FASHION DESIGNER – NGÀNH HỌC THỜI THƯỢNG HAY QUY CHUẨN

by admin

(Theo quan điểm cá nhân)

Và bài viết sẽ nói lên những suy nghĩ của mình về hệ thống đào tạo những người có ảnh hưởng to lớn đến nền thời trang nước nhà tương lai. Dù mình không học hay đào tạo gì trong ngành thời trang. Mình là 1 kẻ ngoại đạo chính hiệu.

Fashion designer – hay thân thương chúng ta hay gọi là “Nhà Thiết Kế Thời Trang”. Khái niệm Fashion Designer 4.0 có vẻ hơi lệch lạc đi nhiều khi có những “người” ở trên trời rơi xuống treo ngay 1 cái title to và oách trên profile social như là “Fashion Designer của Brand A” “Fashion Designer của Brand B” thực sự nói đến kim khâu mũi chỉ, lịch sử mĩ thuật còn chưa nắm được. Đau nhưng đúng – nó thể hiện được nhu cầu thị trường hiện tại, đang trẻ hóa dần và nhu cầu thưởng thức mĩ thuật cũng như thời trang, đã khác hơn rất nhiều so với người tiêu dùng trước. Ngành công nghiệp thời trang thế giới đang thay đổi và cách quy chuẩn hóa đặc thù tại Việt Nam cũng phải thay đổi theo.

Ngay cả ở quy mô thế giới chúng ta cũng chứng kiến sự thành danh của nhiều người không phải chuyên sâu quá nhiều về thời trang – chuyên sâu ở đây là họ được đào tạo chính quy tại các ngôi trường về fashion hàng đầu trên thế giới. Chính ra họ là người “tay ngang” vào trong ngành công nghiệp này, nhưng có nhiều yếu tố để họ thành công : mối quan hệ, câu chuyện đằng sau nhưng bản chất những con người này là những người tài năng, có một cái đầu am hiểu được thị trường cần gì – muốn gì và có những ý tưởng mới. Đó là lí do và thứ mà các tập đoàn lớn cần, việc thể hiện chúng thành các sản phẩm thực tế – đã có một đội ngũ “lành nghề” khác đảm nhiệm trong hệ sinh thái của các thương hiệu.

Virgil Abloh – cố fashion designer của Louis Vuitton menswear, founder của Offwhite cũng không phải là người đào tạo thời trang chính chuyên. Các bạn chắc thuộc làu biography của Virgil Abloh rồi, ông là một interior designer (Thiết kế nội thất) rồi cơ duyên với Kanye West – với Beentrill crew rồi Offwhite và trở thành fashion designer của LV.

Hedi Slimane, xì ke chúa của chúng ta. Hedi Slimane bắt đầu sự sáng tạo của mình không phải đến từ thời trang mà lại đến từ nhiếp ảnh/photography. Cơ duyên bắt đầu từ khi Hedi Slimane làm việc cùng Jean-Jacques Picart/ một trong những nhà tư vấn thời trang gạo cội. Ngay cả lúc mới vào làm cho thương hiệu Yves Saint Laurent, Hedi Slimane cũng bắt đầu với vị trí “Marketing Assistant” – Trợ lý Marketing. Còn những gì mà Hedi đã làm được với YSL, với Saint Laurent Paris, với Dior hay Celine thì hẳn chúng ta đều biết rồi.

Tom Ford, huyền thoại cũng như người vực dậy Gucci sau biến cố nội bộ tưởng như đánh đổ cả thương hiệu. Tom Ford cũng không xuất phát từ hệ thống đào tạo thời trang chính quy – ông xuất phát từ ngôi trường cao đẳng The New School về interior architecture (Kiến trúc nội thất). Chính sự thiếu chuyên môn và kinh nghiệm trong mảng thời trang khiến Tom Ford không hề được đánh giá cao khi ông mới gia nhập vào high fashion industry. Từ mảng PR (quan hệ truyền thông) của Chloe đến đi học những người khác với tư cách là trợ lí, nhưng Tom Ford vẫn không được đón nhận. Bước ngoặt tại Gucci đã chứng minh một con người tài năng, kiên trì và một tầm nhìn đột phá có thể thay đổi được cả một thương hiệu.

Vậy theo “Tiêu chuẩn” hiện tại thì như thế nào là một sinh viên đang học ngành thiết kế thời trang tài năng?

Theo nhiều người suy nghĩ và cách nhìn nhận bên ngoài thì một người được xem là sinh viên tài giỏi trong ngành thiết kế thời trang sẽ là có một bộ sưu tập/ một đồ án xuất hiện trong runway của một hệ thống trường đại học để debut hay bắt đầu công cuộc định vị tên tuổi của mình trong ngành công nghiệp thời trang này. Cầu kì có, chi tiết có, bay bổng có và sáng tạo cũng có – nhưng đối với cá nhân mình là một người vô cùng thực dụng thì tính ứng dụng rất rất ít – có khi bằng không.

