Trải nghiệm tối ưu cũng là sợi dây giúp con người kết nối với chính bản thân mình. Một khi đã học được cách suy tư tốt, đặc biệt là khả năng quan sát nội tâm, ta sẽ bớt phải rong ruổi theo những mục tiêu mơ hồ và những giá trị phù phiếm. Ý nghĩa của việc “Hiểu chính mình” đã được nhìn thấu bởi các nhà suy tưởng từ hàng chục thế kỷ trước, như nhà triết gia vĩ đại Socrates (399 TCN) đã quan niệm: “Hiểu chính mình chính là cội nguồn của trí tuệ”.
Flow – Dòng Chảy
Chúng ta đang sống trong một xã hội với muôn vàn lựa chọn và hướng đi, cùng với đó cũng là sự va chạm hỗn độn của những giá trị và xung đột nội tâm. Bên cạnh đó, những hình ảnh, những mẩu tin ngắn gọn và những clip với độ dài vài dây trên mạng xã hội vẫn tìm đường len lỏi vào tâm trí chúng ta hằng ngày trong vô thức. Cuộc sống đang rộng mở trước vô số những cơ hội, nhưng cũng đang bị phân mảnh theo một cách chưa từng thấy. Vậy làm thế nào để tạo ra trật tự cho tâm trí, sống hạnh phúc hơn và từng bước thoát khỏi căn bệnh mang tên “đau khổ” của nhân loại? Tiến sĩ Tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đã mở ra cho chúng ta một con đường: đó chính là trạng thái “dòng chảy”, hay “flow”, để tạo ra những trải nghiệm tối ưu cho một cuộc sống trọn vẹn nhất.
Thuyết Dòng Chảy, từ một lĩnh vực trước đó còn mơ hồ và mới lạ, Mihaly Csikszentmihalyi dành toàn bộ sự nghiệp của mình để nghiên cứu về nó. Cuốn sách “Flow – Dòng Chảy” chính là thành quả cho sự tâm huyết và uyên bác của ông, bởi đây là một công trình đồ sộ mang giá trị triết lý sâu sắc và dựa trên nền tảng tri thức của khoa học thần kinh cũng như tâm lý học. Mục đích tối hậu của cuốn sách này là giúp người đọc tạo ra một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, và con đường để đi đến đó chính là những trải nghiệm tối ưu của dòng chảy.
Đã bao giờ bạn quá say sưa khi làm việc gì đó, như đọc sách, viết lách, chơi thể thao, v.v. đến mức bạn không còn chú ý đến bất kỳ điều gì về thế giới xung quanh mình, và thậm chí là về chính bản thân mình? Đó chính là ví dụ về trạng thái dòng chảy – một trạng thái mà ở đó, chúng ta hành động với mức độ tập trung tối đa cho một mục tiêu duy nhất và chỉ duy nhất, nắm quyền kiểm soát ý thức của chính mình và gạt bỏ hết những tiếng ồn không cần thiết xung quanh. Sứ mệnh của “Flow – Dòng Chảy” không chỉ hướng đến trạng thái tập trung cao độ ấy mà chúng ta ít nhiều đều có những lần trải nghiệm lẻ tẻ, mà thay vào đó là đưa dòng chảy vào toàn bộ cuộc sống của mình – công việc, sở thích và các mối quan hệ.
Trạng thái tập trung tuyệt đối mà trạng thái dòng chảy đem lại không chỉ tối ưu hiệu suất công việc mà còn đem đến sự thưởng thức đích thực; và khả năng thưởng thức này sẽ là chìa khóa cải thiện đáng kể chất lượng từng trải nghiệm của chúng ta – dù đó là công việc tưởng chừng như nhàm chán ta vẫn làm mỗi ngày. Như tác giả liên tục nhấn mạnh trong cuốn sách, rằng “Niềm vui không phụ thuộc vào những gì bạn làm mà là cách bạn làm nó”. Việc tập trung vào một công việc hay mục tiêu nhất định sẽ xóa tan đi những bóng mây mờ trong tâm trí, đem lại cảm giác bình an, thư thái. Sự đa nhiệm, trái lại, gây mất tập trung và là động cơ tạo ra thêm nhiều áp lực.
