Hiện không ít người trẻ cho biết họ đang phải đánh đổi nhiều thứ khi theo đuổi xu hướng làm việc này…
Làm chủ thời gian, được làm công việc yêu thích
Quỳnh Như (26 tuổi, ngụ Đà Lạt, Lâm Đồng) bắt đầu ngày mới bằng việc đăng lên trang cá nhân tấm ảnh check-in tại quán cà phê có view hướng ra Hồ Xuân Hương vẫn còn bảng lảng hơi sương. Sáng nay, Như có hẹn chụp ảnh cho nữ du khách tại đây vào lúc 9h.
Trong lúc chờ khách đến, cô tranh thủ vừa chỉnh màu bộ ảnh sẽ giao trong chiều nay vừa trả lời tin nhắn cho một gia đình dự định book lịch chụp ảnh vào cuối tuần này.
Tốt nghiệp đại học ngành thiết kế truyền thông đa phương tiện, sau 2 năm thay đổi nhiều chỗ làm khác nhau, Quỳnh Như quyết định quay về quê làm freelancer. Mỗi ngày được rong ruổi trên những cung đường đẹp, chụp ảnh cho du khách không chỉ là công việc yêu thích mà còn mang lại cho cô nguồn thu nhập khá ổn định.
Còn với Khánh Ngân (32 tuổi, quận 7, TP.HCM), con đường trở thành freelancer cũng khá thú vị. Đợt nghỉ dịch năm rồi, trường mầm non tư thục nơi Ngân làm kế toán phải đóng cửa dài hạn.
Cô dùng thời gian rảnh rỗi để quay các bài tập yoga mình vẫn tập hằng ngày rồi đăng lên mạng xã hội như một kiểu giảm stress do ở nhà quá lâu. Không ngờ những clip ngắn ấy lại được người thân, bạn bè ủng hộ rất nhiều. Có người còn sẵn lòng trả thù lao để được cô hướng dẫn online các bài tập cô đã thực hiện.
Thấy được cơ hội mới, ngay sau hết thời gian giãn cách, Ngân đăng ký học các khóa học nâng cao, thi lấy bằng để trở thành huấn luyện viên yoga. Hiện tại, ngoài giờ dạy ở trung tâm, cô còn có lịch dạy online hoặc trực tiếp cho những người có nhu cầu.
Tự do nên cũng tự lo
Sau 6 tháng làm việc tự do, Hà Phương (26 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định xin làm toàn thời gian ở một công ty quảng cáo.
Cô cho biết mình làm freelancer “bất đắc dĩ” vì dịch bệnh bùng phát. Không nhiều kinh nghiệm cùng mối quan hệ, freelancer đối với Phương hầu như chỉ là chuỗi ngày dài chờ việc, thiếu tiền và không chế độ đãi ngộ.
Trên thực tế, công việc viết lách tự do giúp cô có được một khoản thu nhập nhất định. Nhưng so với thị trường việc làm nói chung thì mức thù lao này hơi thấp, trong khi Phương luôn bị áp deadline gấp gáp hoặc bị gọi điện vào ban đêm để sửa bài.
Không có hợp đồng chính thức với công ty, do vậy cũng không có lương ngoài giờ, lễ Tết. Khách hàng chỉ quan tâm điều duy nhất là chất lượng và tiến độ sản phẩm. Do đó, Hà Phương quyết định xin đi làm lại.
Hơn 1 năm kể từ khi hoàn thành dự án viết phần mềm cho một doanh nghiệp, Quốc Trung (30 tuổi, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) mới được khách thanh toán hợp đồng. Trước đó, anh cũng nhiều lần bị hủy ngang hợp đồng mà không được chi trả đầy đủ các chi phí đã bỏ ra.
Kỹ sư phần mềm này thừa nhận công việc tự do mang lại sự thoải mái cùng thu nhập tương đối tốt, nhưng đó không phải tất cả điều mà anh mong muốn. Bởi lẽ làm việc không có tổ chức, đoàn thể, anh nhận thấy mình có thể thoải mái, tự do nhưng khó có khả năng phát triển sự nghiệp.
Có những thời điểm phải chờ việc quá lâu, tâm trạng mình khá lo lắng, bất an vì thụ động trong thu nhập. Nhưng cũng có lúc khách hàng liên hệ tới tấp khiến anh phải thức khuya dậy sớm để chạy deadline như sắp kiệt sức đến nơi.
Quỳnh Như cũng cho rằng để có những khoảnh khắc chill ra phết (theo kiểu làm việc thư giãn, nhẹ nhàng, lãng mạn), những tấm hình lung linh mơ mộng là chuyện không hề đơn giản. Nhất là khi mỗi du khách là mỗi sở thích, mỗi tính cách khác nhau.
Ảnh chụp xong, khách lại chê này chê nọ, từ chối không nhận. Chưa kể nhiều hợp đồng nhận xong phải hủy khi rơi vào thời điểm Đà Lạt mưa gió cả 2-3 tuần.
Xu hướng gia tăng nhưng…
Khảo sát vào đầu năm 2022 của một công ty về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng toàn diện và điều hành mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý tại Việt Nam (với hơn 500.000 thành viên) cho thấy xu hướng chuyển từ việc làm cố định (fulltime) sang làm việc tự do tại Việt Nam đang gia tăng.
Có 14% nguồn nhân lực trí thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài.
Như vậy, hiện có tới 53% nguồn nhân lực trí thức tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (gig economy – nền kinh tế có sự tham gia của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi khách hàng).
Thực tế cho thấy không phải ngẫu nhiên mà số lượng người muốn trở thành freelancer ngày càng nhiều, bởi lẽ xu hướng làm việc này có nhiều ưu điểm phù hợp nhu cầu và mong muốn của các bạn trẻ.
Đó là sự linh hoạt và khả năng kiểm soát công việc. Một freelancer có thể làm việc vào bất cứ lúc nào họ muốn miễn là đảm bảo công việc hoàn thành đúng hạn.
Bạn cũng được quyền lựa chọn dự án mà mình yêu thích và thấy phù hợp, đồng thời bỏ qua những công việc mà mình không thích. Bên cạnh đó, mỗi người đều có thể làm nhiều dự án khác nhau cùng lúc để trau dồi thêm khả năng cho mình.
Các nghề nghiệp làm freelancer rất đa dạng để cho bạn thử sức mình với những điều mới mẻ.
Hơn thế nữa là cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài để tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế và gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên, freelancer cũng có những nhược điểm của nó. Đầu tiên là công việc không ổn định. Có những lúc bạn sẽ phải làm việc liên tục xuyên đêm nhưng cũng có khi được nghỉ ngơi cả tháng dài.
Là một freelancer cũng có nghĩa là bạn cần phải có một tính tự giác rất cao để có thể hoàn thành công việc đúng hạn. Không chỉ vậy, việc làm freelancer cũng có nghĩa là bạn chấp nhận phải cạnh tranh với rất nhiều người khác. Nếu không có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp và khả năng thực sự thì rất khó để bạn có thể tồn tại được.
Nguồn: Kênh 14