Âu đây cũng lẽ là chuyện bình thường vì sức mạnh truyền thông hiện tại với các kênh báo chí, sự phát triển của nền tảng mạng xã hội cho phép đây là cơ hội để các trường tự hào quảng bá khả năng đào tạo cũng như lứa sinh viên của mình. Cộng thêm tính tò mò và hiếu kì của lượng người xem khổng lồ thì đó cũng là cơ hội để các bạn chứng tỏ. Mình hiểu và luôn hiểu, mặc dù tính ứng dụng là rất ít và mang tính trình diễn nhiều hơn. Nhưng nhìn vào đó, chúng ta cũng có thể thấy được khả năng xử lí chất liệu, thiết kế mà các bạn sinh viên mang tới – xét ở một tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Vậy câu hỏi đặt ra rằng : Liệu có ai hiểu điều đó hoặc các bạn thiết kế trẻ tài năng sẽ ra sao khi bước vào đời?

Cái gì quá cũng không tốt – việc xem và việc mua là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Để nói cho dễ hiểu như thế này thì khi các bạn xem 1 runway của thương hiệu couture hay cao cấp nào đấy, bạn thích nhưng nếu nói bạn mua mặc ra ngoài đường hay sử dụng cho một mục đích cụ thể (Cho rằng bạn có tiền luôn đi) – bạn có mua không? Uhmmm, chắc chúng ta sẽ suy nghĩ rất nhiều. “Đã mắt” không đồng nghĩa với việc “Sẽ mua”. Và thực tế đã chứng minh rõ ràng cụ thể – ngành thời trang và kinh tế khốc liệt chỉ cho sinh tồn từ 2,3 người trên hàng ngàn người xét trên quy mô toàn quốc đang mài dũa kinh sử và sống chết với thời trang.

Bạn mình – là một người đã từng học thời trang và đang phát triển rất tốt tại Việt Nam có nói rằng : “Hãy để các bạn ấy thoải mái tự do, thoải mái bay đi khi còn đang trong nhà trường. Vì sẽ chẳng được như vậy khi ra ngoài đời đâu”. Đúng vậy – Cuộc đua đến với danh hiệu “Fashion Designer” càng khốc liệt hơn khi hiện tại trong nước hoạt động đủ mạnh chỉ có vài chục thương hiệu lớn nhỏ. Nhưng hệ thống đào tạo sẽ lên tới hàng trăm hay hàng nghìn nhân sự liên quan đến ngành thời trang. Tất nhiên, số lượng công việc sẽ chỉ có hạn mà thôi. Đâu phải ai cũng là “Fashion Designer” như mong muốn đâu – vậy số sinh viên tốt nghiệp còn lại sẽ đi đâu.

Một hệ quả đau đầu cho các doanh nghiệp – từ lớn, vừa và nhỏ khi hệ thống đào tạo đang tập trung làm truyền thông và chăm chút cho cái danh hiệu “Fashion Designer” dành cho các sinh viên. Báo chí tung hô, truyền thông rầm rộ – các khóa học online cũng nhắm bắt vào các xu hướng “thời thượng” khi đưa ra các chương trình ngắn hạn “Làm thế nào để trở thành Fashion Designer?”. Tất cả, chỉ chăm chăm vào việc kiếm lợi cho mục đích còn việc làm hay đúng hơn là thỏa mãn các doanh nghiệp thực sự về thời trang. Là không đủ.

Tại sao lại không đủ?

Làm về thời trang hay trong ngành công nghiệp này. Không nhất thiết là Fashion Designer. Hệ thống đào tạo và truyền thông đang nhắm tới việc làm ra những hình ảnh về nghề thiết kế nhưng không giới thiệu quá nhiều (Có nhưng ít) về những người đứng sau cánh gà – những người trực tiếp làm ra các sản phẩm thời trang, biến những ý tưởng thành các items thực tế. Với bản thân kinh nghiệm ngụp lặn trong thời trang đường phố Việt Nam, hệ thống các local brands đang cực kì “khát” những người thiên về kĩ năng, về kĩ thuật. Tiêu biểu là làm rập, lên chi tiết và đảm bảo quy trình sản xuất. Các bạn sẽ nói là các cô chú hay thế hệ trước đã có skills rồi thì cần gì. Nhưng chắc chắn người hiểu chúng rõ hơn, hiểu về hơi thở của thời đại chắc chắn sẽ làm đúng ý hơn và hiệu quả công việc tốt hơn.