Trạng thái dòng chảy này trơn tru đến mức mục tiêu và những gì chúng ta đang làm thực tế đã hòa làm một, chúng cũng quan trọng như nhau và cùng đi trên một chặng đường. Hay như tác giả gọi tên, đó là những “trải nghiệm có mục đích tự thân”. Nếu quá tập trung vào mục tiêu thì mục tiêu ấy sẽ trở thành nhân tố gây sao nhãng, nhưng nếu xuôi theo “dòng chảy” và dồn trọn tâm trí vào hiện tại – vào những gì chúng ta đang làm, con người có thể phát huy được tối đa năng lực và sức sáng tạo của mình. Bởi lẽ “Mục đích của dòng chảy là để tiếp tục chảy, không phải để tìm kiếm một đỉnh cao hay một vùng đất không tưởng nào, mà là được tiếp tục ở trong dòng chảy. Vấn đề không phải là tiến về phía trước, mà là một dòng chảy liên tục; bạn di chuyển về phía trước để giữ cho dòng chảy tiếp tục”. Đây cũng chính là động lực to lớn của việc học trọn đời.
Khi thâm nhập vào trạng thái dòng chảy, đó cũng là lúc ta mất đi nhận thức về cái tôi của mình. Đừng sợ hãi điều này. Khi đã dồn toàn bộ trí lực cho những gì ta đang làm đến mức không còn một không gian cho ý niệm về bản thân mình. Trạng thái này được ví như khoảnh khắc giác ngộ của Đức Phật vậy, nhưng thay vì triệt tiêu ý niệm về cái tôi, dòng chảy lại giúp củng cố cái tôi, khiến nó trở nên tinh vi phức tạp hơn, nhờ những kỹ năng và nhận thức được mở rộng mà một trải nghiệm tối ưu mang lại.
Đặt vào bối cảnh công việc, đam mê, gia đình và các mối quan hệ khác, giá trị của dòng còn trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết. Việc luôn phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn và ưu tiên, những mục tiêu và áp lực khiến nội tâm của chúng ta không ngừng xung đột và rơi vào trạng thái entropy tâm thần – cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an.
Đưa dòng chảy vào từng khía cạnh của cuộc sống cũng chính là sống trong chánh niệm và rèn luyện lý trí, con người sẽ tỉnh táo hơn, bình yên hơn và thật sự chú tâm vào những gì đang diễn ra – dù đó là công việc, một cuộc trò chuyện với bạn bè, hay những khoảnh khắc tâm sự với bạn đời. Trong trạng thái dòng chảy, sự phân tâm của những nỗi lo vô lý và suy nghĩ không hữu ích đơn giản không có chỗ đứng. Bởi trải nghiệm tối ưu này cho ta toàn quyền kiểm soát ý thức, hành động và từ đó “quyết định nội hàm của cuộc sống”, hay theo một cách nói khác của tác giả “Để tìm thấy mục đích trong đau khổ, người ta phải diễn giải nó như một thử thách có thể vượt qua”.
Mặc cho những ý nghĩa to lớn mà dòng chảy mang lại, nó cũng không tránh khỏi những mặt tối. Bởi trạng thái dòng chảy không đảm bảo được đức hạnh của người trải nghiệm nó. Có lẽ Hitler cũng đã rất chuyên tâm và tận hưởng những trải nghiệm nhằm thực hiện mục tiêu man rợ của mình. Dẫu vậy, chúng ta luôn có thể rèn luyện một tư duy rõ ràng để phân biệt những hình thức có ích và gây hại của trải nghiệm tối ưu. Một mục tiêu tốt đẹp chính là một mục tiêu không làm tổn hại đến cơ hội thưởng thức cuộc sống của người khác.
Trải nghiệm tối ưu cũng là sợi dây giúp con người kết nối với chính bản thân mình. Một khi đã học được cách suy tư tốt, đặc biệt là khả năng quan sát nội tâm, ta sẽ bớt phải rong ruổi theo những mục tiêu mơ hồ và những giá trị phù phiếm. Ý nghĩa của việc “Hiểu chính mình” đã được nhìn thấu bởi các nhà suy tưởng từ hàng chục thế kỷ trước, như nhà triết gia vĩ đại Socrates (399 TCN) đã quan niệm: “Hiểu chính mình chính là cội nguồn của trí tuệ”.