân giá trị của nó. Đặc biệt quý báu bên cạnh tâm huyết của tác giả khi “lạm bàn” về những vấn đề dễ bị coi là khô khan, giáo điều, chính là việc cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quan, như một khung xương về cách con người và xã hội đã, đang và nên vận hành.
Rất cần cho các bạn trẻ! Cuốn sách như một tấm bản đồ đại cương để các bạn trẻ tự lần mò, khám phá, thêm thắt đường đi nước bước, tìm ra kho báu giá trị nhất đời mình.
Đôi nét về tác giả cuốn “Đúng việc”
Ông Giản Tư Trung là Hiệu trưởng Trường PACE – trường học chuyên biệt dành cho doanh nhân đầu tiên trong lịch sử kinh thương Việt Nam, đồng thời ông là Viện trưởng viện IRED và thành viên điều hành của một số hiệp hội nghiên cứu giáo dục có uy tín của khu vực và quốc tế. Là một nhà hoạt động giáo dục, Giản Tư Trung có những mối quan tâm đặc biệt dành cho giới trẻ và sách. Ông là một trong số những chuyên gia trong Hội đồng trao giải của giải thưởng Sách Hay.
“Trong những xã hội mà phần lớn trường không ra trường, thầy không ra thầy thì sách hay, sách quý sẽ có vai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội” – Giản Tư Trung.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Trangmoon.vn