Fashion Designer chỉ là người lên ý tưởng, còn người làm chúng – là những người trực tiếp cầm kim khâu mũi chỉ, may chúng theo đúng idea/moodboard của Fashion Designer hay mình xin gọi là “Công nhân trình độ cao” hay Pattern Maker. Thì lực lượng này đang rất thiếu (ít nhất là trong mảng mình đang hoạt động). Lí do thì cũng đủ kiểu.

Thứ nhất là hệ thống sản xuất của Việt Nam đã quá cũ và quá đi vào tiêu chuẩn hóa. Từ các hệ thống ban đầu, các xưởng may/gia công đã quen với một form/rập đúng đường ni thước vải của những đồ casual như quần tây, áo sơ mi để xuất khẩu hay sử dụng nội địa. Còn những thứ khác phức tạp và đi ra khỏi tư duy an toàn đó, các xưởng sẽ chối ngay đi. Họ sẽ ưu tiên cho các lô hàng sản xuất dễ dàng, an toàn và số lượng lớn.

Thứ hai là các sinh viên được đào tạo để trở thành “Fashion Desinger”. Cái tôi to lớn được rèn giũa 4-5 năm đại học sẽ không cho phép họ trở thành “1 Công nhân trình độ cao” mà bắt buộc phải làm “Một nhà thiết kế thời trang”. Ngay lập tức vừa tốt nghiệp ra trường – Tiêu chí ban đầu của họ là lập 1 thương hiệu riêng mang tên mình, đầy hoài bão và tin tưởng thời trang của mình sẽ được công chúng đón nhận. Nhưng trời không đẹp như là mơ, thị trường vốn dĩ khó tính và ngày càng đòi hỏi tính ứng dụng cao. Chỉ số ít mới tồn tại được. Còn lại thì 1 là làm stylist, 2 là làm photographer, 3 là làm một cái gì đó còn chẳng liên quan đến ngành mình học.

Mình từng quen những bạn bè được học làm “Thiết kế thời trang” thì khổ thân, cuộc đời bạn ấy cũng khá lận đận – ba chìm bảy nổi. Song song, những người học về “Dệt may” và chuyên hóa về nó thì lại ổn định hơn và có một mức thu nhập ổn. Tất nhiên, không thể so sánh khập khiễng như vậy được. Mỗi nghề đều có cái hay, cái khó riêng và mọi thứ đều có cái giá của nó cả. Sự nổi tiếng, danh vọng, tiền tài etc..

Sự thật đến phũ phàng dành cho những ai hỏi mình “Em muốn làm Fashion Designer đấy”. Chúng ta đủ mà lại thiếu, thiếu nhiều thứ để khiến cả ngành công nghiệp này trẻ hóa đồng đều, kĩ năng cao đồng đều.

Cũng như vậy là về Fashion Business, Fashion Marketing, Fashion Forecast and Market Analysis. Thời trang là một ngành đặc thù, về việc quảng bá truyền thông, dự đoán về thị trường và xu hướng cũng hoàn toàn khác với các ngành về Thực Phẩm, Đồ Gia Dụng hay truyền thông. Nhưng nhìn vào các hệ thống đào tạo hiện tại – chưa có cái nào thực sự chuyên sâu để chúng ta có một lứa nhân sự cao cấp và chỉ giải quyết các vấn đề này. Thế giới bây giờ cũng dần từ bỏ “Fashion Designer” mà thay vào đó là “Creative Director” “Fashion Business Head” vv.vv vì họ cảm thấy rằng nhu cầu phát triển toàn diện tốt hơn chỉ là chăm chăm vào một cái nhà thiết kế thời trang đã khô cằn và chỉ chăm chăm phát triển những thứ mà các chuyên gia quan tâm.

Chuyên gia đánh giá tốt, nhưng chuyên gia không phải là người mua đồ. Khách hàng mới là người mua đồ, và để thuyết phục người ta mua đồ

phải có sự đồng nhất từ Fashion Designer, người sản xuất/Manufacturing – Supply chain, Marketing, PR chuyên về thời trang. Một cột mốc quan trọng nữa là trong 5 năm – 10 năm, Gen X hay Gen Y đã không còn là đối tượng chi tiền chủ yếu cho thời trang nữa mà là Gen Z. Và đặc thù thời trang của Gen Z như thế nào, văn hóa/pop – culture/sub – culture ra sao – chúng ta cũng thấy thời trang thế giới thay đổi rồi đấy.

Rõ ràng với các bạn đang học về thiết kế thời trang, mình luôn có một sự ngưỡng mộ vô cùng lớn vì các bạn làm ra những thứ mà người khác không làm được. Vốn dĩ cái ngành này nó đã là 1 cái phễu chắt lọc khắt khe và đào thải cũng nhiều nên chỉ cần các bạn đam mê và yêu cái nghề này thì với khối tài sản là kiến thức các bạn có – chắc chắn các bạn sẽ thành công mà thôi. Chỉ là đường thẳng hay đường vòng.

You may also like

Leave a Comment